PNO - PN - Gần đây, nhiều bạn đọc liên tục gửi đơn cầu cứu đến Báo Phụ Nữ TP.HCM, phản ảnh việc người thân của họ trở thành nạn nhân của một số công ty, đường dây “cò mồi” đưa người đi xuất khẩu lao động. Thiếu thông...
edf40wrjww2tblPage:Content
Hợp đồng không dấu… vẫn ký
Giữa tháng 4/2014, một người đàn ông tìm đến Báo Phụ Nữ TP.HCM cầu cứu về việc vợ và em vợ của ông bị một công ty đưa sang giúp việc nhà ở Ả rập Xê út, giờ không biết chết sống thế nào. Người đàn ông đó là Nguyễn Anh Tuấn (ngụ P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Theo lời ông Tuấn, vợ chồng ông làm rẫy tại Đồng Nai, do mất mùa, nợ nần chồng chất nên về TP.HCM mướn nhà trọ, đi làm thuê. Đầu năm 2014, vợ ông không biết nghe ai xúi giục nên cùng em gái xin đi Ả rập Xê út làm giúp việc nhà. Theo yêu cầu của Công ty (CT) I.C, ngày 1/3/2014 ông Tuấn ra phường ký giấy bảo lãnh cho vợ và em vợ đi lao động theo hợp đồng đã ký của I.C với CT môi giới SAUDI ARABIA AGENT. Tuy nhiên, hợp đồng này không có chữ ký của đại diện CT môi giới mà chỉ có chữ ký của bà Ngô Kim Lánh - đại diện CT I.C, chữ ký của vợ và em vợ ông Tuấn.
Ông Tuấn kể: “Khi đưa vợ ra sân bay, có một người đến gặp, xưng tên Hiếu, làm việc tại CT CP đầu tư Vĩnh Cát (địa chỉ 785/1 Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú, TP.HCM). Người này nói CT Vĩnh Cát do bà Ngô Kim Lánh làm giám đốc, rồi đưa cho vợ và em vợ tôi một bì thư niêm phong kín, dặn khi đến nhà chủ thì đưa cho chủ sử dụng lao động. Vợ và em vợ tôi tin đó là giấy tờ chính thức và hợp lệ, nhưng khi đến sân bay Ả rập mở ra thì đó chỉ là bản hợp đồng có chữ ký của vợ và em tôi cùng chữ ký của bà Lánh, không có mộc của cơ quan nào”.
Một tháng sau ông Tuấn mới liên lạc được với vợ, vợ ông cho biết hai chị em hiện đang bệnh nặng. Vợ ông kể, phải làm việc một ngày 20 giờ, lại bệnh không ăn được nên sức khỏe suy kiệt trầm trọng. Đến ngày 11/4/2014 là đã hơn một tháng nhưng vợ ông vẫn không được chủ nhà trả lương.
“Tôi đến CT Vĩnh Cát yêu cầu đưa người nhà về thì Hiếu và một người tên Hiên mở loa điện thoại cho tôi tiếp xúc với bà Lánh để thỏa thuận bồi thường hợp đồng. Bà Lánh đưa ra giá 2.000 USD một người thì sẽ được về. Tôi đồng ý, định đi vay nóng để có tiền nộp cho bà Lánh đưa vợ và em tôi về, nhưng khi tôi đề nghị: tôi và người của CT cùng đến ngân hàng để gửi tiền, khi người về đến Việt Nam tôi và người của CT cùng có mặt để rút tiền ra thì bà Lánh không đồng ý. Bà Lánh nói phải đóng tiền trước để thanh lý hợp đồng với bên chủ sử dụng lao động nhưng tôi không đồng ý.
Ông Tuấn đang trình bày sự việc
Chiều bay,trưa đóng dấu hợp đồng
Lần theo lời kể của ông Tuấn, sáng 14/4, trong vai người lao động (NLĐ) có nhu cầu đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) giúp việc nhà tại Ả rập, chúng tôi đến tòa nhà Sacomreal 584, số 785/1 Lũy Bán Bích, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú - là địa chỉ CT Vĩnh Cát, chi nhánh TP.HCM rao tuyển trên mạng.
Lạ là văn phòng CT không có bảng hiệu Vĩnh Cát, chỉ có bảng hiệu Career24h nằm khuất tận cuối hành lang lầu A15.2 của tòa nhà. Tại đây, đang có nhiều thanh niên đến để tìm hiểu, có người mang theo cả hồ sơ để đăng ký đi XKLĐ.
Thấy chúng tôi gồm một nam và một nữ, nhân viên giới thiệu tên Nguyễn Trung Hiếu, làm ở bộ phận marketing của CT này, hỏi: “Muốn làm lái xe cho gia đình ở Ả rập không? Nếu muốn thì đem hộ chiếu và bằng lái xe, lý lịch tư pháp đến đây, đóng mười triệu (tổng chi phí làm thủ tục là khoảng 25 triệu). Lương 7,5 đến 8 triệu/tháng".
Khi biết một trong hai chúng tôi có nhu cầu đi giúp việc nhà tại Ả rập, Hiếu đon đả: “Hiện CT đang tuyển người sang Ả rập giúp việc nhà, lương tám triệu/tháng”. Thấy tôi có vẻ… hoang mang, Hiếu thao thao: “Chị làm hộ chiếu xong, đến đây em sẽ đưa chị đi khám sức khỏe. Trong lúc chờ hồ sơ, chị sẽ đến CT học tiếng Anh, CT hỗ trợ ăn, ở miễn phí. Hồ sơ đơn giản, chỉ một giấy khám sức khỏe, một hợp đồng môi giới với CT (tiếng Anh, tiếng Việt), để CT chịu trách nhiệm với NLĐ về những gì xảy ra bên đó. NLĐ điền và ký vào, sau đó CT ký và đóng dấu; một bản cam kết khi đi lao động có chữ ký của chính quyền địa phương nơi NLĐ cư trú; Một hợp đồng với bên sử dụng lao động bên kia gửi về bằng tiếng Anh có dấu treo của đơn vị bên đó (nhằm đảm bảo cho chị khi lao động bên đó). Bản hợp đồng lao động với người sử dụng lao động thì khi sang bên kia, NLĐ sẽ cầm tới đại sứ quán bên kia để đóng dấu vào.
Hiếu cho biết, giám đốc Chi nhánh CT Vĩnh Cát là Ngô Kim Lánh, tên thường gọi Kim Anh hiện đang ở Hà Nội, NLĐ sẽ ký hợp đồng với chị này. Tôi hỏi: “Sao không có bảng hiệu CT Vĩnh Cát mà để Career24h”, Hiếu trả lời: “Đó là bảng hiệu cũ, chưa có thời gian làm bảng hiệu CT Vĩnh Cát”.
Thấy chúng tôi có vẻ hoài nghi, Hiếu đưa ra bộ hồ sơ của một lao động tên L. (ngụ tại TP.HCM), nói: “Chiều nay (14/4/2014 - PV) cô này sẽ bay đi Ả rập”. Cầm hồ sơ của chị L. chúng tôi nhận thấy hồ sơ hết sức sơ sài, gồm một bản hợp đồng lao động bằng tiếng Anh, một bản được dịch ra tiếng Việt. Cũng giống với hồ sơ của vợ và em ông Tuấn, hồ sơ của chị L. chỉ có chữ ký của NLĐ. Thắc mắc về vấn đề pháp lý của hợp đồng, Hiếu trấn an: “Chuyện nhỏ. Chiều nay bay thì trước lúc đó sẽ đóng dấu vào hồ sơ. Xong hồ sơ một phát là được đi ngay…”.
Thấy thông tin khá mập mờ, chúng tôi lên mạng tìm tên của CT Vĩnh Cát thì ngoài địa chỉ tại Q.Tân Phú, còn có thêm địa chỉ tại đường Lê Văn Lương, Q.Thanh Xuân - Hà Nội đăng ký số điện thoại 0462940000. Chúng tôi gọi vào số điện thoại trên, được một phụ nữ cho biết: “Trước đây chị làm Vĩnh Cát giờ chuyển sang CT I.C lâu rồi. Em ở miền Nam thì Hiếu tư vấn cho em hả? Chị ở trong đó, mới ra Hà Nội công tác”. Chúng tôi hỏi: “Chị có phải Ngô Kim Lánh, tên thường gọi Kim Anh không?”. Chị này ậm ừ thừa nhận, sau đó gắt: “Em cần biết chị Kim Anh là đủ rồi...".
Hiếu đang tư vấn đi XKLĐ cho PV - Ảnh cắt từ video clip
Kẻ mạo danh
Theo số điện thoại đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cung cấp, chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Thanh Sơn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Vĩnh Cát. Qua trao đổi, ông Sơn bức xúc: “Địa chỉ của Công ty ở 48TT 11B Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội, SĐT 04.3354 5435 chứ không phải ở đường Lê Văn Lương, P.Nhân Chính, Q.Thanh Xuân như trên mạng rao tuyển. CT cũng chưa có văn phòng đại diện tại TP.HCM".
Ông Sơn cho biết thêm, đầu năm 2013, bà Ngô Kim Lánh có xin CT mở văn phòng giao dịch ở TP.HCM nhưng qua xác minh, CT thấy không đủ tư cách nên không cho làm. Hiện các CT, văn phòng “ma” lợi dụng những CT XKLĐ uy tín mọc lên nhan nhản, thu tiền, bán NLĐ… "Ở một số địa phương như Mộc Châu, Sơn La, cũng có những CT lấy tên Vĩnh Cát, khi phòng LĐ-TB-XH gọi điện thông báo, chúng tôi đã phải gửi công văn đề nghị địa phương xử lý” .
Mới đây (tháng 3/2014), Công an huyện Yên Thành, Nghệ An đã lật tẩy một đường dây lừa đảo đưa người đi XKLĐ tại Hàn Quốc, Canada. Cầm đầu đường dây là Ngô Thu Lý (SN 1983) trú tại Tân Yên, Bắc Giang, đã cùng đồng bọn lừa đảo hàng chục người dân nghèo ở Nghệ An với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.
Những chiêu lừa không mới nhưng vẫn lấy được tiền những người nhẹ dạ. Nguyên nhân là do nhận thức của NLĐ còn hạn chế. Họ thiếu thông tin về XKLĐ, lại mang tâm trạng nôn nóng muốn đi làm việc nhanh, không cần phải qua đào tạo, thi tuyển. Những đối tượng lừa đảo thường tiếp cận với những gia đình đang có nhu cầu cho người thân đi XKLĐ; thậm chí còn liên hệ với chính quyền địa phương với vỏ bọc là các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ, làm giả hồ sơ, hợp đồng lao động đi làm việc tại nước ngoài, giả con dấu và chữ ký của lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc Trung tâm Lao động ngoài nước.
Tiền thưởng tết Nguyên đán 2025 tại TPHCM bình quân 12,7 triệu đồng/người, tăng nhẹ so với năm trước. Doanh nghiệp công nghệ đứng đầu với mức thưởng gần 2 tỉ đồng.