|
Nhóm người Trung Quốc ở Quảng Nam tại khu cách ly tập trung - Ảnh: L.T. |
Phóng viên: Thưa luật sư, với hành vi đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam khiến vi-rút SARS-CoV-2 có nguy cơ phát tán trong cộng đồng, các mức xử lý hiện nay đã đủ sức răn đe?
- Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Tôi cho rằng nó vẫn đủ sức răn đe, nhưng thú thật là không thể cảm thấy yên tâm được, bởi không thể xử vượt ra ngoài khung pháp lý. Xét về tính nguy hiểm cho xã hội vào thời điểm này thì mức độ nghiêm trọng của hành vi đó tăng lên thấy rõ. Hành vi có liên quan đến dịch bệnh là rất nguy hiểm, có thể gây chết người. Bất kỳ hành vi phạm tội nào cũng làm cho xã hội bất an, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây nguy hại cho đời sống. Ở đây, việc tổ chức cho người nhập cảnh trái phép có nguy cơ đưa mầm bệnh vào, làm lây lan cho người khác.
|
Luật sư Bùi Quang Nghiêm |
- Luật sư Hồ Nguyên Lễ: Đúng là cần phải nghiêm trị hành vi đưa người nhập cảnh trái phép vào lúc này. Hiện tại, dịch COVID-19 ở trong nước cũng như toàn thế giới đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Nguồn lây nhiễm F0 chưa xác định được lại xuất hiện cùng lúc với hiện tượng nhập cảnh trái phép và tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.
Các hành vi trên sẽ bị xử phạt về tội “tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” theo Điều 348 Bộ luật Hình sự. Trong đó, mức xử lý thấp nhất là phạt tù từ 1-5 năm; nếu phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù 5-10 năm; nếu phạm tội gây hậu quả chết người thì bị phạt tù đến 15 năm.
Ngoài ra, nếu biết họ đang có mầm bệnh, có thể làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác mà vẫn tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép thì còn vi phạm thêm tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, được quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự, với các mức án tù từ 1-5 năm, 5-10 năm và cao nhất là 12 năm.
* Như vậy, thưa luật sư, tổng hợp các hình phạt cao nhất có thể là 27 năm?
- Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Như đồng nghiệp tôi đã nói, cho dù có hay không có dịch bệnh thì pháp luật đã quy định rõ các hành vi này là tội phạm cần phải xử lý hình sự. Và theo tôi, vào thời điểm có dịch COVID-19 như thế này, với hành vi trên, phải xử ở mức cao nhất mới đủ sức răn đe. Đồng thời, với tình hình đại dịch đã được công bố trên toàn thế giới, tôi nghĩ Quốc hội nên xem xét, có thể sửa đổi để tăng khung hình phạt đối với hành vi này, có thể tăng gấp đôi, đặc biệt trong tình huống đã công bố dịch bệnh.
- Luật sư Hồ Nguyên Lễ: Việc xuất nhập cảnh trái phép nếu làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng thì tổng hợp hình phạt thuộc trường hợp tố tụng “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội” cũng chỉ lên đến 27 năm tù. Theo tôi, điều này vẫn chưa phù hợp, tương xứng với hậu quả mà xã hội phải gánh chịu với hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng. Chưa kể, cùng lúc, cả bộ máy hành chính, chính quyền được huy động để phòng chống, điều trị bệnh dịch. Đó là các thiệt hại vô cùng to lớn. Do đó, cần điều chỉnh luật với mức hình phạt tù và bồi thường cao hơn mới đủ sức răn đe người vi phạm.
|
Luật sư Hồ Lê Nguyễn |
* Vừa qua, liên tiếp xuất hiện các thông tin như phát hiện chín người nhập cảnh trái phép vào Q.12, TP.HCM, Đà Nẵng tiếp tục phát hiện thêm nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, gần 400 người nhập cảnh trái phép qua biên giới An Giang, Khánh Hòa phát hiện chín người Trung Quốc nhập cảnh trái phép… Như vậy, trách nhiệm của cơ quan chức năng và quản lý nhà nước phải được xem xét như thế nào?
- Luật sư Hồ Nguyên Lễ: Do đại dịch COVID-19 ở mức độ toàn cầu nên việc xuất nhập cảnh vào các nước nói chung và Việt Nam nói riêng phải được kiểm soát rất chặt chẽ. Thế nhưng, vẫn còn tình trạng lén lút xuất nhập cảnh trái phép qua các đường tiểu ngạch, đường mòn, lối mở. Tôi thấy cần phải xem lại sự lỏng lẻo trong quản lý hoặc có sự tiếp tay của người có trách nhiệm, có chức vụ, quyền hạn về quản lý biên giới hoặc xuất nhập cảnh. Tất cả đều có lỗi của cơ quan nhà nước khi quản lý không chặt chẽ.
- Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Người có trách nhiệm tại cửa khẩu, quản lý xuất nhập cảnh - như lực lượng biên phòng, công an cửa khẩu - nếu có dấu hiệu thông đồng với tội phạm này và nếu chứng minh được họ có nhận tiền hay hứa hẹn quyền lợi gì đó thì đó là hành vi nhận hối lộ. Tôi xin lưu ý, tội đưa và nhận hối lộ có khung cao nhất là tử hình.
Nếu không nhận tiền, không hứa hẹn được quyền lợi thì vẫn là đồng phạm của tội tổ chức xuất nhập cảnh trái phép theo Điều 240 và Điều 348 của Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp không hay biết việc có người trốn qua biên giới thì rõ là quản lý lỏng lẻo, xao nhãng khi thực hiện nhiệm vụ, đó là tội thiếu trách nhiệm.
|
Nhân viên y tế đo thân nhiệt những người trong nhóm 21 người Trung Quốc phát hiện ở Quảng Nam tại điểm cách ly tập trung - Ảnh: L.T. |
* Hồi cuối tháng Ba, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có công văn khẩn gửi TAND các cấp, tòa án quân sự các cấp và các đơn vị trực thuộc để chỉ đạo “nóng” về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đối với tình trạng đưa người nhập cảnh trái phép trong tình huống khẩn cấp dịch bệnh như hiện nay, liệu Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể có động thái gì đó cấp bách trong việc xử lý các hành vi đáng lên án này?
- Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Có thể, nhưng phải xem lại chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật đã quy định cho các cơ quan, tổ chức. Một chỉ thị là nhằm để tăng cường sự tuân thủ pháp luật và xử lý nhanh, đúng luật thì nên khuyến khích, còn những cái khác luật thì không ai dám làm cả.
Tôi thấy Hội đồng Thẩm phán hoặc Chánh án TAND Tối cao có quyền hướng dẫn việc thi hành luật. Họ có thể đưa ra hướng dẫn để xử lý, xác định trách nhiệm hình sự cho nhất quán thôi, hoặc các quyết định cấp thời nhưng cũng không thể khác hay vượt các khung pháp lý trong các điều luật được.
- Luật sư Hồ Nguyên Lễ: Tới nay, vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng để xác định người nhập cảnh trái phép nào là F0, hay có liên quan trực tiếp đến việc lây nhiễm COVID-19 không, mà chỉ mới nghi ngờ thôi, nên khó mà có các văn bản như hồi tháng Ba được. Theo tôi, Thủ tướng nên ra chỉ thị mới về siết chặt xuất nhập cảnh. Bộ đội biên phòng, công an quản lý xuất nhập cảnh, hải quan cần nâng cao trách nhiệm và người dân cần nâng cao cảnh giác. Lúc này, nên xử vài vụ điển hình về tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép một cách nhanh chóng, nghiêm minh và kịp thời để tuyên truyền, răn đe.
* Xin cám ơn các luật sư.
Điều luật trừng trị tội nhập biên trái phép đã có từ lâu, được hoàn thiện và điều chỉnh phù hợp hơn qua các lần ban hành và sửa đổi Bộ luật Hình sự 1999, 2009 và 2015, 2017. Điều luật trừng trị hành vi làm lây lan dịch bệnh cũng đã có trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Tuy nhiên, trước nguy cơ và tính nguy cấp của đại dịch COVID-19, Nhà nước cần sử dụng biện pháp khẩn cấp và quyết liệt thông qua công cụ pháp luật như ban hành ngay luật hoặc sắc luật để kịp thời trừng trị với chế tài cao và mang tính khẩn cấp... Việc này có thể do Quốc hội toàn quyền, hoặc Chủ tịch nước có quyền trong những tình huống khẩn cấp. Thủ tướng không có quyền ban hành luật, chỉ ra chỉ thị, quyết định, nghị định, là những văn bản dưới luật.
(Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư TPHCM)
|
Quốc Ngọc (thực hiện)