Đưa những chiếc răng khấp khểnh về đúng chỗ

18/08/2019 - 12:00

PNO - Hô là tình trạng rất nhiều người Việt mắc phải. Hô khiến ta thiếu tự tin khi giao tiếp.

Có thể khắc phục hô bằng cách niềng răng nhưng nhiều người lại e ngại hoặc không biết thời điểm nào là hợp lý để niềng răng.

Mấy tuổi mới được niềng răng?

Dua nhung chiec rang khap khenh ve dung cho
 

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Tấn Hùng - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM - tư vấn: “Tuổi chỉnh răng cho trẻ thay đổi tùy thuộc các giai đoạn phát triển của hệ thống sọ mặt - răng. 

- Với trẻ từ 3-7 tuổi (trẻ có hàm răng sữa): chỉ thực hiện các biện pháp phòng ngừa là chính. Mục tiêu trong giai đoạn này nhằm ngăn ngừa thói quen xấu của trẻ như: mút tay, thở miệng do VA (bệnh vùng hầu họng) khiến răng mọc lệch lạc.  

- Với trẻ 7-10 tuổi (trẻ vừa răng sữa và răng vĩnh viễn): giai đoạn này răng lệch lạc thường xuất hiện nên mục tiêu là điều chỉnh sự tăng trưởng của hệ thống sọ mặt - răng theo ba chiều không gian, đạt được góc độ phù hợp giữa răng hàm trên và hàm dưới.

Ở độ tuổi này, chỉ niềng răng cho những trẻ bị khiếm khuyết về bệnh lý răng hàm mặt. Cụ thể, những trẻ bị móm do xương hàm trên kém phát triển cần phải được điều trị sớm, lý tưởng là 7-8 tuổi. 

- Với trẻ từ 12-16 tuổi (giai đoạn sớm của hàm răng vĩnh viễn): đây là lứa tuổi niềng răng phù hợp. Lúc này, răng của trẻ đã phát triển hoàn chỉnh và việc điều chỉnh răng cũng dễ dàng thực hiện.

Việc chỉnh nha ở giai đoạn này giúp bác sĩ có thể can thiệp vào sự phát triển của xương theo không gian ba chiều. Bệnh nhân còn giảm tình trạng nhổ răng so với những người chỉnh nha sau 16 tuổi. Ngoài ra, người bệnh chỉnh nha ở giai đoạn này tạo thuận lợi cho sự phát âm bình thường, giảm thời gian và chi phí cho điều trị toàn bộ sau này. 

Dua nhung chiec rang khap khenh ve dung cho
 

Chú ý: một số phụ huynh thường đưa trẻ chưa đủ tuổi chỉnh nha đến các tiệm bán dụng cụ y khoa hoặc phòng mạch tư để mua dụng cụ tiền chỉnh nha nhưng lại nghĩ đó là dụng cụ chỉnh nha.

Điều này khiến phụ huynh chủ quan, bỏ qua giai đoạn vàng để điều trị cho trẻ. Đặc biệt, những trẻ bị hô do xương hàm gây ra buộc phải phẫu thuật cắt bỏ đoạn xương để điều trị, chứ không phải niềng răng như các trường hợp hô răng thông thường.

Hô kiểu nào thì đeo mắc cài, dạng nào phải mổ chỉnh xương?

Để điều trị niềng răng thành công, bác sĩ phải xác định chính xác bệnh nhân bị hô do răng vẩu hay xương hàm. 

Dua nhung chiec rang khap khenh ve dung cho
 

Nếu bệnh nhân bị hô do xương hàm buộc phải niềng răng trước 16 tuổi. Lúc này, bệnh nhân chỉ cần niềng răng đơn giản mà không phải phẫu thuật chỉnh hàm. Sau 16 tuổi, xương hàm đã trưởng thành, nếu muốn hết hô phải kết hợp giữa niềng răng và mổ cắt bỏ xương hàm. Tuy nhiên, một số bác sĩ “không dám nói ra sự thật” vì sợ mất khách, do bệnh nhân sợ đau hoặc không đủ chuyên môn nên vẫn tư vấn niềng răng đơn thuần. 

Nhiều trường hợp điều trị sai cách khiến bệnh nhân niềng răng 5-10 năm vẫn không hết hô, móm. Thậm chí niềng răng lâu dài còn dẫn đến tình trạng viêm nha chu nặng hơn (do bệnh nhân khó vệ sinh răng miệng), cười hở lợi (do hàm trên bị tụt xuống dưới).

Chưa kể, một số bệnh nhân vừa móm hàm trên vừa hô hàm dưới bị điều trị sai cách khiến khuôn mặt càng mất thẩm mỹ. Điển hình là cằm bệnh nhân đưa ra trước quá nhiều, còn vùng quanh mũi lép vào.

Riêng những bệnh nhân hô do răng thì trên 16 tuổi vẫn có thể niềng răng đơn thuần mà không phải cắt bỏ xương hàm.

Niềng răng bằng loại mắc cài nào để người khác không nhận ra?

Theo tiến sĩ - bác sĩ Võ Văn Nhân - Nha khoa Nhân Tâm TP.HCM - có nhiều loại mắc cài khác nhau để thực hiện niềng răng. Mắc cài trong chỉnh hình răng cơ bản được chia thành 3 nhóm:

Nhóm mắc cài gắn bên ngoài bề mặt răng: 

Mắc cài bằng kim loại: bị phàn nàn kém thẩm mỹ nhưng ưu điểm là ổn định, ít hư hỏng trong suốt quá trình điều trị và có thể áp dụng được cho tất cả tình huống lâm sàng từ đơn giản đến phức tạp.

Mắc cài bằng sứ hoặc bằng nhựa (có màu trắng hoặc trong suốt gần giống màu răng): thẩm mỹ hơn so với mắc cài bằng kim loại, nhưng dễ bị mòn cần phải thay mới, gây tốn kém kinh phí, thời gian, đồng thời ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Riêng mắc cài sứ không mòn nhưng có thể bị vỡ.

Mắc cài mặt lưỡi (gắn mặt trong của răng): đây là loại mắc cài gắn cố định bằng kim loại, thuận lợi về mặt thẩm mỹ nhưng chỉ áp dụng cho trường hợp sự lệch lạc răng ở mức độ nhẹ.

Loại không có mắc cài (invisalign - giới trẻ gọi là niềng răng vô hình): đây là dạng máng nhựa trong suốt không cần mắc cài nên rất thẩm mỹ, cần đeo 22 tiếng/ngày nên sẽ có những khoảng thời gian tháo ra, dễ dàng thực hiện vệ sinh răng miệng.

Tuy nhiên, mỗi quy trình điều trị cần phải thay từ 20-40 máng. Mỗi máng đeo trong hai tuần. Người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo máng đủ thời gian, đúng trình tự đồng thời tuân thủ đúng lịch hẹn với bác sĩ.

Dua nhung chiec rang khap khenh ve dung cho
 

Chụp X-quang để niềng răng có nguy hiểm?

Chụp X-quang là điều bắt buộc cho tất cả trường hợp chỉnh hình răng vì nó cực kỳ hữu ích trong toàn bộ 3 giai đoạn điều trị (khảo sát, lập kế hoạch trước khi điều trị; theo dõi diễn tiến trong quá trình điều trị; đánh giá kết quả sau điều trị, theo dõi tái phát và những biến chứng).

Mặt khác, X-quang trong nha khoa là X-quang kỹ thuật số nên liều lượng tia X thấp hơn nhiều so với chụp phim phổi bình thường nên người bệnh không nên lo ngại. 

Niềng răng có bắt buộc nhổ răng? 

Ở những bệnh nhi 10-12 tuổi, đang trong độ tuổi tăng trưởng nhưng bị hô răng hoặc răng thiếu chỗ mọc nên mọc chen chúc ở mức độ vừa phải, bác sĩ có thể xem xét áp dụng khí cụ nong rộng hàm để hạn chế khả năng phải nhổ răng. 

Do vậy, việc khám và điều trị chỉnh nha sớm khi bệnh nhân còn trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển là cần thiết để hạn chế việc nhổ răng hay phẫu thuật chỉnh hàm sau này.

Trong trường hợp răng có sự chen chúc nhẹ có thể áp dụng kỹ thuật mài kẻ mà không cần phải nhổ răng.

Đối với những bệnh nhân qua giai đoạn trưởng thành có hàm hẹp, răng chen chúc nhiều thì phải nhổ răng vì lúc này không thể nong hàm được nữa.
Những bệnh nhân có răng ngầm, răng dư, răng cản đường di chuyển của những răng cần chỉnh cũng phải nhổ.

Bệnh nhân có răng khôn (răng số 8) cần phải nhổ vì có thể làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Vì răng này thường mọc sau cùng trên cung hàm nên có thể đẩy các răng khác dịch chuyển về phía khiến răng bị hô... 

Niềng răng bao lâu?

Nếu hô do xương, bệnh nhân chỉ cần mổ một lần sẽ hết hô ngay sau ca mổ. Nếu hô do răng, bệnh nhân chỉ cần niềng răng trong 2 tiếng, còn niềng răng do móm kéo dài 1-2 tiếng. Tuy nhiên, nếu niềng răng, người bệnh sẽ tái khám nhiều lần trong thời gian điều trị. Thời gian niềng răng kéo dài hai năm.
Chi phí niềng răng và phẫu thuật xương hô dao động từ 25-150 triệu đồng. 

Tác dụng phụ của niềng răng

Dễ bị sâu răng do vệ sinh mắc cài không tốt, làm viêm tủy. Nếu chết tủy răng phải lấy tủy.

Làm tiêu chân răng, khiến răng ngắn lại rõ rệt, yếu đi.

Hầu hết ca niềng răng nào cũng tái phát tình trạng hô móm do răng có xu hướng xoay trục trở lại vị trí ban đầu hoặc răng bị chạy. Do đó, sau khi niềng răng buộc phải mang khí cụ duy trì kết quả niềng răng thêm hai năm, một số người mang khí cụ này cả đời. 

Niềng răng kiêng ăn gì?

Khi đeo mắc cài phải tránh ăn thực phẩm có độ dính cao như bánh bột lọc, kẹo cao su… hoặc những thức ăn cứng như: cóc, ổi, mía… Việc gặm hột xoài, gặm bắp, nhai thịt gà… cũng có thể làm rơi mắc cài.

Sau khi ăn uống phải vệ sinh răng sạch sẽ bằng bàn chải kẽ răng, tăm nước (máy xịt nước để rửa răng); nếu không răng sẽ bị sâu, nướu sưng phù nề.

Nhuận Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI