Đưa học sinh đi tham quan: Thầy phải có kỹ năng

01/01/2014 - 07:49

PNO - PN - Việc 7 học sinh (HS) bị sóng cuốn trôi tại bãi biển Cần Giờ, TP.HCM vào ngày 29/12 vừa qua làm xã hội một lần nữa bàng hoàng, đau xót. Lại thêm một hồi chuông báo động về sự án toàn và một bài học quá đắt về việc tổ...

edf40wrjww2tblPage:Content

GIÁO VIÊN PHẢI “BÁM” HỌC SINH

Câu chuyện cách đây chừng một tháng vẫn còn khiến thầy Trần Văn Đại Lợi - Hiệu phó Trường THPT Tư thục Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) và là người “chủ xị” các chuyến đi rùng mình. Thầy kể lại chuyến đưa HS đi mũi Kê Gà: để kịp lịch trình, công ty du lịch đã nhét 30 HS lên những chiếc tàu chỉ có sức chứa tối đa khoảng 20 em, áo phao cũng không đủ. Khi phát hiện là lúc tàu đang lênh đênh giữa biển, chúng tôi buộc tàu quay lại, lệnh cho HS rời tàu và bắt chủ tàu phải xuất trình giấy đăng kiểm. Trước sự cương quyết, chủ tàu buộc phải quay ngay vào bờ.

Trường THPT Tư thục Thái Bình thường xuyên tổ chức những chuyến tham quan cho HS (khoảng năm chuyến mỗi năm, mỗi chuyến khoảng 100 em). Cô Lê Thúy Hòa - Hiệu trưởng trường này - cho biết kinh nghiệm: trước những chuyến đi, trường phải chuẩn bị rất kỹ về ý thức cho HS như đi đâu, đặc điểm những nơi sẽ đến như thế nào và trang phục như thế nào cho phù hợp; các tình huống có thể xảy ra và cách xử lý tình huống để cứu mình, cứu bạn; giáo viên phải “bám” HS ra sao? Trước khi xuất phát, HS được chia theo từng nhóm 10 em và các thành viên trong nhóm có trách nhiệm kiểm soát lẫn nhau, với những HS đặc biệt (chưa ngoan) thì thầy cô giáo phải có cách quản lý đặc biệt…

Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt cũng cho rằng, mỗi lần xảy ra tai nạn thương tâm, chúng ta thường đổ lỗi do HS thiếu trang bị kỹ năng sống và "rút kinh nghiệm", ví dụ như HS phải được học bơi, phải biết cách nhận biết nơi nào nguy hiểm, có sự cố thiên tai xảy ra phải ứng phó như thế nào… HS ở các nước phát triển được học những kỹ năng tự vệ này từ rất sớm. Tuy nhiên, trẻ con thường hiếu động, ham vui, có thể được trang bị kỹ năng nhưng khó đòi hỏi các em ý thức như người lớn. Vì vậy, vai trò của người quản lý, cụ thể là người thầy và nhà trường trong những buổi dã ngoại vẫn là yếu tố quyết định.

Dua hoc sinh di tham quan: Thay phai co ky nang

Học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) trong một buổi học ngoại khóa

PHẢI CÓ NGHIỆP VỤ QUẢN LÝ NGOẠI KHÓA

Các chuyên gia tổ chức những buổi học ngoại khóa cũng cho biết, phụ huynh, nhà trường cần phân biệt sự khác nhau giữa buổi tham quan dã ngoại và huấn luyện đào tạo. Loại hình tham quan thường nhanh gọn nên HS ít được dặn dò các kỹ năng. Trong những trường hợp này, nhà trường tuyệt đối không cho trẻ tham gia những trò chơi có thể gây nguy hiểm.

Ông Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cấp cao Trung tâm đào tạo tài năng trẻ châu Á Thái Bình Dương cho rằng: trong những buổi học ngoài nhà trường, kỹ năng của người thầy, người hướng dẫn cực kỳ quan trọng. Ở sự cố bảy HS chết đuối ở Cần Giờ có thể người hướng dẫn thiếu kỹ năng quản lý và kỹ năng quan sát. Nếu có đủ nghiệp vụ quản lý hoạt động ngoại khóa, họ dễ dàng đưa HS vào khuôn khổ. Và nếu có khả năng quan sát, họ sẽ không để HS tắm trong điều kiện bãi tắm và thời tiết có khả năng gây nguy hiểm.

Ông Nhân cho biết: “Chúng tôi vừa tổ chức khóa học cho 170 học sinh Trường THCS Nguyễn Du tại biển Long Hải. Các huấn luyện viên phải khảo sát trước bãi biển, 15 người bơi lội giỏi văng dây khoanh vùng khu vực để HS tắm biển. Các em không thể đi ra khỏi tầm mắt của huấn luyện viên, năm huấn luyện viên còn lại sẽ ở trên bờ quan sát…”.

Phóng sự của VTV "Bài học từ vụ đuối nước ở Cần Giờ"

Cẩn thận và chu đáo trước mọi tình huống phát sinh là điều không thừa đối với mọi thành viên, nhất là những người tổ chức và quản lý các chuyến đi. Đáng tiếc là “tâm lý của số đông người Việt còn xuề xòa, chủ quan và chưa đề cao sự an toàn cho tính mạng lên hàng đầu” - hướng dẫn viên (HDV) Nguyễn Minh Đức (Công ty Du lịch Tràng An, Hà Nội), nhận xét. Anh Đức nói rằng, sự thiếu hiểu biết, chủ quan và hời hợt trước các chuyến tham quan của HS còn rất phổ biến. “Các em HS rất hiếu động, em này giỡn kéo theo em kia, tạo thành dây chuyền rất khó quản lý. Hơn nữa, các em thường nghe lời thầy cô hơn HDV”- anh Đức kể lại.

Cũng vì tâm lý chủ quan, coi thường tính mạng, nên nhiều du khách thường không tập trung khi HDV dặn dò trên các chuyến đi; nhà trường và công ty du lịch đều không có sự chuẩn bị chu đáo, đưa đi biển nhưng không có áo phao, hoặc có mà không bắt buộc HS mặc, HDV lại hời hợt, các thầy cô thì lơ là, để mặc HS chơi gì, làm gì tùy thích; các điểm đón khách cũng không có người chốt chặn tại những nơi nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn cho HS.

Từ một nền giáo dục nặng về lý thuyết, giáo dục Việt Nam đang chuyển mình vươn ra khỏi bốn bức tường lớp học để đến với thiên nhiên và thực tế cuộc sống, đó là hướng đi đúng và sẽ phải được phát huy trong tương lai. Thế nhưng, để không bỡ ngỡ khi được “thả” thì nhất thiết các em phải được trang bị tốt về kỹ năng sống cũng như phải được giáo dục về tính kỷ luật. Với người lớn cũng còn rất nhiều chuyện phải làm, nhưng trước hết hãy đặt sự an toàn tính mạng của HS lên hàng đầu.

 MINH NHẬT-TIÊU HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI