Đưa người trẻ khỏi những lựa chọn tiêu cực

02/05/2022 - 06:49

PNO - Tự sát là khi trẻ tự kết liễu cuộc đời của mình do quyết định bộc phát hoặc có kế hoạch. Tuy nhiên thực tế không phải lúc nào tự sát cũng có nghĩa là đứa trẻ thực sự muốn chết, mà đó có thể là cách để tìm kiếm sự giúp đỡ trong tuyệt vọng.

Tự sát gia tăng ở thanh thiếu niên 

Vào một buổi tối tháng 4/2021, một cô bé 13 tuổi ở ngoại ô Minneapolis (Mỹ) đã tức giận bật dậy khỏi chiếc ghế trong phòng khách và chạy vào rừng. Ngay trước đó, mẹ cô bé - Linda - đã xem trộm điện thoại của con gái mình. Điều đó khiến cô bé tức giận giật lấy điện thoại và bỏ trốn. Linda hoảng hốt trước những bức ảnh cô nhìn thấy trên điện thoại. Một số thể hiện cảnh con cô tự làm hại bản thân bằng những vết cắt trên mắt cá chân. Thực tế, Linda đã chứng kiến ​​con mình rơi vào vòng xoáy trầm cảm nặng, tự làm hại bản thân, thậm chí cố gắng tự tử. 

Ở Mỹ, thanh thiếu niên đang trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ. Ba thập niên trước, các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất đối với thanh thiếu niên đến từ việc uống rượu say, lái xe trong tình trạng say xỉn, mang thai ở tuổi vị thành niên và hút thuốc. Những rắc rối này đã giảm mạnh, thay vào đó là một mối quan tâm mới về sức khỏe cộng đồng khi tỷ lệ rối loạn sức khỏe tâm thần tăng vọt. 

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), đối với những người trẻ từ 10 - 24 tuổi, tỷ lệ tự tử vốn duy trì từ năm 2000 - 2007 đã tăng gần 60% vào năm 2018. Sự suy giảm sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên còn tăng lên do đại dịch COVID-19.

Nhà tâm lý học Candice Odgers - Đại học California, Irvine - cho biết: “Những người trẻ tuổi được giáo dục nhiều hơn ít có khả năng mang thai, sử dụng ma túy, ít có nguy cơ tử vong do tai nạn hoặc thương tích hơn. Nhìn chung, trẻ em đang phát triển rất tốt. Nhưng cũng có những xu hướng thực sự đáng quan ngại về chứng rối loạn lo âu, trầm cảm và tự tử gia tăng”.

Tương tự, một nghiên cứu được công bố vào năm 2021 cho thấy, số người từ 10 - 24 tuổi ở Singapore được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm đã tăng gấp bốn lần từ năm 2013 - 2018. Vào nửa cuối năm 2020, trong cuộc thăm dò của Hội đồng Thanh niên Quốc gia Singapore, 52% thanh niên cho biết, sức khỏe tinh thần là thách thức mà họ đối mặt hằng ngày. Cùng năm đó, tỷ lệ tự tử ở những người từ 10 - 19 tuổi tăng lên, đạt mức cao nhất kể từ năm 2012.

Tác động của gia đình, nhà trường và mạng xã hội 

Phần lớn các cuộc thảo luận về việc tăng cường hỗ trợ sức khỏe tâm thần tập trung vào trường học, nơi thanh thiếu niên vật lộn với không chỉ áp lực học tập mà còn cả những vấn đề từ tình bạn và mong muốn được chấp nhận. Bên cạnh đó, vấn nạn bắt nạt trên mạng, các trào lưu và nội dung mang khuynh hướng tiêu cực từ internet có thể khiến sức khỏe tinh thần của trẻ em đi xuống.

Germaine Goh (18 tuổi, ở Singapore) nhớ lại lần đầu tiên cô tự làm hại bản thân là khi mới 11 tuổi, bởi cơn đau thể xác là “điều duy nhất” cô có thể cảm nhận. Những tin nhắn khó chịu từ những người được cho là bạn khiến Goh đặt câu hỏi liệu cô có thể tin thêm ai nữa không. Goh chia sẻ: “Phần lớn những gì trải qua trong đầu tôi là tôi không đủ tốt. Và tôi xứng đáng phải trải qua nỗi đau này”.

Rời trường học và xã hội, gia đình là nơi nhiều đứa trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương nhất. Nhưng đối với một số người, nó có thể là ký ức đầy đau khổ. Mohammed N.M. Noh (22 tuổi, ở Singapore) kể: “Lúc nhỏ, tôi thích nhón gót khi đi bộ. Cha tôi bảo tôi dừng lại và đe dọa sẽ trói chân, nhốt tôi vào cái lồng”. Ông ấy đã làm như vậy thật khi Mohammed còn đang học tiểu học.

Trong khi đó, sinh viên đại học Zoe (21 tuổi, ở Singapore) vẫn nhớ rõ trận đòn từ mẹ khi cô bỏ lỡ một nốt nhạc trong quá trình luyện tập lúc chỉ khoảng 4 - 6 tuổi. Zoe đã nói: “Mẹ ơi, đau lắm, mẹ đừng đánh con nữa”, nhưng người mẹ chỉ trả lời: “Không, mẹ sẽ đánh cho đến khi con trở thành một đứa trẻ ngoan”.

Nhà tâm lý học lâm sàng Cherie Chan - Thư ký Liên minh Tâm lý châu Á Thái Bình Dương (APPA) - giải thích, khi trẻ cởi mở về các vấn đề sức khỏe tâm thần, cha mẹ có thể nghĩ rằng đó là một giai đoạn “nổi loạn” hoặc đứa trẻ chỉ cố tỏ ra yếu đuối. Họ có thể không hiểu tại sao con họ lại cảm thấy như vậy khi chúng dường như có “mọi thứ trong cuộc sống”.

Thực tế, rất có thể cha mẹ đã từng trải qua cảm xúc tương tự trong quá khứ, nhưng vào thời điểm đó, sự sống còn quan trọng hơn đối với họ. Bây giờ, giới trẻ không còn bận tâm quá nhiều về sự tồn tại mà là về sự phát triển và hòa nhập, vì vậy cha mẹ cần tìm cách lắng nghe đứa trẻ, thay vì bắt chúng phải suy nghĩ như một người trưởng thành.

 Ngọc Hạ 
(theo New York Times, Raising Children, CNA, Family Doctor)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI