Đưa học sinh đi xem phim, xem kịch kết hợp giáo dục: Đổi mới đừng quên cẩn trọng

17/10/2023 - 19:13

PNO - Đưa "trend" vào giáo dục là phương pháp đang được nhiều giáo viên, nhà trường áp dụng, nhằm đổi mới giờ học, không gian học tập, tạo sự gần gũi với học sinh. Thế nhưng, "bắt trend" thế nào để không sa đà rơi vào phản cảm?

Từng tổ chức cho học sinh đi xem rất nhiều bộ phim, vở kịch như Song Lang, Yêu là thoát tội, Mắt biếc, Trăm năm nguồn cội…, thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) đánh giá, học sinh cực kỳ thích thú, hào hứng bởi các bộ phim được chọn lựa không chỉ mang ý nghĩa giáo dục cao mà còn gần gũi với bài học, với lứa tuổi học sinh. 

Khi tiếp cận kiến thức dưới góc nhìn điện ảnh, học sinh sẽ được giáo dục về các giá trị chân, thiện, mỹ, thêm hiểu và yêu các loại hình văn hoá của dân tộc. Qua đó cùng giáo dục các em về tính cộng đồng. 

“Trước khi tổ chức cho học sinh đi xem thì ban giám hiệu, tổ trưởng các tổ bộ môn sẽ đi “tiền trạm”, coi trước nội dung bộ phim đó để đánh giá phim có thực sự phù hợp với học sinh hay không. Bởi thực tế có những bộ phim dù là “trend” (trào lưu) trên mạng xã hội nhưng lại không phù hợp với việc giáo dục học sinh trong nhà trường.

Việc xem phim trên tinh thần tự nguyện nên nhà trường, tổ bộ môn sẽ không đánh giá học sinh mà sau khi xem bộ phim, các em sẽ viết bài cảm nhận và giáo viên sẽ xem đây là điểm cộng cho các em. Những học sinh không có điều kiện tham gia, nhà trường sẽ tìm nhiều nguồn để hỗ trợ, hướng đến mọi học sinh cùng tiếp cận, làm sao việc đổi mới không trở nên nặng nề, khiên cưỡng với học sinh”- thầy Thanh Phú chia sẻ.

 

 

Đưa "trend" vào giáo dục giúp làm mới bài giảng của giáo viên (hình minh hoạ)

Ông khẳng định, giáo dục hiện nay là giáo dục mở, mục tiêu Chương trình GDPT 2018 là hướng đến hình thành phẩm chất, phát triển kỹ năng cho học sinh. Như vậy, nếu chỉ gói ghém trong nhà trường, trong lớp học thì không thể đạt được mục tiêu đó.

“Giáo dục mở, tri thức mở buộc nhà trường phải đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, hình thức giảng dạy, tiếp cận kiến thức. Tuy nhiên, việc tổ chức cần phải có sự tính toán, hướng tới mục tiêu giáo dục cao nhất, đảm bảo mọi đối tượng học sinh cùng được thụ hưởng. Khi nhà trường làm mà hướng tới mục tiêu vì học trò thì chắc chắn phụ huynh sẽ đồng thuận cao”- thầy Huỳnh Thanh Phú nói.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du - Tổ trưởng tổ lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) đánh giá, trong đổi mới giáo dục để mang lại những giờ học hiệu quả, đổi mới không gian học tập cho học sinh, tạo sự gần gũi giữa giáo viên với học sinh thì việc đưa "trend" vào trong giáo dục là điều nên làm song cần có sự cân nhắc bởi mục tiêu giáo dục là hướng đến những giá trị lâu dài chứ không phải là bề nổi nhất thời.

Việc đưa "trend" vào trong bài học cho thấy giáo viên quan tâm đến học sinh, muốn bài học trở nên gần gũi. Khi giáo viên dùng "trend" một cách khéo léo thì học sinh sẽ vui vẻ đón nhận kiến thức một cách tự nhiên. Rất nhiều giáo viên khi giảng bài đã rất linh hoạt sử dụng những từ ngữ "trend" của giới trẻ, kết hợp với sự chuẩn mực của kiến thức khiến học sinh rất thích thú. 

“Đưa học sinh đi xem phim, bảo tàng, triển lãm, dã ngoại… là những xu hướng về hình thức học ở ngoài nhà trường không mới bởi nhiều trường đã thực hiện cách đây 5-6 năm… Cá nhân tôi khi dạy môn lịch sử đến một số chủ đề ví dụ như chiến tranh Triều Tiên thì phải coi về Taegukgi, để giúp các em tiếp cận bài học một cách dễ dàng, gần gũi hơn”.

Tuy nhiên, theo thầy Đăng Du, mặt trái của đưa "trend" vào giáo dục là nếu không cẩn trọng thì có thể gây ra sự phản cảm, cao hơn là phản giáo dục. Từng có thời gian nhiều trường, nhiều giáo viên đưa hình ảnh, lời nhạc vào trong đề kiểm tra, thậm chí là khiên cưỡng đưa nhạc của những ca sĩ trẻ làm ngữ liệu trong bài kiểm tra…

“Mục tiêu của đưa "trend" vào giáo dục vẫn là hướng đến giáo dục học sinh. Vì thế, khi đưa "trend" vào bài học thì giáo viên, nhà trường cần có kế hoạch ngay từ đầu chứ không phải ngẫu hứng, thấy cái gì "hot" là đưa vào. Ví dụ, khi đưa học sinh đi xem phim thì giáo viên cần cân nhắc đối tượng học sinh, điểm đến, thể loại phim ảnh, quan trọng là phải đánh giá được học sinh sẽ thu hoạch được gì sau khi xem bộ phim đó…”- thầy Đăng Du bày tỏ.

Theo thạc sĩ Phan Thế Hoài - Giáo viên ngữ văn, Trường THPT Bình Hưng Hoà (quận Bình Tân), việc dạy Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên phải thay đổi nhiều về phương pháp. Không thể bắt học sinh ở trong lớp cả tuần, giáo viên ngồi trên bục giảng theo kiểu ban phát kiến thức nữa.

Bắt "trend" trong giáo dục phải cẩn trọng, đảm bảo mục tiêu giáo dục

Cho học sinh tiếp cận tác phẩm điện ảnh, thay đổi không gian lớp học, đưa các "trend" gần gũi vào bài giảng.. là cần thiết nên làm nhằm giúp học sinh đỡ nhàm chán khi tiếp cận kiến thức, việc học trở nên rất thú vị, hiệu quả.

Dù vậy, thầy Thế Hoài cho rằng quá trình “làm mới” đòi hỏi giáo viên phải đặt ra các tiêu chí để lựa chọn tác phẩm phù hợp, tránh sa đà, phản cảm. Các tiêu chí đặt ra bao gồm giá trị về chân, thiện, mỹ và phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, để giáo dục học sinh về lẽ phải, về những điều tốt đẹp trong cuộc sống, bồi dưỡng giá trị nhân văn. Học sinh phải cơ bản hiểu được về nội dung tác phẩm.

“Tôi cũng thường đưa học sinh xuống thư viện dạy học, đổi mới không gian lớp học. Nếu muốn tổ chức tiết học ngoài nhà trường thì tôi cũng sẽ thuyết phục phụ huynh cho học sinh xem các tác phẩm văn học kinh điển được chuyển thể sang kịch, phim. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không chỉ từ phía giáo viên mà quá trình đổi mới giáo viên cần phải làm cho phụ huynh hiểu, đồng hành, chia sẻ…. Nếu phụ huynh không hiểu, không ủng hộ thì đổi mới khó thành công”- thạc sĩ Hoài nhận định.

Quốc Trung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI