Đưa đón con sao mà khổ quá!

12/08/2019 - 14:39

PNO - Chị không muốn con phải “tự lập” sớm vậy. Nhưng nghiệt nỗi, nhà xa nơi cơ quan, công việc cả vợ và chồng đều có giờ giấc không cố định, việc đưa đón con không đơn giản.

MỜI THAM GIA DIỄN ĐÀN "AI ĐƯA CON BẠN ĐI HỌC?"

Vụ việc bé trai 6 tuổi bị bỏ quên rồi tử vong trên xe đưa đón trường Gateway khiến nhiều phụ huynh giật mình. Cha mẹ chia nhau chở con, nhờ xe ôm công nghệ, bác xe ôm quen đầu xóm, cô giúp việc, ông bà nội ngoại già yếu, hay tiếp tục giao con cho xe đưa đón của nhà trường trong lo lắng?

Mời bạn góp ý kiến cho diễn đàn: 'Ai đưa con bạn đi học?' tại địa chỉ: giadinh@baophunu.org.vn

Vừa chạy xe vào cơ quan, chị đồng nghiệp của tôi liền lục điện thoại gọi ngay cho cô giáo con. Mấy ngày nay, sau thông tin về vụ tai nạn tử vong cậu học sinh lớp Một trên xe đưa đón, chị bất an lo lắng hơn trước rất nhiều.

Con chị đang học những ngày cuối hè tại một trường mầm non quốc tế, có xe của trường đón đưa. Ban đầu, chị không muốn con phải “tự lập” sớm vậy. Nhưng nghiệt nỗi, nhà ở xa trung tâm, công việc cả vợ và chồng đều có giờ giấc không cố định, việc đưa đón con đến trường đúng giờ không đơn giản.

Dua don con sao ma kho qua!
Một người mẹ ở Trung Quốc đau đớn khi biết con trai tử vong trên xe đưa đón của trường mần non

Chị từng bàn với chồng xin nghỉ việc một thời gian để lo cho con. Chồng chị đồng ý. Nhưng chị sợ nghỉ làm rồi sẽ khó bắt đầu trở lại, sợ những chuỗi ngày “quẩn quanh gian bếp” biến chị trở thành một người đàn bà tự ti và tụt hậu. Sợ chỉ một người đi làm kinh tế bức bí...

Thế rồi sau khi được một người bạn giới thiệu, anh chị cho cháu vào học tại một ngôi trường mầm mon uy tín, mà người ta sẽ lo cho con từ A đến Z, học phí cũng không quá cao.

Con của anh chị say xe. Hôm nào con đi học, chị cũng chuẩn bị nào gừng tươi thái lát mỏng, nào thuốc chống say xe, nào dầu gió… nhưng xem ra chẳng ăn thua gì. Những hôm nhìn con lả người nằm vật xuống giường khi vào nhà, chiếc cặp còn chưa kịp tháo khỏi vai, chị xót lắm.

Chị tâm sự: “Bé chỉ mong về nhà là nằm. Phải hơn nửa tiếng sau, cháu mới tỉnh táo và tắm rửa sinh hoạt”. Nhưng đó là ở nhà. Còn ở trên xe, khi đến lớp, chị cũng không hình dung được con thế nào nữa. Nhưng biết làm sao bây giờ...

Dua don con sao ma kho qua!
Xe lam đưa rước học sinh là phương tiện phổ biến ở TP.HCM

Đi qua các cổng trường, tôi từng ám ảnh cảnh tan học, các bé ra sát đường lớn để chờ ba mẹ. Giữa khung cảnh xe cộ đua nhau đó, nhiều cháu vô tư đùa giỡn. Trong cơn phấn khích, có đứa đá cầu, rượt đuổi nhau xuống lòng đường.

Rất nhiều hôm, tôi gặp người mẹ dừng xe bên này đường, ra hiệu cho cậu con trai đang bên kia đường bước qua làn xe. Những ai từng đưa đón con sẽ biết: cổng trường phổ thông giờ đưa và đón học trò thường người xe chen chúc, có khi gây kẹt xe hàng giờ. Cha mẹ thường dặn con ra đứng ở xa cổng, xa đám kẹt hoặc tự đi sang bên kia đường để cha mẹ đón cho tiện, dù biết không hề an toàn.

Cũng tại các cổng trường, chúng ta cũng dễ bắt gặp một vài học sinh phải ngồi vạ vật tới tối mịt để chờ người đón. Trong thời gian đó, ai sẽ là người bảo đảm an toàn cho các con?

Dua don con sao ma kho qua!
Một người mẹ phải chở hai con trên xe máy - hình ảnh rất phổ biến ở đô thị. Hình: Internet

Ở cơ quan tôi, có lần, mẹ của hai cháu gái học lớp 9 vì đi giao hàng về trễ mà không kịp đón con. Khi vào trường, thấy chẳng còn bóng một học sinh nào, chị khóc toáng rồi lật đật hỏi khắp từ bảo vệ đến những người bán hàng quán ngoài cổng. Họ đều thông tin giống nhau: “Học sinh ra về hết từ lúc 11 giờ 30 phút”.

Lúc đó là gần 13 giờ. Chị quay xe hớt hải chạy vòng lại đoạn đường quen thuộc vẫn thường chở con đi học nhưng không thấy. Hóa ra, hai con của chị đứng cổng trường giữa trưa nắng nóng chờ mẹ, chúng quá đói khát nên đã rủ nhau đi bộ đường tắt về nhà. May mà các cháu không gặp tai ương nào trên quãng đường về. Chị được một phen hú vía.

Khi con trẻ bước ra khỏi nhà, cha mẹ nào cũng mong con vui vẻ, vô sự. Có người trách chúng tôi sao thiếu niềm tin vào nhà trường, vào xã hội. Nhưng quả thật, quá nhiều thông tin tối tăm liên quan con đường đưa đón học sinh, nói gỡ mồm là: lỡ tai họa rơi trúng con mình thì sao? Làm sao phụ huynh chúng tôi yên tâm cho được.

                                                                                      Bồ Công Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI