 |
Người dân huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An thu hoạch keo non để bán khi thấy được giá - Ảnh: Phan Ngọc |
Keo làm giảm sức chống chịu của núi đồi
Ở sâu trong khe Định dưới chân những ngọn núi trồng keo, người dân tổ 1, thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo sạt lở núi. Cư dân Huỳnh Thị Lài kể, mùa mưa năm 2023, đất đá từ trên núi sạt xuống làm hư ruộng vườn, chuồng gia súc, may mà không ai bị thương. Giờ cứ mỗi lần trời mưa, bà lại cầu trời không có sạt lở.
Bà Lài phải dọn sẵn con đường băng qua rừng keo trước nhà dẫn ra đường lớn, phòng khi có bất trắc, né con đường dọc khe. Bà kể thêm, năm 1999, gia đình bà chạy lụt lên khe Định nhưng nay, các ngọn núi phía trên khe toàn rừng keo, không giữ nổi đất, tránh lụt hướng đó càng thêm nguy hiểm. Dọc khe Định có 7 hộ dân, ai cũng có nỗi lo như bà Lài.
Cách đó không xa, hàng chục hộ dân sống dưới chân núi Sọ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang cũng nơm nớp sợ núi lở.
Theo Ban Chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025 TP Đà Nẵng, tỉ lệ che phủ rừng toàn thành phố đang tuột dốc theo từng năm và thấp hơn so với mức trung bình 47% đặt ra trong mục tiêu chiến lược: năm 2021 là 47,17%, năm 2022 là 45,5%, năm 2023 là 44,77%.
Cây keo không giữ được đất ở các vùng sườn đồi có độ dốc cao. Chi cục sẽ kiến nghị giải pháp chuyển đổi cây trồng, theo hướng trồng cây lâu năm không lấy gỗ ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Ông Phan Thế Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng |
Nguyên nhân là do thời tiết cực đoan khiến rừng ở nhiều khu vực bị sạt lở, gãy đổ (chủ yếu là rừng trồng), tâm lý bất an khiến các chủ rừng khai thác sớm, chất lượng rừng không cao, năng suất thấp.
Ở tỉnh Quảng Nam, gần 5 năm trôi qua, dấu tích của những trận sạt lở kinh hoàng ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) và các xã vùng cao huyện Phước Sơn vẫn còn. Mùa mưa năm ngoái, nhiều huyện miền núi tỉnh này bị sạt lở, chính quyền địa phương phải di dời dân.
Ông Từ Văn Khánh - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam - cho biết, tính đến hết năm 2024, tỉnh có 681.935,35ha rừng, trong đó có 461.326,57ha rừng tự nhiên và 220.608,78ha rừng trồng với 90% là cây keo.
Ở TP Huế, từ đầu năm 2024 đến nay, chỉ riêng ở huyện Phú Lộc, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 30 vụ chặt, xâm lấn rừng tự nhiên để trồng keo. Việc phá rừng trồng keo, mở đường tràn lan để các phương tiện cơ giới vào khai thác keo là một trong những nguyên nhân gây sạt lở núi ở các huyện, thị của TP Huế.
 |
Đốt rừng trồng keo tại Km36 đường cao tốc La Sơn - Hòa Liên gần vườn quốc gia Bạch Mã, thuộc TP Đà Nẵng - Ảnh: Lê Đình Dũng |
Tìm cách phát triển rừng gỗ lớn
Thời gian qua, gỗ keo tăng giá khiến dân khai thác keo ồ ạt, làm cho nhiều đồi, núi ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh mau chóng trơ trụi. Ông Nguyễn Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Phú Gia, huyện Hương Khê - cho biết, toàn xã có 1.600ha rừng trồng, chủ yếu là cây keo. Để tránh tình trạng “rừng trắng cây”, UBND xã chỉ có thể vận động người dân thu hoạch kiểu cuốn chiếu, tức vừa thu hoạch, vừa trồng mới.
Ông Nguyễn Văn Bằng - Phó phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An - cho biết, toàn tỉnh có gần 170.000ha rừng keo nguyên liệu, chiếm 90% diện tích rừng trồng, mỗi năm khai thác gần 20.000ha. Chất lượng rừng trồng ở Nghệ An chưa cao, hiệu quả kinh tế còn thấp do chủ yếu là trồng keo theo chu kỳ kinh doanh ngắn.
“Thu hoạch keo còn non làm giảm 1/3 lợi nhuận so với keo đủ tuổi, nhưng do cuộc sống khó khăn, nhiều người vẫn thường thu hoạch sớm” - ông nói.
Ông Thái Văn Hoài Nam - Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng - cho biết, người dân trong xã phàn nàn việc trồng keo, khai thác keo gây sạt lở. UBND xã đang tính đến việc chuyển đổi cây rừng trồng. Năm ngoái, chính quyền địa phương đã phối hợp với Trung tâm GreenViet trồng 62.119 cây gỗ lớn như sao đen, lát hoa, sim lá đỏ… trên diện tích 42,5ha của 15 hộ dân.
 |
Nhiều ruộng đồng ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng bị hư hại do hoạt động trồng keo, khai thác keo và khoáng sản - Ảnh: Lê Đình Dũng |
Bên cạnh việc trồng rừng, GreenViet cũng hỗ trợ vật nuôi cho chủ rừng để có thu nhập trong thời gian chờ khai thác gỗ, bởi cây gỗ lớn cần nhiều thời gian để phát triển.
Người dân Cơ Tu ở làng Toom Sara, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang cũng vừa thực hiện dự án “Rừng ơi, thở đi”. Với diện tích đất rừng hơn 75ha người dân sẽ dành 93% (khoảng 70ha) để trồng cây rừng bản địa như chò chỉ và những giống cây nhỏ khác cộng sinh dưới tán rừng, tạo sinh kế phát triển bền vững.
Ông Từ Văn Khánh cho hay, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như AFTA, CPTTP, trong đó có yêu cầu về điều kiện xuất khẩu gỗ và lâm sản theo hướng quản lý bền vững. Do đó, việc trồng rừng theo hướng kinh doanh gỗ lớn là yêu cầu cấp thiết.
Trong thời gian tới, ngành lâm nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh việc cung ứng các giống cây lâm nghiệp chất lượng cao cho dân; phát triển rừng trồng cây gỗ lớn với diện tích 140.000-150.000ha. Đối với rừng sản xuất, ngành chú trọng phát triển rừng trồng lấy gỗ theo hướng đạt chứng chỉ rừng FSC nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Ông cho hay, UBND tỉnh cũng sẽ tăng cường kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư trồng mới rừng để tạo ra lượng tín chỉ các bon lớn và mua bán chúng, giúp các doanh nghiệp đáp ứng quy định về hạn mức phát thải khí các bon bắt buộc.
 |
Dự án trồng rừng cây gỗ lớn tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng - Ảnh: Lê Đình Dũng |
Vì sao dân không chuộng trồng rừng gỗ lớn? Tỉnh Nghệ An có hơn 200.000ha đất rừng sản xuất nhưng có gần 90% diện tích là rừng keo. Trong các năm qua, UBND tỉnh Nghệ An đã có chính sách hỗ trợ 5 triệu đồng/ha cho những hộ trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng bằng cây bản địa. Nhưng đến nay, toàn tỉnh chỉ có 32.000ha rừng gỗ lớn, chiếm 20% diện tích rừng trồng, số còn lại vẫn là rừng keo. Người dân cho biết, giá cây keo lên xuống thất thường nhưng cây keo lại dễ trồng, ít công chăm sóc, thời gian thu hoạch ngắn. Bà Võ Thị Nhung - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An - cho biết, trồng rừng gỗ lớn phải trải qua chu kỳ 8-10 năm đối với cây mọc nhanh, hàng chục năm đối với cây mọc chậm. Trong khi đó, ở các vùng núi, địa hình hiểm trở, người dân có điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu vốn, cần thu hoạch nhanh nên chưa mặn mà với cây gỗ lớn. Hơn nữa, số nhà máy chế biến gỗ chuyên sâu còn ít khiến việc tiêu thụ cây gỗ lớn chưa thuận lợi. TP Huế có khoảng hơn 12.400ha rừng trồng cây gỗ lớn, chỉ đạt khoảng 24% tổng diện tích 50.000ha rừng trồng được quy hoạch. Tuy nhiên, việc phát triển rừng trồng gỗ lớn - đặc biệt là rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC - gặp nhiều trở ngại. Ông Lê Trọng Dũng - hội viên chi hội chủ rừng xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy - cho biết, phần lớn chủ rừng chưa thấy rõ lợi ích từ việc được cấp chứng chỉ rừng và còn lo ngại về đầu ra của gỗ có chứng chỉ rừng. Ông nói: “Giá thu mua gỗ dăm thất thường, lại không cao (1,1-1,5 triệu đồng/tấn) nên nhiều chủ rừng chưa quyết tâm trồng rừng gỗ lớn. Các chủ rừng cũng ngại trồng cây gỗ lớn bởi chúng dễ gãy đổ khi gặp bão, lốc”. |
Đình Dũng - Thuận Hóa - Phan Ngọc