Ngay khi bức tranh đầu tiên mang tên Hoa mai may mắn của họa sĩ nhí Xèo Chu được bán với giá hơn nửa tỷ đồng, hoạt động của các sàn giao dịch NFT tại Việt Nam đã gây được chú ý của công chúng. Bởi ngoài tranh, các tác phẩm nghệ thuật như phim, sách, ảnh… đều có thể đưa lên sàn đấu giá ảo và có thể thu về món tiền hời cho chủ nhân.
Theo kịp dòng chảy quốc tế
Sàn giao dịch NFT (Non-fungible token) giống mô hình của một phiên chợ ảo, mà ở đó, các sản phẩm đều được chuyển đổi sang phiên bản số trên nền tảng blockchain. Mỗi sản phẩm có một mã số, và mã số đó không thể sao chép hay thay thế. Nhờ vậy, mọi người đều có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm một cách dễ dàng, giúp xác thực quyền sở hữu.
Họa sĩ nhí Xèo Chu (14 tuổi) không phải là nghệ sĩ Việt đầu tiên có tranh bán đấu giá trên sàn giao dịch NFT. Trước Xèo Chu, đã có nhiều nghệ sĩ trong nước tham gia sân chơi mới mẻ này như họa sĩ Phong Lương, Nguyễn Như Khôi, Tú Na, Trần Minh Phi, Phạm Huy Thông, Tô Hiến Chiến… Tuy nhiên, với đại đa số công chúng người Việt, sàn giao dịch NFT còn khá mới mẻ, và số tiền gần 23.000 USD (khoảng hơn 520 triệu đồng) cho một bức tranh kỹ thuật số Hoa mai may mắn của họa sĩ nhí Xèo Chu, không được sở hữu vật thể thật ngoài đời là câu chuyện nghe qua thì có vẻ khá điên rồ.
|
Họa sĩ nhí Xèo Chu bên tác phẩm Hoa mai may mắn |
Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, sàn giao dịch NFT xuất hiện khoảng gần nửa năm. Còn với thế giới, công nghệ NFT ra đời từ năm 2017, nhưng chỉ thật sự gây chú ý trong gần một năm trở lại sau nhiều vụ định giá sản phẩm nghệ thuật số lên đến hàng chục triệu USD. Cho đến nay, bức tranh NFT mang tên Everydays: the First 5000 Days đang giữ kỷ lục về giá khi chạm mốc 69,3 triệu USD.
Ngoài tranh, đến nay, sàn giao dịch NFT đã đa dạng hơn với sản phẩm số từ âm nhạc, điện ảnh, thời trang, game… Cho đến những “mặt hàng” khó tin hơn như phiên bản số của cầu thủ Messi, “vua bóng đá” Pele, hay tay đấm lừng danh Muhammad Ali. Bất kể sản phẩm nào cũng có thể chuyển đổi thành phiên bản số và tham gia sàn giao dịch NFT, với điều kiện duy nhất là mặt hàng phải có khả năng bán đi. Hiện các sàn giao dịch tại Việt Nam cho biết họ đều có đội ngũ sàng lọc để chọn tác phẩm đủ điều kiện.
Dạo một vòng sàn giao dịch NFT Cổng Trời, có thể thấy một số mặt hàng chính đang được bày bán là tranh vẽ, ảnh nghệ thuật và tượng đã được chuyển sang phiên bản số. Trong đó, bên cạnh một vài họa sĩ tên tuổi, nhiều tay vẽ rất trẻ được biết đến trong lĩnh vực truyện tranh, vẽ minh họa cũng tham gia giao dịch với các bức vẽ digital. Giá các sản phẩm trên sàn đang có mức chênh lệch và biên độ dao động lớn. Có sản phẩm chỉ 200.000 đồng, nhưng có sản phẩm được định giá đến vài chục triệu đồng.
Xu hướng còn mới mẻ
Sàn giao dịch NFT đang tạo ra cơn sốt trên toàn cầu, khiến ai cũng thấy miếng bánh ấy thật hấp dẫn, nhưng đi kèm những thương vụ mua bán đắt giá là câu chuyện thuộc về niềm tin. Trong nước, cơn sốt NFT đang đứng giữa lằn ranh của sự tin tưởng và lo lắng, thậm chí phản bác. Nếu so sánh về hình thức, quy mô hoạt động, sàn giao dịch NFT khá giống với mô hình tiền ảo và từ những gì đã nhìn thấy trong vài năm qua, nhiều người đặt ra lo ngại về giá trị thực, nghi ngờ giá trị bị thổi phồng.
|
Bức NFT Everydays - The First 5000 Days hiện đang giữ kỷ lục về giá bán. |
Anh Phạm Toàn Thắng - người sáng lập dự án Cổng Trời - từng nói về lợi ích của sàn giao dịch NFT trong việc gìn giữ sự toàn vẹn tác phẩm, như một cách bảo vệ dự án của mình. Anh lấy ví dụ vài trăm năm nữa, khi những tác phẩm tranh ngoài đời bị thời gian làm hư mục, thì mọi người vẫn có thể thưởng thức chúng thông qua các phiên bản kỹ thuật số NFT. Ngoài ra, nếu các nhà sưu tập lừng danh có nhã hứng tham gia sàn NFT, thì có nghĩa, vô số những bức tranh giá trị trong kho dự trữ của họ sẽ được trình làng, và người hưởng lợi là khán giả. “Di sản văn hóa không nhất thiết phải lưu giữ dưới dạng vật thể, giá trị của chúng là bất biến, thì chúng ta phải nghĩ ra phương pháp bảo tồn bất biến tương ứng”, anh Phạm Toàn Thắng cho biết.
Theo chia sẻ của giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - hiện các thành viên trong hội không có nhiều người tham gia sàn giao dịch NFT, dù đây là bước đi hợp thời với xu hướng chung của thế giới. “Đối với các họa sĩ tên tuổi, câu chuyện tiền bạc không phải yếu tố chính chi phối cách làm nghề của họ. Người nghệ sĩ coi trọng nơi họ xuất hiện, việc giữ tên tuổi, uy tín trong nghề, nên dù sàn NFT khá hấp dẫn, nhiều người vẫn giữ thói quen mua bán tranh thật ngoài đời”, ông Nguyễn Xuân Tiên chia sẻ.
Ông cho rằng những gì thuộc về xu hướng nhất thời sẽ thu hút được nhiều người trẻ. Còn lại, với các họa sĩ đã quen với các sàn đấu giá thật, mua bán ngay tại các cuộc triển lãm, thì đều có quan điểm làm nghề riêng, và dường như, họ vẫn đang đứng ngoài lề cuộc chơi kỹ thuật số. “Trong thời điểm dịch bệnh, hội họa không thiếu những buổi triển lãm trực tuyến, triển lãm 3D nhằm kết nối những người yêu tranh và họa sĩ với nhau. Tại những cuộc triển lãm này, nếu có mua bán trực tuyến, thì sau đó, tác phẩm thật cũng sẽ đến tay chủ nhân mới”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM không đặt ra nghi vấn, nhưng ông cũng không thật sự hào hứng với việc đưa nghệ thuật Việt lên sàn NFT, vì theo ông, xu hướng này còn khá mới mẻ và phụ thuộc vào sự lựa chọn của nghệ sĩ. “Cần thời gian để xem xu hướng này sẽ đi về đâu”, ông nói.
Những khoản lợi từ các phiên đấu giá tác phẩm NFT đang tạo nên cơn sốt cho thị trường nghệ thuật, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng nhập cuộc. Do đó, các sàn giao dịch ảo trong nước đang thiếu nhiều gương mặt nghệ sĩ tài danh. Bù lại, nhiều tác giả trẻ đang tận dụng xu hướng để nhanh chóng chớp thời cơ, tạo ra giá trị.
Diễm Mi