Dưa hấu mặn

13/04/2014 - 18:02

PNO - PNCN - Cả tháng nay trên đường đi làm tôi thấy dưa hấu đổ từng đống dọc theo hai bên vệ đường, bán với giá sáu ngàn một ký. Ngày nào đi làm về tôi cũng mua một hoặc hai trái, tiện đâu ghé đó. Trái dưa nào xẻ ra ruột cũng chín...

edf40wrjww2tblPage:Content

Sáng thứ Bảy không phải đi làm, tôi ra chợ gần nhà. Dưa hấu cũng đổ đống bán dọc theo hai bên lề đường dẫn vào chợ. Tôi tấp vào một hàng dưa. Chưa kịp hỏi, chị bán dưa đon đả mời: “Dưa cân đủ, năm ngàn một ký, cô mua luôn hai trái về ép nước uống cả ngày. Nước dưa vừa bổ vừa mát mà rẻ hơn nước đóng chai”.

Khi nghe người bán so sánh dưa với nước đóng chai, tôi hơi sững lại, hỏi: “Chị bán năm ngàn một ký, vậy chị mua vào bao nhiêu một ký?”. Người bán dưa trả lời ngay: “Cũng tùy, có bữa ba ngàn có hôm ba ngàn rưởi”. Tôi hỏi tiếp: “Vậy còn người trồng dưa bán được mấy ngàn?”. Thoáng lưỡng lự, chị nói: “Chắc chừng ngàn rưởi hai ngàn gì đó, tùy nơi tùy chỗ. Tui nghe thương lái nói, năm nay dân trồng dưa khóc vì trúng mùa đó, cô!”.

“Năm nay dân trồng dưa khóc vì trúng mùa đó, cô!”. Câu nói của người bán dưa lởn vởn lúc tôi đi vào chợ, lúc về đến nhà, cho tới lúc nấu nướng, ăn uống và dọn dẹp xong, hình ảnh trái dưa hấu, đống dưa hấu và những người trồng dưa vẫn không dứt khỏi tâm trí.

Bốn mươi năm trước, má tôi cũng là người trồng dưa. Lúc đó tôi 13 tuổi, cái tuổi mà những gì đã thành ký ức thì khó phai mờ. Bom đạn chết chóc đã dồn gia đình tôi cùng nhiều gia đình nữa phải bỏ nhà cửa, vườn tược để tìm vùng đất còn bình yên. Má chèo chống đưa các con đến tận vùng đất mũi Năm Căn và cũng một mình bà ngày đêm dầm mưa đội nắng, một mình lầm lũi khai hoang đất rừng thành vuông rẫy. Mùa rẫy đầu tiên má trồng bí rợ, bí đao và dưa hấu, loại nào cũng sai trái, trái rất to, nhất là dưa hấu, da xanh sẫm, nổi gân, bóng ngời dưới nắng, có trái nặng hơn chục ký.

Dua hau man

Năm đó, dưa hấu má tôi trồng được thương lái từ miệt chợ Cái Keo, Đầm Cùng tranh nhau mua rồi họ hứa chắc như đinh đóng cột là mùa dưa tiếp theo, họ sẽ “mão” hết rẫy dưa của má. Mùa rẫy sau, má chỉ trồng duy nhất dưa hấu. Lại trúng mùa. Mười mấy công đất, chỗ nào dưa hấu cũng sai trái, to trái. Má ra vô nhìn ngắm rẫy dưa, hồi hộp, khấp khởi: “Bán hết mùa dưa này, má đưa tụi con đi thăm ba”. Nhưng rồi, đến lúc dưa hấu bắt đầu chín, cũng là lúc đạn bom lan đến. Con đường từ chợ vào xóm rẫy tàu ghe không dám đi lại.

Trong lúc vẫn chưa hết hy vọng là người mua dưa sẽ tới, má tôi vô rừng đốn cây và xuống mé sông chặt lá dừa nước đem phơi nắng rồi vài ngày sau cắm cột và lợp hai mái nhà chòi. Dưa chín được mang về chất đầy hai căn chòi cạnh bờ sông. Lúc không còn tín hiệu nào để hy vọng nữa, má đành bổ dưa ra, lấy nước dưa cho vào nồi to, bắc lên bếp lửa và đun cho tới khi nước dưa đỏ au biến thành thứ nước ngả vàng, sền sệt, sau đó bà gửi loại nước màu đặc sánh đó cho bà con cô bác xa gần và cho cả những người không quen không biết, với hy vọng họ có thể dùng vào việc kho cá kho thịt, nếu không thịt không cá thì kho cơm dừa hay kho rau củ.

Giờ, chiến tranh không còn, đạn bom không còn, nhưng người trồng dưa (mà đâu chỉ có người trồng dưa) nhiều khi vẫn phải khổ sở như má tôi của bốn mươi năm trước, nỗi khổ không bán được sản phẩm mà mình vắt mồ hôi lẫn nước mắt để làm ra.

Tôi gọt trái dưa hấu với giá rẻ hơn nước lã đóng chai rồi cho vào máy ép trái cây và nhấn nút. Chỉ vài phút sau, tôi bưng ly nước dưa hấu có màu đỏ tươi, đưa lên miệng…

Thứ nước ngon ngọt và mát rượi đang chảy vào cổ họng tôi có cái vị mằn mặn của mồ hôi và nước mắt. 

Bích Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI