Đưa một số tiết học dạy trực tuyến, giảm tải cho học sinh

21/09/2023 - 16:30

PNO - Năm học này, một số trường ở TPHCM mạnh dạn đưa các tiết học lên hệ thống dạy học trực tuyến trong thời khoá biểu 2 buổi/ngày, giảm áp lực cho học sinh.

Đơn cử như Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), thay vì học sinh phải đến trường học 5 tiết vào sáng thứ Bảy như năm học trước, năm nay trường đưa 5 tiết học này ở 2 khối Mười, Mười một lên hệ thống K12Online. Thời khoá biểu các ngày trong tuần được thiết kế sáng 5 tiết, chiều 3 tiết. Riêng chiều thứ 6 học sinh sẽ tham gia vào các hoạt động câu lạc bộ.

Cô Nguyễn Thị Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - phấn khởi cho biết, thay đổi này được học sinh, giáo viên, phụ huynh rất ủng hộ vì giảm bớt áp lực về thời gian, học tập cho học sinh, giáo viên vào ngày thứ Bảy.

Mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số sắp xếp thời khoá biểu sẽ giúp giảm áp lực học tập cho học sinh
Mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số sắp xếp thời khoá biểu sẽ giúp giảm áp lực học tập cho học sinh

“Ngay từ hè, tổ chuyên môn đã xây dựng các bài giảng trực tuyến để đưa lên hệ thống, học sinh sẽ tự học và hoàn thành các nhiệm vụ mà thầy cô giao. Nhà trường xếp các tiết này vào thời khoá biểu sáng thứ Bảy hàng tuần để có sự bài bản, còn học sinh có thể tự học vào bất cứ thời gian nào, chứ không phải học trực tuyến là các em phải ngồi trước màn hình và thầy cô giảng”. 

Cô Hồng Chương cho rằng hiện nay chuyển đổi số đang là công cụ giúp nhà trường thuận lợi để giảm áp lực học tập cho học sinh trong thiết kế thời khoá biểu. Trường có thể tính toán để đưa các tiết học lên hệ thống dạy học LMS, giúp học sinh tự học, thậm chí xa hơn nữa là kết nối cho học sinh học cùng với bạn bè quốc tế… Học sinh không bị gò bó, áp lực về mặt thời gian. 

“Nghị quyết 04/2023 của HĐND TP đã trao cho nhà trường cơ chế rất rõ ràng để thực hiện chuyển đổi số một cách bài bản khi dành riêng một mục chuyển đổi số. Nếu nhà trường mạnh dạn, giáo viên cùng đầu tư, chuẩn bị, quyết liệt thực hiện thì sẽ mang lại rất nhiều tín hiệu tích cực, học sinh và giáo viên cùng nhẹ nhàng…”, cô Hồng Chương nhìn nhận. 

Trường học ở TPHCM được trao cơ chế thuận lợi khi thực hiện chuyển đổi số
Trường học ở TPHCM được trao cơ chế thuận lợi khi thực hiện chuyển đổi số

Tại Trường THCS Minh Đức (quận 1), với tổng số tiết học 2 buổi/ngày từ thứ Hai - Sáu; dao động từ 32-42 tiết/tuần theo từng lớp, khối, nhà trường đã đưa mỗi tuần 2 tiết lên hệ thống dạy học K12 online. Trong đó, khối Sáu, Bảy, Tám thì 2 tiết Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm; riêng khối Chín sẽ có 2 tiết tự chọn được dạy trực tuyến.

“Học sinh sẽ sắp xếp thời gian tự học, có hướng dẫn, sau mỗi 2 tuần giáo viên sẽ kiểm tra và củng cố lại. Việc chuyển đổi này sẽ giúp không phát sinh thêm 1 buổi học sinh phải đến trường, gia tăng khả năng tự học cho học sinh”, cô Trần Thuý An - Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức - chia sẻ.

Cô Thúy An cho biết, thời khoá biểu học 2 buổi/ngày được nhà trường thiết kế bao gồm thời lượng tăng tiết ở các môn văn, toán, tiếng Anh (mỗi tuần từ 1-2 tiết/môn) và các hoạt động giáo dục kỹ năng cho học sinh như aerobic, STEM, tiếng Anh tăng cường, tin học quốc tế, kỹ năng sống.

“Nguồn kinh phí 200 ngàn đồng/học sinh cho dạy học 2 buổi/ngày được trường sử dụng để giảng dạy kỹ năng sống, aerobic cho học sinh trong thời khoá biểu và đa dạng các hoạt động trải nghiệm để trang bị thêm kỹ năng, kiến thức cho học sinh. Tuỳ từng khối lớp, tổ bộ môn sẽ xây dựng các hoạt động học tập trải nghiệm cho học sinh ngay trong sân trường như nặn tò he, làm gốm, trải nghiệm ở bảo tàng, Thảo Cầm Viên, đường sách, Bưu điện thành phố, di tích lịch sử… Sự đổi mới về không gian và phương pháp học tập sẽ giúp học sinh hào hứng hơn khi tiếp nhận kiến thức, việc học cũng nhẹ nhàng hơn”- cô Thúy An nói thêm.

Học sinh Trường THCS Minh Đức trong giờ học thực hành
Học sinh Trường THCS Minh Đức trong giờ học thực hành

Theo ông Phan Văn Quang - Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình - việc ngành giáo dục thành phố đang đẩy mạnh chuyển đổi số giáo dục trong năm học này đã là thuận lợi lớn cho mỗi nhà trường trong thiết kế các hoạt động giáo dục, bao gồm cả thời khoá biểu, qua đó trang bị thêm kỹ năng, kiến thức, giảm áp lực cho học sinh.

Dù vậy, để có thể thực hiện một cách bài bản thì phải có sự đầu tư, thay đổi về mặt nhận thức, tư duy của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh. “Nếu không bài bản sẽ càng gia tăng thêm áp lực học tập cho học sinh khi không chỉ học ở trường mà còn phải học trên máy tính, học ở điện thoại…”.

Cơ chế nào để đưa tiết học lên chuyển đổi số?

Nghị quyết 04/2023 của HĐND TPHCM quy định về các khoản thu, mức thu hỗ trợ dịch vụ giáo dục tại các trường công lập TPHCM, áp dụng từ năm học 2023-2024 nêu rõ khoản “tiền dịch vụ tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số” với mức thu tối đa nhà trường được phép thu là 110 ngàn đồng/học sinh/tháng.

Bên cạnh đó, trong mục tiêu chuyển đổi số ngành giáo dục, Sở GD-ĐT TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tối thiểu 35% nội dung chương trình giáo dục ở bậc trung học được đưa lên hệ thống dạy học trực tuyến. Đối với việc chuyển đổi số, Sở GD-ĐT đang trao quyền cho các nhà trường thiết kế, xây dựng sao cho phù hợp với đặc thù đơn vị. Đây được xem là những cơ chế mang tính pháp lý để trường học có thể mạnh dạn tận dụng chuyển đổi số để thiết kế thời khoá biểu, giám áp lực học tập cho học sinh.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI