“Đứa học trò mưu mô”

22/04/2014 - 16:04

PNO - PN - Đã 13 năm, nhưng tôi không thể nào quên “phiên tòa” của khoảng 40 người lớn dành cho mình, đứa trẻ 12 tuổi.

Năm đó, trường phân lớp theo địa bàn nên lớp 6/1 của chúng tôi gồm 43 học sinh ở cùng thôn Tiệm Rượu, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam. Chuyện xảy ra vào buổi họp phụ huynh cuối năm. Tôi làm lớp trưởng, được phân công cùng một nhóm bạn làm vệ sinh phòng học trước buổi họp. Khi cuộc họp bắt đầu được một lát, nghe tiếng ồn ào phát ra từ phòng họp, tụi tôi tò mò chạy lại gần cửa phòng, đứng dòm. Thấy tôi, mẹ từ trong phòng họp bước ra, kêu vô. Lúc này, hai cô phụ huynh (thực ra cũng là hàng xóm của tôi) đang đứng phát biểu gì đó rất hùng hổ, tôi vừa vô tới cửa đã thấy họ chỉ thẳng mặt, rồi nhắc tới tên mình. Những ánh mắt còn lại cũng đổ dồn về phía tôi. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì tôi đã bật khóc, níu áo mẹ. Nhưng mẹ không nhìn tôi, mẹ đang đỏ mặt, mắt rưng rưng dõi theo từng động tác hoa tay múa chân của hai phụ huynh kia. Trong những lời ấy, tôi nghe loáng thoáng về môn lịch sử, về tình trạng điểm thi môn sử thấp của cả lớp, rồi những học sinh bị điểm thấp môn sử mà không đạt loại giỏi, trong đó có hai bạn tôi - là con của hai vị phụ huynh kia. Và những câu nói ấy đều bắt đầu bằng điệp ngữ “tại nó mà…”, “tại nó mà…”. “Nó” ở đây là tôi.

Họ vừa dứt lời thì mẹ nức nở: “Là sao? Là sao con nói đi!”. Không hiểu chuyện gì, nhưng tôi hiểu rất rõ mọi người đang nhắm vào mình, mẹ thì đang khóc tức tưởi, tôi lại càng khóc to hơn. Mẹ vẫn run run nắm lấy vai tôi. Có lẽ cũng ái ngại vì những giọt nước mắt của mẹ con tôi, cô Lâm - người nãy giờ vẫn hùng hổ nhất - ngồi xuống. Tôi vẫn nhớ lời sau cùng của người phụ huynh còn lại, cô phân bua: “Tôi ăn to nói lớn quen rồi, tôi nói là vì công bằng chứ cũng chẳng ác ý với ai. Nhưng với một đứa học trò mưu mô như vậy thì cần nói một lần cho nó biết”. Tôi sững sờ nhìn cô ấy, tuyệt vọng vì vẫn không hiểu chuyện gì xảy ra.

“Dua hoc tro muu mo”

Ảnh: Trần Duy

Sau đó, cô giáo hỏi tôi qua loa vài câu, rồi quay sang dàn hòa. Sau những lời của cô giáo, tôi hiểu, nãy giờ họ đang khép tội tôi đã không chép đề cương ôn thi môn sử cho các bạn, cố ý “ém” đề cương để dùng riêng, vậy nên cả lớp thấp điểm, chỉ mình tôi cao điểm. Nghe ra những lời ấy, tôi chỉ biết khóc tức tưởi. Mẹ tôi không giỏi lý lẽ, bà chỉ biết tôi đang bị oan và tìm mọi cách trấn an, dỗ dành và ép buộc tôi phải lên tiếng. Nhưng tôi không nói được điều gì cho ra hồn khi cứ nói hai ba từ lại nấc lên. Trước tình thế ấy, cô giáo lại “dĩ hòa vi quý”, kiểu như người có lỗi thì cũng có lỗi rồi, dù cô không nói trắng ra là tôi có lỗi.

Trên đường về nhà, mẹ tôi tạt qua tiệm tạp hóa đầu ngõ để mua ít đồ dùng, đứng ngoài đợi mẹ, tôi gặp Diệp Liên, con của vị phụ huynh tên Lâm ban nãy. Diệp Liên dè dặt tiến lại, nói: “Tao xin lỗi…”. Tôi lại òa khóc. Đôi mắt nó cũng vội cụp xuống khi mẹ tôi bước ra từ tiệm tạp hóa, chẳng nói chẳng rằng, nổ máy xe chở tôi đi mất. Những ngày tiếp theo, dù không làm gì sai nhưng các bạn trong lớp cũng lần lượt đến xin lỗi tôi. Các bạn đều biết tôi vô tội. Ngày đó, internet chưa phổ biến, lớp trưởng là tôi được thầy giao đề cương ôn tập sát ngày thi, phải đi tới nhà từng bạn để đọc cho bạn chép. Nhưng đề thi quá khó nên các bạn không làm bài được. Cuối cùng, vì là người duy nhất cao điểm, những bậc phụ huynh lập tức tin việc sát ngày thi tôi mới “công bố” đề cương là một “âm mưu”.

Lời xin lỗi của các bạn vẫn không giải tỏa được những lời kết tội đã bủa vây lấy tôi trong “phiên tòa” hôm ấy. Những ngày tiếp theo, tôi thực sự chỉ muốn chết đi để khỏi phải tới trường. Tôi sợ phải trải nghiệm lần nữa nỗi sợ hãi hôm ấy.

Đó cũng là câu chuyện lý giải vì sao tôi đâm sợ sệt mỗi khi đứng trước người lớn.

 Thanh Tân

LTS: Sau khi Báo Phụ Nữ đăng bài Kẻ trộm sách (ngày 16/4), nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến bày tỏ nỗi bức xúc trước sự vô cảm của người lớn khi sẵn sàng buộc tội trẻ, bất chấp việc làm ấy gây nên tổn thương tinh thần, dư chấn về tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Với mong muốn góp thêm tiếng nói vào việc xây đắp tình yêu thương, tôn trọng trẻ, để các em được lớn lên trong sự nâng đỡ, Báo Phụ Nữ tổ chức diễn đàn Khi trẻ bị sỉ nhục.

Mời bạn đọc tham gia ý kiến trao đổi gửi về địa chỉ: khitrebisinhuc@baophunu.org.vn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI