Trong 3 tập 9, 10 và 11 của chương trình Đường đến danh ca vọng cổ 2017, các thí sinh của 3 đội phải trải qua thử thách hát vọng cổ theo chủ đề nhạc hiện đại. Nghe có vẻ lạ tai, hứa hẹn nhiều điều cho sự phối hợp 2 trường phái gần như đối nghịch này nhưng thực tế, chương trình đã tạo nên những tiết mục vô cùng gượng gạo về mạch hát, cách dàn dựng. Trong khi đó, thí sinh sự thi cũng phải chịu trận vì không hát được thể loại này.
|
Thí sinh hát vọng cổ kết hợp cùng nhạc hiện đại trong vòng thi thứ ba của Đường đến danh ca vọng cổ 2017 |
Qua 2 tập phát sóng, đã có 10 thí sinh dự thi với những tiết mục theo chủ đề trên. Trong đó, có đến 5 tiết mục, thí sinh gặp vấn đề với những bài hát mang âm hưởng hiện đại. Đội của nghệ sĩ Thanh Hằng thất thế hơn hẳn khi có đến 3 học trò có phần hát nhạc không trọn vẹn, thậm chí chông chênh ngay phần vọng cổ.
Thí sinh Tô Tiểu Long chọn thể hiện ca khúc Ba kể con nghe của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong. Sau khi hoàn thành tiết mục, học trò Thanh Hằng mất tự tin hẳn. Anh chàng tâm sự rằng “hát tân nhạc không được, hát hoài, tập hoài cũng không được”. Huấn luyện viên Kim Tử Long phải cho rằng chẳng thấy được thí sinh này hát ở đoạn nào.
Cứu học trò cho một tiết mục không thành công, Thanh Hằng chia sẻ: “Đây là chủ đề chương trình đưa ra, nếu em thể hiện tốt thì ổn, còn đây là sở đoản nên em cố được đến đâu thì cố”.
|
Thí sinh Tô Tiểu Long trong đêm thi thứ 9, thể hiện ca khúc Ba kể con nghe của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong |
Video clip tiết mục của Tô Tiểu Long:
Ca khúc Chiếc khăn piêu của nhạc sĩ Doãn Nho cũng được Thanh Hằng mang vào phần thi của Trần Thanh Cường. Lại một lần nữa, học trò của nữ nghệ sĩ không thành công khi phần hát bị chênh, âm điệu bị kéo dài chứ không réo rắt, nhịp phách rõ ràng. Hơn nữa, việc hoà giai điệu của bài hát và tính chất của vọng cổ trong tiết mục của Trần Thanh Cường đã không thuyết phục được người nghe.
Trong tập 10 vừa lên sóng tối qua (8/12), một lần nữa, thí sinh đội Thanh Hằng thất bại trong chủ đề nhạc hiện đại. Với bài hát Nắm lấy tay anh gắn liền với ca sĩ Tuấn Hưng, thí sinh Hoàng Việt Trang tạo cảm giác đang trả bài. Động viên tinh thần chàng trai này, Kim Tử Long cho rằng đó là sở đoản nên có thể “tạm chấp nhận”.
|
Thí sinh Hoàng Việt Trang (trái) |
Tình trạng trên cũng xảy ra với thí sinh Nhã Thy đội Thoại Mỹ khi trình bày ca khúc Cho em gần anh thêm chút nữa, một sáng tác của Tăng Nhật Tuệ. Nữ thí sinh bộc bạch rằng “quen hát cải lương nên tập dòng nhạc trẻ rất khó khăn”.
|
Thí sinh Nhã Thy đội Thoại Mỹ trong tiết mục Cho em gần anh thêm chút nữa |
Trong khi đó, ca sĩ Hà My đội Kim Tử Long, một giọng hát từng nổi tiếng với dòng nhạc bolero, trữ tình cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả khi thể hiện ca khúc Mưa trong lòng của nhạc sĩ Trịnh Đình Quang. Tiết mục được dàn dựng theo hơi hướng cổ trang, khiến bài hát một đường, kịch bản một nẻo. Dẫu vậy, đây vẫn là tiết mục được xem là khá hơn các thí sinh còn lại trong đêm mở màn của vòng thi nhạc hiện đại.
Ngay khi bước vào vòng thi này, Thanh Hằng đã nêu lên một thực tế rằng trước nay chỉ dân ca hoặc bolero, thông thường sẽ hoà được với cổ nhạc vì có sự gần gũi âm điệu. Mọi thứ sẽ trở nên rất khó khăn, thử thách với các thí sinh khi đưa nhạc hiện đại vào vọng cổ. Chỉ cần bằng cảm quan thông thường, người nghe hoàn toàn có thể thấy được sự khác biệt rất lớn giữa 2 dòng nhạc này.
|
Thanh Hằng chia sẻ về vòng thi khó khăn này khi đưa nhạc hiện đại vào vọng cổ |
Nhìn lại những tiết mục được tán dương trong 2 đêm thi vừa qua, thí sinh Võ Thị Trí, Trúc Phương đội Thoại Mỹ hay Hoàng Đông đội Kim Tử Long đều chọn những ca khúc mang âm hưởng bolero, trữ tình quê hương như: Chị đi tìm em (sáng tác Vũ Quốc Việt), Chuyện tình không dĩ vãng (sáng tác Tâm Anh) và Vợ tôi (sáng tác Mạnh Quỳnh). Nếu xét về chủ đề như NSX đưa ra, những tiết mục này có thể chưa đáp ứng đúng tính chất của dòng nhạc nhưng mang lại thành công cho thí sinh nhiều hơn thí sinh hát nhạc trẻ.
|
Trúc Phương đội Thoại Mỹ trong phần thi ở tập 9 |
So các phần trình diễn trong 2 đêm thi với nhau, việc phối nhạc hiện đại vào vọng cổ hoàn toàn không hiệu quả. Thử thách này không giúp thí sinh bộc lộ được khả năng, trái lại còn khiến họ lộ nhược điểm trong giọng hát, phải chịu trận theo kiểu “cố đến đâu được thì cố”.
Thử hỏi, một tiết mục trình diễn đầy áp lực và sự gượng gạo như thế liệu có chạm đến trái tim khán giả? Nghệ thuật luôn cần sự sáng tạo nhưng giới hạn đến đâu luôn cần sự sáng suốt, tỉnh táo và có hiểu biết. Xin đừng nhân danh sáng tạo mà ép uổng những giá trị truyền thống đi vào sự bát nháo, lộn xộn!
Thuỵ Khuê