Khách sạn “chết chùm” theo du lịch
Các thông tin rao bán khách sạn ba sao, bốn sao, vị trí đẹp, giá rẻ đang xuất hiện khắp các trang mạng, sàn giao dịch bất động sản (BĐS). Theo ghi nhận của chúng tôi, trên các trục đường ở TPHCM như Bùi Thị Xuân, Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Trần Đình Xu, Nguyễn Thái Bình, Phạm Hồng Thái, Lê Thị Riêng, Sương Nguyệt Anh (Q.1), rất nhiều khách sạn được rao bán với giá khoảng từ 35 - 1.000 tỷ đồng tùy vị trí, hạng sao và diện tích.
Một khách sạn bốn sao trên đường Sương Nguyệt Anh, P.Bến Thành, Q.1 có diện tích 970m2, 10 tầng, 84 phòng được chào bán với giá 50 triệu USD (gần 1.170 tỷ đồng). Một khách sạn bốn sao khác trên đường Lý Tự Trọng, Q.1 có quy mô 120 phòng được rao bán với giá 900 tỷ đồng, giảm 80 tỷ đồng so với đợt rao bán cách nay bốn tháng, nhưng vẫn chưa có người mua.
|
Hàng loạt khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1 đang được rao bán |
Anh Nguyễn Thanh Hiếu - người đang rao bán một khách sạn ba sao, bảy tầng trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.1 với giá 310 tỷ đồng - than: “Khoảng một năm qua, tôi đã giảm giá phòng khoảng 80% nhưng lượng khách đặt phòng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vừa qua, tôi đã cắt giảm phần lớn nhân sự nhưng nguồn thu vẫn không đủ bù vào chi phí vận hành”.
Theo Sở Du lịch TPHCM, trong nửa đầu năm 2021, TPHCM có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng ba sao hoặc tương đương phải tạm ngưng hoạt động, các cơ sở lưu trú hạng bốn, năm sao hoặc tương đương chỉ hoạt động cầm chừng; doanh thu lưu trú giảm 70%, doanh thu hoạt động ăn uống giảm 80%, doanh thu các hoạt động dịch vụ khác giảm 68% so với năm 2019.
Theo lãnh đạo một sàn môi giới BĐS ở Q.7, TPHCM, thời gian gần đây, lượng khách hàng đăng ký gửi bán khách sạn ngày càng nhiều, có thời điểm lên đến 30 - 40 căn/tháng. Phần lớn các khách hàng đều yêu cầu tìm cách bán gấp, chấp nhận giảm giá thêm nếu người mua có thiện chí. Tình trạng bán tháo khách sạn cũng diễn ra đồng loạt ở một số địa phương khác như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), TP. Đà Nẵng…
Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương - chia sẻ: “Trước các đợt bùng phát dịch bệnh, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu khai thác và phục vụ 80 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2021, tương đương lượng khách đạt được trong năm 2019. Trong những lần bùng phát dịch COVID-19 trước đây, ngành du lịch gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cầm cự được, nhưng lần thứ tư này, họ “đuối” hoàn toàn. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng không cho thuê lưu trú được, cũng không tổ chức được hoạt động MICE (du lịch kết hợp hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện)”.
Tái cơ cấu, nhắm đến dài hạn
Theo chuyên gia BĐS Phan Công Chánh, khi dùng đòn bẩy tài chính trong đầu tư càng lớn thì lợi nhuận tạo ra càng lớn, nhưng nó cũng khuếch đại khoản lỗ khi thị trường biến động. Sau gần hai năm dịch bệnh, đến nay, các khoản lỗ khuếch đại quá giới hạn chịu đựng của các chủ đầu tư, buộc họ phải bán. Trong khi đó, cũng do dịch bệnh, người mua đang ở trạng thái phòng thủ nên việc chốt giao dịch rất khó dù chủ đầu tư chấp nhận giảm giá.
Ông David Jackson - Tổng Giám đốc Colliers International Việt Nam, một công ty môi giới BĐS - thông tin, hai năm nay, ngành du lịch vắng du khách khiến các chủ khách sạn phải gồng mình chịu lỗ hoặc rao bán khách sạn để cắt lỗ. Các khách sạn đang được rao bán ở nhiều phân khúc, giá rẻ hơn so với trước đại dịch từ 15 - 25%. Áp lực từ các khoản vay ngân hàng là nguyên nhân khiến họ phải đi đến quyết định này.
Hiện có một số khách sạn đăng ký làm nơi cách ly người mắc và nghi mắc COVID-19 (F0, F1) nhưng con số này không nhiều và chi phí vận hành có thể cao hơn bình thường do phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng, chống dịch. “Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa biết khi nào ngành du lịch có thể quay lại trạng thái bình thường. Nếu Việt Nam khống chế thành công đại dịch sớm, ngành du lịch cũng khó hồi phục ngay mà cần thêm 1 - 2 năm. Chi phí để “nuôi” một khách sạn trong 1 - 2 năm là rất lớn, nên nhiều chủ phải đưa ra quyết định rao bán khách sạn” - ông David Jackson nhận định.
Theo ông David Jackson, thời điểm này, các chủ khách sạn nên tập trung vào các chương trình kích cầu nội địa, hướng thêm đến phân khúc khách hàng mục tiêu là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Du lịch tại chỗ (staycation) có thể là xu hướng phù hợp khi mà việc du lịch đến nước khác tạm thời chưa thực hiện được. Các giải pháp để trở thành điểm đến hàng đầu của khách hạng sang, có nhu cầu lưu trú dài ngày cũng nên được tiến hành bài bản hơn. Chủ đầu tư khách sạn, nhà hàng nên tính toán lại dòng tiền, cân đối danh mục đầu tư, “thắt lưng buộc bụng” để cầm cự và hướng đến các mục tiêu dài hạn.
Ông Hylton Lipkin - Tổng Quản Lý Alba Wellness Valley by Fusion tại TP. Huế - cũng cho rằng, đây là thời điểm mà các chủ khách sạn xem xét, đánh giá lại cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, nhằm phân bổ các nguồn lực hiệu quả hơn. Các biện pháp này không chỉ để thích nghi và tồn tại trong hiện tại mà còn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khách sạn trong tương lai”.
Bích Trần