Theo ghi nhận của phóng viên Vietnam+, ở hầu hết các điểm thi, rất nhiều sĩ tử đều có chung nhận định, đề văn năm nay không quá dài và bám sát trọng tâm ôn tập trước đó.
Đề thi không khó, bám sát trọng tâm
Em Ngô Xuân Định, một trong những thí sinh ra sớm nhất ở điểm thi trường Việt Đức cho hay, câu 1 và câu 3 trong phần thi khá dễ thở, thí sinh có thể dễ dàng nhặt nhạnh điểm từ chính những bài mà thầy cô cho ôn luyện trong chương trình học.
Tác phẩm "Thuốc" của Lỗ Tấn và "Đất Nước" của Nguyễn Khoa Điềm là hai nội dung ở lớp mà đa số học sinh đã được ôn luyện rất kỹ, Định chia sẻ.
Theo Định, câu 2 điểm về văn học nước ngoài đòi hỏi thí sinh cần có kiến thức bao quát tác phẩm bởi ngoài nội dung, những diễn biễn cảm xúc của nhân vật chính là điểm nhấn của tác phẩm.
“Đề thi bám rất sát chương trình. Em học ban A nhưng cũng làm tương đối tốt,” cậu học sinh trường Việt Đức khoe.
Cùng chung quan điểm đó, em Hoàng Ngọc Huyền, học sinh trường Marie Curie cũng tỏ ra lạc quan về kết quả môn thi đầu tiên. “Nội dung đề bám sát chương trình học. Tuy nhiên, để đạt điểm cao đòi hỏi vốn kiến thức xã hội lớn,” Huyền nhìn nhận.
Thí sinh dự thi môn văn. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Tuy nhiên, nhiều thí sinh cũng nhận định, đề thi văn năm nay khá dài, kiến thức rộng. Thí sinh cần phân bổ thời gian hợp lý để có thể hoàn thành câu hỏi trong đề. Vì thế, cũng có khá nhiều thí sinh buồn rầu vì làm bài không tốt.
Vừa chuyện trò trao đổi với bạn về phần bài của mình, Lê Văn Nam, học sinh trường Trung học phổ thông Phương Nam, cho biết: “Đề văn năm nay khó, em chỉ làm được 50-60%.”
Em Lê Hữu Khánh, trường Trung học phổ thông Việt Đức vốn học chuyên toán nên làm bài môn Văn không tốt lắm.
Khánh bảo, chỉ trong hai tháng vừa qua, em mới chú trọng vào học các tác phẩm mà em đã “khoanh vùng” trong nội dung ôn thi. Rất may, tác phẩm "Thuốc" và "Đất Nước" chính là những chủ đề đã được học trong lớp 12 nên thí sinh chỉ cần có chút cảm nhận văn học thì có thể đạt điểm trung bình.
“Em chắc chắn môn đầu tiên sẽ đạt cao nhất 6 điểm. Để đạt được tổng điểm cao nhất có thể, em sẽ cố gắng hơn ở những môn thi khối tự nhiên, đặc biệt là môn Hóa học chiều nay," Khánh bày tỏ quyết tâm.
Hào hứng với câu hỏi nghị luận
Đánh giá về môn thi đầu tiên, nhiều sĩ tử cũng cho rằng, câu hỏi nghị luận khá hay với nội dụng “Suy nghĩ gì về hành động dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam, học sinh cứu 4 em nhỏ khỏi chết đuối trên dòng sông Lam”.
Theo nhận xét của nhiều thí sinh, đây là một câu hỏi mang tính thời sự, giàu giá trị nhân văn. Để làm tốt câu hỏi này, thí sinh phải có kiến thức xã hội và kỹ năng viết văn nghị luận.
“Câu 2 là câu khó nhất trong đề thi nhưng cũng là câu em thích nhất. Em đã dành tình cảm cho bài làm và em hài lòng với bài thi của em hôm nay”, Nguyễn Thị Tâm, thí sinh dự thi tại THPT Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ.
Cũng theo Tâm, đề tuy “dễ thở” nhưng chính câu nghị luận mới đảm bảo phân loại học sinh khá rõ.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp môn Văn. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Đây cũng là nhận định của em Trần Văn Đạt, học sinh trường Marie Curie. Theo Đạt, đề thi năm nay khá hay, thí sinh chỉ cần nắm chắc chương trình lớp 12 là có thể đạt điểm trung bình. Tuy nhiên, câu nghị luận đòi hỏi thí sinh cần có tư duy hiểu biết xã hội, khả năng phân tích tổng hợp mới có thể hoàn thành bài thi.
“Phần lớn, những câu nghị luận thường bám theo dòng sự kiện trong thời gian qua của đất nước, xã hội. Hơn nữa, ở trong trường, các thầy cô cũng đã rất chú trọng cho học sinh về lối văn diễn tả, lập luận logic cùng khả năng liên hệ thực tiễn để áp dụng làm bài,” Đạt tiết lộ cách nắm bắt vấn đề.
Theo cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên dạy văn trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, đề văn năm nay rất hay, nhất là ở câu nghị luận. Đề không khó, vừa sức thí sinh, vì thế các em dễ dàng kiếm điểm 5.
Câu nghị luận đưa ra một trường hợp cụ thể thay vì các vấn đề mang tính chất triết lý chung chung như mọi năm. Tấm gương em Nam với lòng dũng cảm quên mình cứu người có ý nghĩa rất lớn cho giới trẻ hiện nay, khi nhiều em đang có xu hướng sống ích kỷ. Với giá trị nhân văn ấy, đề thi thực sự đã mang lại cho em một bài học lớn.
Kết thúc môn thi đầu tiên, các thí sinh đều xem như vượt qua được một cửa ải và bớt đi tâm lý căng thẳng buổi đầu trong phòng thi, để chuẩn bị cho môn tiếp theo.
Chiều nay, các em tiếp tục thi môn Hóa học theo hình thức thi trắc nghiệm, thời gian làm bài là 60 phút, bắt đầu từ 14 giờ 30 phút.
Đề thi môn văn I. Phần chung dành cho tất cả thí sinh Câu 1. (2,0 điểm) Trong phần cuối truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn, nhân vật bà mẹ Hạ Du đã có thái độ như thế nào khi nhìn thấy vòng hoa trên mộ con mình? Hình ảnh vòng hoa ấy có ý nghĩa gì? Câu 2.(3,0 điểm) Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau: Chiều ngày 30/4/2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12 T7, Trường Trung học phổ thông Đô Lương I) nghe tiếng kêu cứu có người đuối nước dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống, lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đấy được em thứ năm vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi. (Theo Khánh Hoan, Thanhnienonline, ngày 6/5/2013) II. Phần riêng - Phần tự chọn (5,0 điểm) Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b) Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm) Phân tích diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật Mị qua cảnh đêm mùa xuân Mị muốn đi chơi và bị trói trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài (Phần trích trong Ngữ Văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam -2012) Câu3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm) Phân tích đoạn thơ sau trong Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm: Đất là nơi anh đến trường Nước là nơi em tắm Đất nước là nơi ta hò hẹn Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc” Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi” Thời gian đằng đẵng Không gian mênh mông Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ Đất là nơi Chim về Nước là nơi Rồng ở Lạc Long Quân và Âu Cơ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng (Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam-2012, tr. 115-116-117). |
Theo Nhóm PV (Vietnam+)