Đã bao nhiêu lần bạn “thất hứa” với mình trong việc tự chăm sóc bản thân? Khi hứa điều gì với ai đó, bạn cố gắng làm cho bằng được nhưng chúng ta luôn là kẻ “hứa lèo” với chính mình? Từ khi nào mà mỗi chúng ta coi mình kém quan trọng hơn người thân?
Đủ lý do hứa lèo với bản thân
Tôi không biết bạn thế nào, nhưng tôi đã trải qua khoảng thời gian dài bỏ bê và thất hứa với chính mình, nhất là khi lập gia đình và có con nhỏ. Rồi từng ngày từng tháng qua đi, nhìn sức khỏe và cơ thể mình xuống dốc tôi lại dằn vặt mình, đặt ra mục tiêu với nhiều quyết tâm và hứa hẹn, nhưng chỉ sau vài ngày tôi lại lờ đi, lại bỏ qua bản thân. Vòng tròn lẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại. Khi không hài lòng với vóc dáng và sức khỏe của bản thân tôi lại đem chồng con ra đổ thừa, dằn vặt.
Gia đình xào xáo cãi vã, chồng tôi đưa ra lý do: “Đâu phải vì em lo cho gia đình mà không còn thời gian cho bản thân, khi em còn đi làm, nửa đêm sếp gọi em cũng ngồi dậy mở máy làm việc. Đó là do tính em không biết dành sự ưu tiên cho bản thân mình. Nếu em muốn thay đổi em phải thực sự hành động, hãy lên kế hoạch hằng ngày, cho anh biết giờ nào em tập, anh sẽ giúp em các việc khác để em không thấy vướng bận”.
Đúng vậy, phụ nữ chúng ta luôn tự mua dây trói mình, luôn tự đặt mình cuối cùng trong danh sách nghĩa vụ, bổn phận và các công việc cần được quan tâm hằng ngày. Sau khi chúng ta dành hết thời gian và năng lượng để chăm sóc gia đình, chu toàn bổn phận với con cái, với chồng, với cơ quan, đồng nghiệp, gia đình hai bên nội ngoại thì trở nên mệt mỏi và không còn đủ sức chăm sóc mình. Chính điều này làm phụ nữ thấy kém vui, kém hấp dẫn, thấy có lỗi với bản thân và không hạnh phúc với chính mình… Dù với lý do gì thì tình trạng này cũng nên chấm dứt, tôi quyết định đặt bản thân lên đầu trong danh sách những việc bắt buộc hằng ngày, vì vậy tôi bắt đầu tập thể dục như cách mà mình đánh răng rửa mặt và vệ sinh thân thể.
|
Tác giả quyết tâm tập luyện mỗi ngày |
Kỷ luật với chính mình
Thói quen tập thể dục không phải là thứ dễ dàng thiết lập. Nhiều người có thể tập yoga nhiều giờ hằng ngày như nghiện vì họ yêu thích vận động. Còn những người không thích vận động thì sao? Họ sẽ thấy khổ sở, cực hình, dễ bỏ cuộc với những cái cớ như: Hôm nay mình bận, hôm nay mình mệt thôi để bữa khác, trời mưa quá không chạy bộ được, có chuyện khác gấp hơn, rủ bạn mà không có ai tham gia…
Tôi bắt đầu hành trình tập thể dục khá vất vả theo cách đó, nhưng cứ vài ngày lại bỏ cuộc. Gần đây nhất sau khi đẩy mối quan hệ gia đình vào tình trạng căng thẳng, tôi nhận ra rằng nếu tôi không đủ sức chăm sóc chính mình và làm cho mình vui vẻ, thì sao tôi có thể làm điều đó cho chồng con?
Nếu tôi không thương tôi đủ nhiều để giữ lời hứa với chính mình thì ai sẽ thương tôi và hành động thay tôi? Nếu tôi không sắp xếp thời gian cho bản thân và luôn chờ đợi “để lúc nào có thời gian” thì không bao giờ tôi có thời gian hết. Chuyện này sẽ không tự xảy ra nếu tôi không chủ động lên thời khóa biểu hằng ngày cho việc vận động. Và tôi lập kế hoạch dù chuyện gì xảy ra cũng dành thời gian một giờ mỗi ngày để tập thể dục như cách tôi thể hiện tình yêu với chính mình, để sống vui vẻ, thảnh thơi và có đủ năng lượng tích cực cho 23 giờ còn lại trong ngày.
|
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP |
Không bao giờ bận đến mức không còn thời gian cho bản thân
Dĩ nhiên những trở ngại vẫn xuất hiện hằng ngày, tôi vẫn thấy “vật vã” ở mỗi bài tập huấn luyện viên đưa ra, những ý nghĩ bỏ cuộc lúc nào cũng ập đến vì tôi không phải dạng người thích vận động nhiều, nhưng lần này tôi quyết tâm hơn. Khi nào bận quá không tập hết bài thì tôi tập nửa bài để mai tập bù, hoặc ngủ ít lại để có đủ thời gian. Tôi chia ra các hoạt động thể dục xen kẽ như chạy bộ, chạy xe đạp, bơi, tập gym, yoga… để mình không bỏ cuộc vì chán và để khi không làm được hoạt động này tôi vẫn có hoạt động khác thay thế.
Lúc nào tôi cũng có ý nghĩ bỏ cuộc vì “tập cực quá, chán quá” nhưng sau khi tự động viên mình vượt qua, tôi lại thấy tự hào, thấy mình đi từng bước gần hơn với cam kết dành đủ yêu thương và không thất hứa với chính mình. Tôi tự hào vì mình mạnh mẽ để không bỏ cuộc giữa chừng. Tôi thấy mình có giá trị hơn, trở nên tốt hơn và lành mạnh hơn cả về cảm xúc lẫn sức khỏe thể chất. Khi tôi vui vẻ và trân trọng bản thân, tôi nhận thấy mọi người trong gia đình cũng bắt đầu tôn trọng thời gian và nhu cầu tập luyện của tôi, con tôi cũng không ỷ lại việc này việc kia đã có mẹ làm và bỏ bừa như trước.
|
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP |
Và tôi nhận ra: Khi tôi thay đổi cách bạn cư xử với bản thân, những người xung quanh cũng thay đổi cách mà họ cư xử với tôi.
Chúng ta không bao giờ quá bận rộn đến mức không có thời gian cho mình. Hãy ngừng hứa lèo với bản thân đi!
Nhất Phương