Đưa lương hưu bằng với mức sống tối thiểu

07/06/2023 - 08:20

PNO - Trả lời phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM về tiền lương, lương hưu, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - đề nghị, Nhà nước phải công bố mức sống tối thiểu của người dân, tức là mức tiền lương để nuôi sống bản thân người lao động và gia đình họ.

Phóng viên: Từng có nhiều năm công tác trong Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, theo sát các vấn đề tiền lương, ông đánh giá ra sao về mặt bằng lương hưu ở Việt Nam hiện nay?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Trước đây, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) rất thấp và kéo dài nhiều năm. Nguyên tắc của lương hưu là “đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp”. Do có thời gian dài đóng BHXH ở mức thấp, có lúc chỉ trên 120.000 đồng (mức lương tối thiểu), nên tiền lương hưu của nhiều người không đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là các cán bộ UBND cấp xã. 

Từ năm 2003 tới nay, Nhà nước đã có 17 lần điều chỉnh lương cho người nghỉ hưu với mức tăng từ 7,5% đến 9,3%. Đến nay, lương của người nghỉ hưu đã đạt bình quân 5,7 triệu đồng/tháng. Có thể nói, đây là một sự cố gắng rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn rất nhiều người hưởng lương hưu dưới 2 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, Nhà nước đã điều chỉnh để mức lương hưu thấp nhất đạt 2 triệu đồng, sau đó lên 2,5 triệu đồng/tháng. Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang tiếp tục trình Chính phủ nâng mức lương hưu đối với một số đối tượng để mức thấp nhất cũng đạt 3 triệu đồng/tháng.

* Thưa ông, Nhà nước không thể cứ điều chỉnh mức lương hưu mãi, và ngay cả khi đã điều chỉnh, lương hưu vẫn còn quá thấp. Theo ông, cần có giải pháp căn cơ nào để giải quyết vấn đề này?

- Có thể nói, thời gian qua, trong chính sách tiền lương, việc xác định mức đóng và hưởng không tương đồng, dẫn tới đời sống của người về hưu khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước phải dùng một số biện pháp để hỗ trợ cho người về hưu, nâng mức lương hưu bằng với mức sống tối thiểu, thể hiện bản chất hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Về giải pháp căn cơ, tới đây, chúng ta phải sửa Luật BHXH. Muốn lương hưu tăng, phải nâng mức tiền lương tháng đóng BHXH ở mức cao hơn. Điều này không có nghĩa là tăng tỉ lệ phần trăm đóng BHXH mà đóng trên mức thu nhập có tính chất tiền lương. 

Mức đóng BHXH có thể chia theo từng khu vực. Ở khu vực công, cán bộ, công chức, viên chức đang được trả 70% tiền “lương cứng” và 30% “lương mềm” (phụ cấp). Ngoài ra, còn có 10% quỹ thưởng do thủ trưởng đơn vị thưởng cho người hoàn thành tốt công việc. Ở khu vực này, cần đóng BHXH trên mức căn cứ là 100% tiền lương gồm cả phần cứng và mềm.

Ở khu vực có mối quan hệ lao động là chủ sử dụng lao động và người lao động, tiền lương tối thiểu đang được quy định theo 4 vùng. Lương tháng đóng BHXH thấp nhất cũng phải bằng lương tối thiểu vùng cộng với các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương. Ở đây, cần giải thích rõ, các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương phải được hạch toán vào giá thành sản phẩm mà không tính vào các khoản phụ cấp khác. Tiền làm thêm ngoài giờ cũng phải được tính vào mức lương làm căn cứ đóng BHXH. 

Ở khu vực tự nguyện, lâu nay, người tham gia BHXH đang đóng mức thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn. Nhà nước cũng phải tính toán để cho ra mức đóng đảm bảo mức sống tối thiểu ở khu vực này. Đặc biệt, quan trọng nhất, Nhà nước phải công bố được mức sống tối thiểu của người dân. Mức sống tối thiểu là mức tiền lương để nuôi sống bản thân người lao động và gia đình họ. 

Bên cạnh đó, cần khuyến khích người lao động có thu nhập cao đóng BHXH ở mức cao và nên có sự chia sẻ tiền lương hưu của các thế hệ, lực lượng lao động. Thế hệ sau phải bù cho thế hệ trước, điều chỉnh tiền lương hưu với những người có mức lương hưu thấp và giữ nguyên nếu họ đang hưởng lương hưu cao. 

* Việc nâng mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH hằng tháng là không dễ dàng đối với chủ doanh nghiệp lẫn người lao động. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Nếu người lao động chấp nhận mức đóng thấp thì khi về hưu sẽ không đảm bảo được cuộc sống. Người lao động cần hiểu rằng, đóng BHXH thực chất là “của để dành” cho chính mình. Muốn lương hưu cao thì phải đóng BHXH cao. Nhà nước, các phương tiện báo chí, truyền thông cần tiếp tục tuyên truyền với thông điệp “chia sẻ hôm nay để được quyền lợi mai sau”.

* Xin cảm ơn ông! 

Huyền Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI