Đưa lịch sử chạm vào trái tim giới trẻ

02/09/2023 - 06:32

PNO - Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du - Tổ trưởng tổ lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) - cho rằng, cần có những cách tuyên truyền về ngày Quốc khánh thực chất hơn, chạm vào trái tim giới trẻ để các em luôn nhớ về cột mốc lịch sử thiêng liêng của dân tộc.

 

Thiếu nhi quận 4, TPHCM trong niềm vui được tham quan đường cờ Tổ quốc trong dịp lễ Quốc khánh 2/9/2023 ẢNH: THÁI PHƯƠNG
Thiếu nhi quận 4, TPHCM trong niềm vui được tham quan đường cờ Tổ quốc trong dịp lễ Quốc khánh 2/9/2023 - Ảnh: Thái Phương

Phóng viên: Có vẻ như với một số bạn trẻ hiện nay, lễ Quốc khánh 2/9 chỉ là một dịp để nghỉ ngơi, đi chơi. Có cách nào để họ khắc ghi sâu đậm hơn về ý nghĩa của cột mốc lịch sử trọng đại này?

Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du: Đúng là có thực trạng đó. Tôi cho rằng, một phần là do cách tuyên truyền của chúng ta về những dịp lễ này đang đi vào lối mòn. Ngày 30/4 treo băng rôn, ngày 2/9 cũng treo băng rôn với những dòng chữ khô khan, mang tính chất thông báo. Các hoạt động kỷ niệm nhiều khi còn mang tính chủ quan, cũ kỹ, hình thức, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu và đặc điểm của giới trẻ ngày nay.

Có những cách để giới trẻ dễ dàng tiếp nhận nhưng chưa được Nhà nước đầu tư nhiều, chẳng hạn phim ảnh, âm nhạc. Các nước như Trung Quốc hay Hàn Quốc đã đầu tư làm các bộ phim rất chất lượng để tuyên truyền về lịch sử. Tôi nhớ năm 2011, nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tân Hợi, Trung Quốc đầu tư 1 bộ phim hoành tráng để khắc họa toàn cảnh sự kiện nổi tiếng nổ ra năm 1911. Bộ phim đó đã trở thành phim “bom tấn”, được giới trẻ mong đợi, quan tâm, bàn luận sôi nổi. Không chỉ quy tụ dàn diễn viên tên tuổi là thần tượng của giới trẻ, nội dung phim cũng được đầu tư, đan xen giữa cuộc chiến khốc liệt với câu chuyện về mối tình cảm động của nhân vật lịch sử. Chính những yếu tố đó mới chạm vào trái tim giới trẻ.

Ở Việt Nam, đã lâu rồi gần như vắng bóng những tác phẩm điện ảnh mới tầm cỡ như vậy. Nếu có những bộ phim “bom tấn” về ngày Quốc khánh, chiếu vào dịp 2/9 hàng năm thì chắc chắn giới trẻ sẽ rủ nhau đi xem, bàn luận, chia sẻ. Tuyên truyền như vậy mới thành công. Chúng ta nên có cuộc điều tra xã hội học với đối tượng là giới trẻ để xem cách làm nào có thể tạo ấn tượng đối với họ.

* Có ý kiến cho rằng, những người đi qua chiến tranh mới thấm thía giá trị của độc lập, tự do, còn giới trẻ sinh trong thời bình thì khó mà hiểu được ý nghĩa của tết Độc lập. Thầy nghĩ sao về ý kiến này?

- Tôi cho rằng, suy nghĩ này là không đúng. Khi dạy lịch sử, tôi cho học sinh xem phim về chiến tranh Triều Tiên, các em vẫn cảm nhận được chiến tranh là tàn khốc. Khi viết bài thu hoạch, nhiều em nêu lên những cảm nhận vô cùng sâu sắc, thấm thía. Chúng ta không nên nghĩ giới trẻ hời hợt. Chính người lớn thường mặc định rằng các em không đủ sâu sắc hoặc chưa thực sự tạo điều kiện để các em bộc lộ sự sâu sắc của mình.

Năm 2022, Trường THPT Lê Quý Đôn tổ chức một chuyến về nguồn cho hàng trăm học sinh đến Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn. Được đến tận nơi, nhìn tận mắt, nhiều em đã rơm rớm nước mắt khi dâng hương, hành lễ tri ân những anh hùng đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Khi trở về, các em đều quan tâm, yêu thích lịch sử trong giai đoạn đó và chủ động tìm hiểu, đặt ra những câu hỏi phản biện với giáo viên.

Như vậy, thành công nhất của chuyến đi là khơi gợi niềm hứng thú tìm hiểu lịch sử của học sinh. Phải thấy rằng chúng ta chưa thực sự quan tâm, thấu hiểu và tìm cách để đưa lịch sử chạm vào trái tim giới trẻ chứ không nên mặc định rằng các em thờ ơ với lịch sử hoặc không đủ sâu sắc để hiểu giá trị của hòa bình, độc lập.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) thả vòng hoa tưởng niệm trên sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) vào tháng 12/2022 - ẢNH: Đ.D.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) thả vòng hoa tưởng niệm trên sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) vào tháng 12/2022 - Ảnh: Đ.D.

* Theo thầy, cần những cách giảng dạy, tuyên truyền lịch sử như thế nào trong nhà trường cũng như ở các không gian khác?

- Là giáo viên dạy lịch sử lâu năm, tôi khẳng định rằng, nhiều bạn trẻ rất hứng thú với lịch sử. Nhưng, các em hứng thú tiếp nhận kiến thức lịch sử ở không gian khác ngoài trường học và chán ngán chương trình lịch sử được giảng dạy trong trường phổ thông. Điều đó cho thấy, việc dạy lịch sử trong trường phổ thông đang có lỗ hổng rất lớn.

Giới trẻ ngày nay đã thay đổi rất nhiều trong khi cách truyền đạt của chúng ta vẫn nặng nề, sáo mòn. Bản thân tôi cũng phải thay đổi cách dạy sử của mình. Trước đây, khi các phương tiện nghe nhìn, công nghệ chưa phát triển thì tôi lôi cuốn học trò bằng các câu chuyện về lịch sử. Bây giờ, các câu chuyện lịch sử đó đã được các phương tiện truyền thông trên mạng đăng tải rất nhiều, nên tôi kể chuyện cũng không thu hút được các em nữa.

Do đó, cách hay nhất là để các em chủ động tìm hiểu và thể hiện những kiến thức lịch sử mà các em tiếp thu được, sau đó giáo viên điều chỉnh lại những thông tin đó cho chính xác. Giáo viên dạy lịch sử ngày nay phải trở thành người dẫn đường, người bạn lắng nghe, thảo luận với các em về lịch sử, mới tạo được sự hứng thú.

Việc tổ chức tết Độc lập cũng như những ngày lễ khác cần sáng tạo, thực chất và phù hợp với giới trẻ hơn. Chẳng hạn, ngày Độc lập (4/7) của Mỹ, chính quyền các địa phương ở Mỹ thường tổ chức cuộc diễu hành lớn, bắn pháo hoa thu hút các công dân ra đường chung vui; mỗi gia đình cũng có các hoạt động dã ngoại, trang trí nhà cửa với các màu sắc của quốc kỳ Mỹ. Đó cũng là hình thức hấp dẫn để nhắc công dân nhớ về ngày trọng đại.

Bên cạnh đó, cần chú trọng tuyên truyền lịch sử qua tác phẩm, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, qua mạng xã hội. Người làm công tác tuyên truyền phải nhận thức được rằng giới trẻ ngày nay đã khác và chúng ta phải thay đổi. Còn hiện nay, chúng ta gần như bê nguyên cách làm cũ từ năm này sang năm khác.

Tôi thấy rất cần có các bộ phim hay, chất lượng, xúc động về các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Khi tôi dạy lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc, có rất nhiều phim chất lượng để chiếu cho học trò xem, nhưng khi dạy đến lịch sử Việt Nam thì có rất ít phim hay. 
* Xin cảm ơn thầy. 

 Minh Linh (thực hiện)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI