Mấy chậu mai khoẻ nhất, đẹp nhất lần lượt được ba tôi chuyển đến vị trí mặt tiền hoặc những góc “sống ảo” quen thuộc của đám con gái, chuẩn bị cho những ngày đầu năm mới rộn ràng hạnh phúc. “Đem mai vào thềm nhà cũng là đem sức sống, sự tươi mới vào nhà”, ba tôi nói vậy.
Những ngày sát tết thế này, gần như từ sáng sớm đến tối mịt ba tôi quanh quẩn bên mấy gốc mai. Công việc tưới nước, phun xịt cho mát nụ, chỉnh sửa cành, chuyển chỗ chậu này, dời chậu kia… tưởng nhẹ nhàng nhưng cũng khiến ông già gần 70 tuổi nhiều lúc mướt mồ hôi.
Nhiều bữa quá mải mê làm việc, ba tôi quên hết thời gian, giữa trưa nắng vẫn chưa chịu nghỉ, má tôi xót chồng, giả vờ cự nự để kéo ba vào nhà tránh nắng.
|
Vài cây mai trong sân đã nở vàng rực từ 26 tết |
Chiều qua, má tôi đi một vòng sân, đếm được tổng cộng 40 gốc mai đang ra bông. Nhà ở vùng trũng của TPHCM nên tất cả mai kiểng ba tôi đều trồng trong chậu. Gốc già nhất đã gần 20 năm, gốc nhỏ nhất cũng vài năm tuổi.
Ông già “nông dân gộc” bắt đầu chăm những chậu mai đầu tiên kể từ khi nghỉ mất sức hồi năm 2004. Từ vốn kinh nghiệm làm nông có sẵn cộng với niềm đam mê với cây trái, ba tôi nhanh chóng gầy cả vườn mai.
Loại cây kiểng trồng cả năm chỉ đẹp được mấy ngày tết này bình thường không đòi hỏi nhiều công chăm sóc nhưng cũng cần bàn tay “nghệ nhân” mỗi ngày tưới nước, thỉnh thoảng bón phân, thay đất, trừ sâu bệnh, ghép nhánh, tạo hình… nói chung là chăm chút quanh năm.
|
Đám cháu thường chơi mê mải dưới màu vàng vui tươi và may mắn |
Tầm sau rằm tháng Chạp là thời gian lặt lá để thúc cho bông nở. Thường ba tôi không ép bông nở đồng loạt đúng 30 tết, mà để tự nhiên cho nở xen kẽ, sẽ có những cây bung cánh rực rỡ từ 26, 27 tết và những cây giấu nụ đến tận mùng 2, mùng 3 mới nở rộ. Năm nay thời tiết bất thường, mai đã rải rác nở bông 2-3 đợt từ giữa năm, nhưng đến sát tết vẫn chi chít nụ.
Ba năm trở lại đây, ba tôi biết sử dụng ipad, điện thoại thông minh và dành nhiều thời gian lên mạng học cách chăm sóc mai kiểng. Vườn mai của ba vì vậy càng đẹp hơn, bông nở đều và rực rỡ hơn, bất chấp mọi thay đổi thời tiết.
Đã thành thông lệ, từ 25-26 tết, chị em tôi bắt đầu xách điện thoại hoặc máy ảnh “săn” những nụ bông đầu tiên. Vào những sáng ít việc hoặc những chiều được về sớm, tôi thường lang thang ra sân coi ba chăm cây, săm soi chậu nào nhiều nụ, chậu nào sẽ có bông to, chậu nào nở trúng tết, chậu nào bị trễ nhịp, chậu nào chuyển vào vị trí nào thì hợp…
Cha con trò chuyện rôm rả và dĩ nhiên sau những cuộc nói chuyện đó, chậu mai đầy đặn nhất, ưng ý nhất sẽ được ba ưu ái chuyển đến thềm nhà tôi trước sáng 30 tết!
Sáng Mùng 1, sau khi đã dọn mâm cúng đầu năm, cả nhà 3 thế hệ chúng tôi sẽ mặc đồ đẹp, xúng xính cùng nhau tạo dáng bên những gốc mai. Vườn mai của ba tôi đã trở thành thương hiệu; 3 ngày tết, khách tới nhà ai nấy đều trầm trồ mê mẩn và nhất định phải chụp vài tấm hình làm kỷ niệm, chỉ cần vậy là ba tôi vui.
|
Vườn mai 40 gốc của ba đã có "thương hiệu", là niềm tự hào lớn lao của gia đình tôi |
Mỗi năm, chúng tôi đều lưu lại rất nhiều hình ảnh vườn mai và hình ảnh ba lao động bên “gia tài hoa” của mình để làm kỷ niệm. Khi rảnh rỗi hoặc những lúc quá mệt mỏi, tôi thường lục tìm xem lại những khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc với đại gia đình để được tiếp thêm năng lượng yêu thương.
|
Ba tôi cẩn thận chăm sóc mấy chậu mai trước khi "tuyển" vài chậu đẹp nhất đem vào trước cửa nhà |
Tết năm nay sẽ rất đặc biệt, dự kiến nhà sẽ vắng khách vì COVID-19, vườn mai của ba tôi sẽ ít người chiêm ngưỡng, nhưng có hề gì. Bởi nói như ba tôi, năm COVID-19 không đến thăm nhau được thì chúc tết qua điện thoại, không ngắm bông trực tiếp được thì ngắm online.
Việc của bông là nở, việc của mỗi người là sống vui vẻ, khoẻ mạnh và giữ cho mình luôn căng tràn sức sống như mùa xuân.
Hoài Nhân