Đưa ngón tay vào miệng cho trẻ đang co giật cắn: Đúng hay sai?

05/08/2019 - 10:55

PNO - Một cảnh sát cơ động nhanh trí đưa ngón tay cho cậu bé cắn khi em đang lên cơn động kinh; nhưng theo một số bác sĩ, cách xử trí này không cần thiết, thậm chí nguy hiểm.

Chiều 4/8, khi trận bóng đá đang diễn ra trên sân Nam Định, một bé trai bị co giật trên khán đài. Ngay lập tức, các chiến sĩ cảnh sát cơ động vừa ôm bé đi cấp cứu vừa đưa ngón tay vào miệng cho bé cắn vì sợ trẻ cắn lưỡi, nuốt lưỡi.

Dua ngon tay vao mieng cho tre dang co giat can: Dung hay sai?
 

Hành động đẹp này nhận được nhiều lời khen ngợi của các bác sĩ. Nhưng bác sĩ cũng lưu ý: đưa ngón tay cho trẻ co giật cắn không phải là khuyến cáo trong cấp cứu.

Co giật do động kinh sẽ tự hết sau 30 giây

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - nhận định: khi thấy một người bị cơn co giật do động kinh thì thái độ xử trí tốt nhất là đứng quan sát và không can thiệp gì hết. Cơn co giật do động kinh sẽ tự hết sau 30 giây đến 1 phút.

Chính vì vậy, theo bác sĩ Hiển, việc cố đưa vật gì đó vào miệng bệnh nhân đang co giật là không cần thiết vì rất ít trường hợp bị cắn lưỡi. Việc đưa vật cứng vào giữa hai hàm răng khi người bệnh đang cắn chặt có thể làm gãy răng hoặc tụt răng giả vào trong bụng. Ngoài ra, có thể làm sai khớp thái dương – hàm. Trong trường hợp, lỡ người đang co giật bị HIV/AIDS và cắn chảy máu tay người đang sơ cứu cho mình thì lại càng nguy hiểm.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố cùng đồng quan điểm. Theo ông, Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng khuyến cáo chỉ nên cho trẻ nằm nghiêng khi lên cơn co giật. Việc dùng ngón tay, muỗng hay khăn tay đưa vào giữa 2 hàm răng của trẻ ngoài việc có thể bị cắn đứt tay còn khiến trẻ bị tổn thương khoang hầu họng, làm chảy máu, sưng đường thở... dẫn đến trẻ có thể tự cắn lưỡi.

Dua ngon tay vao mieng cho tre dang co giat can: Dung hay sai?
 

Vì sao dân gian dùng ngón tay cứu trẻ co giật?

Bác sĩ Đinh Tấn Phương – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho biết thật ra dân gian có lý lẽ riêng khi dùng ngón tay cứu trẻ co giật. Tỷ lệ trẻ cắn lưỡi khi lên cơn co giật là có nhưng rất ít. Vậy tại sao lại có kinh nghiệm truyền miệng là dùng ngón tay để cho trẻ cắn chặt khi bé lên cơn co giật?

Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, dùng ngón tay cho trẻ cắn chính là một cách để làm thông đường thở, làm cho đờm nhớt chảy ra bên ngoài thay vì chảy ngược xuống phổi. Đây là điều rất quan trọng.

Đa phần các trường hợp tử vong khi trẻ co giật là do tắc nghẽn đường thở vì đờm nhớt chảy ngược vào trong. Lúc này phải làm sao cho thông đường thở. Tốt nhất là để trẻ nằm nghiêng cho đờm nhớt chảy ra bên ngoài.

Trường hợp dùng ngón tay theo kinh nghiệm dân gian có cái lý là sẽ làm cho đờm nhớt được thoát ra bên ngoài. Làm sao để thông đường thở thì sẽ cứu sống trẻ.

Dua ngon tay vao mieng cho tre dang co giat can: Dung hay sai?
BS Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1

Thậm chí, trong bệnh viện, việc cấp cứu cho trẻ lên cơn co giật vẫn dùng gạc quấn vải kê giữa hai hàm răng của trẻ. Nhưng việc này chỉ nên do nhân viên y tế thực hiện.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương cảnh báo nếu người nhà quýnh quáng, nhét vật cứng vào miệng trẻ có thể khiến dị vật rơi vào đường thở, khiến bé tử vong. Hoặc nếu dùng muỗng kê vào răng sẽ làm gãy răng. Cách xử lý tốt nhất vẫn là cho trẻ nằm nghiêng, đầu ngửa và lau đờm nhớt.

Các bác sĩ khẳng định kinh nghiệm dân gian như vắt chanh vào miệng, nhét giẻ… là tuyệt đối cấm vì sẽ làm trẻ tử vong do bị sặc đường thở hoặc sẽ dẫn đến viêm phổi.

Theo các bác sĩ, với cơn co giật do sốt cao, cách xử lý tốt nhất là tìm cách hạ sốt như lau mát, dùng thuốc hạ sốt nhét hậu môn… Với các cơn co giật do động kinh hoặc các tổn thương thần kinh do biến chứng các bệnh viêm màng não, cơn co giật có thể tự hết sau 30 giây nhưng vẫn có thể kéo dài hơn hoặc tái phát. Việc đưa trẻ nhập viện là cần thiết.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI