Chưa biết phản hồi qua lại sẽ đến đâu, nhưng không khó để nhận thấy, phim truyền hình làm về đề tài ngành nghề thời gian qua có không ít trường hợp dính “sạn” nghiệp vụ sơ đẳng.
Soi là có sạn
Sau Lựa chọn số phận - bộ phim truyền hình đầu tiên về nghề thẩm phán - khán giả màn ảnh nhỏ có dịp tìm hiểu một nghề nghiệp thú vị khác lần đầu lên phim là phòng cháy chữa cháy - cứu hộ cứu nạn qua tác phẩm Lửa ấm (đang phát trên VTV1 lúc 21g từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần). Ngoài chuyện lính cứu hỏa, bối cảnh phim Lửa ấm còn dính đến ngành y, vì nhân vật nữ chính Thủy - vợ Minh - là một bác sĩ cấp cứu.
|
Phân cảnh hai nhân vật Thủy và Hoàng được cho là bị phơi nhiễm HIV và phải cách ly tại bệnh viện 72 giờ khiến các bác sĩ trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS “dậy sóng” |
Nếu những cảnh quay cháy, nổ, dập lửa, cứu người được dàn dựng ổn, thì các cảnh quay diễn ra trong bệnh viện gây “ngứa mắt” dân trong nghề. Một khán giả nhận ra ở tập 2 trong cảnh cấp cứu, chiếc áo blouse của nhân vật Thủy không đúng mẫu áo của bác sĩ, cách đeo ống nghe trên cổ cũng sai và kiểu đeo khẩu trang “lơ lửng” ở cằm sẽ làm tăng khả năng lây nhiễm chéo. Ngoài ra, để hộ lý bóp bóng là sai quy trình cấp cứu, và vị trí đứng bóp bóng cũng sai.
Bối cảnh bài trí phòng cấp cứu nhiều lỗi với các tủ đồ và trang thiết bị không đúng. Nghiêm trọng hơn, ở tập 36, 37, phim còn bị phát hiện đưa ra thông tin sai lệch về kiến thức y khoa. Theo đó, hai nhân vật bác sĩ Thủy và anh lính cứu hỏa Hoàng được cho là bị phơi nhiễm HIV (vì dính máu của một bệnh nhân nhiễm HIV) và cả hai phải cách ly tại bệnh viện 72 giờ để tránh lây ra cộng đồng.
Theo các nhà chuyên môn, phim sai nghiêm trọng về việc xác định thế nào là phơi nhiễm HIV, vì không phải ai tiếp xúc với máu của bệnh nhân HIV cũng đều bị phơi nhiễm. Ngoài ra, việc cách ly 72 giờ cũng không phải là cách xử lý đúng khi phơi nhiễm.
Dạo phim Lựa chọn số phận phát sóng, khán giả không thấy “đã” với những tình huống liên quan đến nghề. Việc chọn một vụ án lái xe vô ý gây chết người làm “trọng án” để nhân vật chính - thẩm phán Cường - phải đưa ra “lựa chọn số phận” cũng được coi là quá nhẹ “đô”, vì vụ này có thể giải quyết tốt về mặt dân sự.
|
"Lựa chọn số phận", bộ phim về ngành công tố viên chưa làm khán giả thỏa mãn |
Sai sót thông tin trong lời thoại hoặc thoại mâu thuẫn cũng là một lỗ nhỏ gây “đắm thuyền”. Như tập đầu tiên của Lửa ấm, khán giả tinh ý sẽ hết hồn khi nghe một người có kinh nghiệm như bác sĩ Thủy lại đọc nhầm “truyền Natriclorua 0,9 phần trăm” thành “truyền Natriclorua 0,9 phần ngàn”.
Còn trong phim Vua bánh mì phiên bản Việt, người xem chưng hửng khi nhân vật ông Đạt giới thiệu nguồn gốc bánh mì là do hồi nhỏ trải qua nạn đói, gạo không có nên phải làm bánh mì cứu đói. Trong khi việc làm bánh mì phải có nguyên liệu, máy móc hỗ trợ, mà chuyện vận hành được dây chuyền làm bánh rất khó thực hiện trong giai đoạn thiếu đói.
Mảnh đất vàng nhưng dễ bị… vàng non
Kể từ những phim truyền hình đầu tiên khai thác đề tài ngành - nghề như Taxi, Chuyện tình công ty quảng cáo, Blouse trắng, Nghề báo… số lượng các công việc được khắc họa đưa lên màn ảnh nhỏ ngày càng phong phú hơn, không chỉ tập trung ở vài lĩnh vực phổ biến như công an, bác sĩ, ca sĩ… Nhiều ngành nghề ít được quan tâm như làm muối, dệt lụa, công nhân cầu đường, khóc mướn… cũng đã có trên phim. Hướng khai thác này mang đến sự khác biệt cho từng bộ phim, vì mỗi lĩnh vực đều có đặc thù riêng, thú vị. Tuy vậy, dù ngành nghề có là tuyến truyện chính hay phụ, thì từng tình huống, câu thoại liên quan đến chuyên môn đều đòi hỏi sự chuẩn xác - là thách thức không nhỏ với nhà làm phim.
|
Biên kịch phim "Mắt lụa" đã dành rất nhiều thời gian tìm hiểu ngành dệt lụa Tân Châu khi viết kịch bản |
Biên kịch Lương Kim Liên kể, để viết kịch bản Mắt lụa về nghề dệt lụa ở Tân Châu, chị phải dành hai tháng lui tới nhà ông Tám Lăng - nghệ nhân hơn 90 tuổi giữ gìn nghề dệt Lãnh Mỹ A - để tìm hiểu các công đoạn làm ra một tấm lụa. “Viết về nghề gì cũng cần tư vấn của người có chuyên môn, biên kịch nên tự tìm hiểu thực tế để viết cho chuẩn xác. Quan trọng nhất ở phim ngành nghề là tìm ra được triết lý của công việc đó. Ví như trong Mắt lụa, tôi đưa ra triết lý đừng ăn xổi ở thì để truyền tải thông điệp không nên chạy theo lụa Tàu mà phải giữ gìn lụa ta” - nữ biên kịch cho hay.
Cái khó ở phim về nghề không chỉ nằm ở sự sai - đúng yếu tố chuyên môn trong kịch bản, mà còn ở khâu thể hiện của diễn viên, nhất là khi nhân vật làm những nghề có nhiều thuật ngữ khó chẳng hạn như ngành y. “Diễn không giống bác sĩ cấp cứu mà như sinh viên thực tập”, “Nghe đọc tên thuốc với liều lượng đã thấy chán”, “Phim đúng với thực tế mà cô bác sĩ đọc lời thoại tên thuốc chậm quá”… là những bình luận từ khán giả trên một fanpage của VTV.
Diễn viên diễn không đạt là lỗi đạo diễn, nên để giúp diễn viên vào vai chân thật, có lúc đạo diễn phải “chịu chi”. Đạo diễn Lê Hùng Phương tiết lộ dạo làm phim Bán chồng, để nữ chính Oanh Kiều thành thục việc làm bánh cam để mưu sinh như kịch bản yêu cầu, anh đã bỏ tiền túi mời một nghệ nhân làm bánh cam chuyên nghiệp hơn 30 năm ở Vĩnh Long dạy cho cô. Những cảnh quay làm bánh đều có người này quan sát, tư vấn và phần đặc tả bàn tay làm bánh dĩ nhiên do người này “thế thân”.
Phim về nghề vẫn luôn là mảnh đất vàng để khai thác, nhưng rõ ràng để có vàng mười không dễ. Thiết nghĩ, để hạn chế lỗi sơ đẳng, thuyết phục người xem, ngoài bước cần thiết là nhờ đến cố vấn chuyên môn, thì quan trọng nhất vẫn là sự am hiểu cặn kẽ từ chính người tạo ra bộ phim đó.
Hương Nhu