Học sớm vì sợ... trễ
Rút kinh nghiệm từ đứa con lớn khá vất vả khi không được học chữ trước khi vào lớp Một, chị Lâm Thị Phương (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã đưa con gái thứ hai mới lên năm tuổi đến nhà cô T.H., giáo viên chuyên dạy tiền lớp Một khá có tiếng ở P.14, Q.Tân Bình, để đăng ký cho con học.
Thế nhưng, chị vẫn chậm một bước vì các lớp tiền lớp Một của cô H. đã kín chỗ từ năm trước và cô chỉ nhận các bé đã từng học ở đây từ… lớp chồi.
Chị Phương cho hay: “Đối với phụ huynh chuẩn bị cho con vào lớp Một ở khu vực Q.Tân Phú, Q.Tân Bình thì cô H. có tiếng là “mát tay” nên dù lớp của cô có học phí cao phụ huynh vẫn muốn gửi con vào học. Cô chỉ kèm tối đa năm bé/lớp, mỗi tuần học ba buổi, thời lượng 1,5 giờ/buổi. Nhưng tôi đăng ký không kịp, đành đưa con qua nơi khác học”.
|
Nhiều trẻ mầm non đang học tại lớp học tiền lớp Một tại Hà Nội - Ảnh: Mai Trúc |
“Con chị biết đọc chưa?”, chị Tâm Anh, phụ huynh lớp lá Trường mầm non Phú Mỹ (Q.7, TP.HCM) được một phụ huynh khác hỏi. Khi chị trả lời chưa thì vị phụ huynh kia thảng thốt, bởi chị ấy đã cho con học từ hè khi chuẩn bị vào lớp lá.
Chị Tâm Anh kể: “Phụ huynh ấy phán ngay vậy là con tôi vào lớp Một sẽ không theo kịp chương trình, vì hầu hết trẻ trước khi vào lớp Một đều đã đọc được chữ, làm được toán cộng. Cả lớp biết đọc biết viết hết nên cô sẽ không chờ con mình. Tôi nghe xong lo lắng nên đã đăng ký vào lớp của một cô giáo vừa nghỉ hưu”.
Từ đầu năm học đến nay, cứ 16g30 hằng ngày, chị Hoàng Thanh (Nam Trung Yên, TP.Hà Nội) lại vội vã từ chỗ làm về trường mầm non đón con, rồi đưa vào lớp tiền lớp Một. Đó là một trung tâm khá đắt đỏ, học phí một buổi từ 100.000-150.000 đồng, và chỉ học hai môn toán và tiếng Việt.
Chị Thanh cho biết: “Trên các diễn đàn dành cho các mẹ có con chuẩn bị vào lớp Một, các phụ huynh chia sẻ rằng chương trình lớp Một mới rất nặng và khó. Do đó, nếu không cho con học trước, tôi sợ sẽ không theo kịp. Ở trường mẫu giáo, cô có dạy nhưng không nhiều, chủ yếu là làm quen bảng chữ cái nên gia đình phải tự chuẩn bị”.
Dù chương trình lớp Một được thiết kế cho trẻ chưa biết gì nhưng thực tế làn sóng cho con học trước chương trình lớp Một vẫn rầm rộ. Càng lúc, độ tuổi học chữ càng sớm, dù khoa học giáo dục đã nghiên cứu và chứng minh trẻ nên bắt đầu học lớp Một từ sáu tuổi. Ở hầu hết các trường tiểu học, học sinh vừa vào lớp Một đã đọc thông viết thạo, làm được phép tính đơn giản…
Phụ huynh không yên tâm…
Các nhà sư phạm đều khuyên cha mẹ chỉ cần chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng tâm thế để chuyển từ chơi ở lứa tuổi mầm non sang học tập nền nếp khi vào lớp Một. Ngoài ra, ở lớp lá, học sinh đã được làm quen với 24 chữ cái, ngồi đúng tư thế, biết cách cầm viết đúng, số đếm… như vậy là đủ. Nhưng vì sao phụ huynh không thể yên tâm khi con mình “chưa biết gì”?
Không cho con học trước và cái kết là con bị tụt lại phía sau, ngán học là bài học kinh nghiệm mà chị Thục Minh ở Q.3 rất thấm thía: “Tôi nghe theo lời khuyên của chuyên gia giáo dục là không nên cho con học trước, để trẻ phát triển tự nhiên. Kết quả là đến giữa học kỳ I, con vẫn không thể đọc thông viết thạo trong khi bạn bè thì đã làu làu. Cô thì liên tục nhắc, mỗi ngày con phải “bơi” trong âm, vần mới, khiến tôi cũng mệt mỏi theo”.
Trẻ vào lớp Một đúng ra chỉ cần thuộc âm, nhớ được bộ chữ cái nhưng khi mà đứa trẻ nào cũng được cho đi học trước đã biến những học sinh chưa biết chữ trở thành hiếm.
Dần dà, ở một số trường, giáo viên đánh đồng trình độ theo số đông để dạy cho cả lớp khiến những học sinh chưa học trước không theo kịp. Đó lại trở thành lý do để phụ huynh càng tin vào các lớp tiền lớp Một hiệu quả và lại càng đưa con đi học sớm, học trước chương trình.
Một vị phó phòng giáo dục và đào tạo thừa nhận: Do phần đông cha mẹ cho con học trước nên đã xảy ra tình trạng giáo viên lớp Một dạy không đúng phân phối chương trình, không dạy kỹ theo yêu cầu vì nghĩ rằng học sinh đã biết rồi. Điều này dễ dẫn đến tác dụng ngược.
Vị này dẫn chứng: Hầu hết những em đã biết đọc không còn hứng thú nghe thầy cô dạy, chủ quan, biết trước nhưng biết trật. Còn những em không học trước lâm vào khủng hoảng vì không theo kịp bạn. Đầu năm học, lẽ ra mặt bằng lớp phải đồng đều thì lại phân hóa thành nhiều trình độ khác nhau khiến giáo viên rất vất vả, nhất là khi sĩ số lớp đông.
Ngộ nhận giáo dục sớm thành dạy trước chương trình
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục Trường đại học Giáo dục, nếu làm tốt giáo dục sớm giai đoạn từ 0-5 tuổi sẽ tạo nền tảng, giúp trẻ hình thành những kết nối cơ bản trong bộ não, để có năng lực phát triển về nhận thức xã hội sau này. Ở giai đoạn giáo dục sớm, sự phát triển bộ não của đứa trẻ linh hoạt, mềm dẻo nhất và đứa trẻ học qua mọi giác quan.
Về sự phát triển của bộ não, những kết nối thần kinh của trẻ giai đoạn 0-5 tuổi bao giờ cũng nhiều hơn gấp đôi, gấp ba so với bộ não khi trưởng thành nên tập trung giáo dục sớm trong giai đoạn này rất tốt. Ở giai đoạn này, dạy gì trẻ cũng tiếp thu rất tốt, kể cả học chữ, toán học hay tiếng Anh…
Tuy nhiên, ông Nam thẳng thắn chỉ ra rằng, hiện chúng ta đang hiểu sai. Bản chất giáo dục sớm là dựa trên các nghiên cứu về não bộ và thiết kế hoạt động giáo dục phù hợp với bộ não của trẻ, chứ không chỉ đơn thuần học kiến thức. Đây là giai đoạn nền tảng nên quan trọng nhất là giáo dục về mặt tố chất, các phẩm chất, giá trị nền tảng để về sau làm cơ sở giúp các em lĩnh hội kiến thức, chứ không phải học trước kiến thức.
Còn tiến sĩ Trịnh Thị Sim, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương, nhấn mạnh, giáo dục sớm là làm sao để trẻ từ 0-6 tuổi phát huy nội lực và có điều kiện phát triển tốt nhất. Giáo dục sớm đã có từ lâu nay chỉ có điều ta có làm đúng, làm trúng mục đích hay không. Giáo dục sớm không phải dạy trước chương trình của năm sau.
|
Tiêu Hà - Đại Minh