Đứa con trai vô ơn, bạc bẽo

04/04/2025 - 06:00

PNO - Mẹ càng dốc sức vì con, con trai lại càng phũ phàng, vô cảm.

Người mẹ suy tư nhận ra sai lầm khi đặt yêu thương sai cách ( Ảnh minh họa : Freepik)
Người mẹ nhận ra sai lầm khi yêu thương sai cách (Ảnh minh họa: Freepik)

Lâm cáu kỉnh đá vào chân bàn rồi quát lớn: “Ở tuổi mẹ bây giờ không đau chỗ này thì đau chỗ khác. Đời tôi mới cần lo đây này. Có chút chuyện cỏn con mà cả nhà cuống cả lên!”.

Hiểu rõ cách sống của Lâm từ trước đến nay nên khi nghe em la hét, tôi không mấy bất ngờ. Thế nhưng, dì Lành - mẹ của Lâm rất tức giận. Dì hoàn toàn không ngờ khi mình lâm bệnh lại nhận về thái độ bạc bẽo cùng những câu nói vô cảm từ cậu con trai cưng.

Dì Lành là dì ruột của tôi, còn Lâm con trai út của dì Lành, trước Lâm còn 2 người chị gái.

Năm Lâm lên 4 tuổi, chồng dì Lành mất. Vì thương con mồ côi cha sớm, cộng thêm tư tưởng thiếu công bằng trong việc nuôi dạy con cái, nên trong nhà, dì Lành luôn ưu tiên, thiên vị Lâm. Bữa cơm, món gì ngon nhất, dì sẽ để dành cho Lâm. Đi học trường làng, Lâm luôn ăn mặc tươm tất, đi những chiếc xe đạp mới…

Để nuôi các con khôn lớn, dì tôi khi còn trẻ thì làm ruộng, sớm hôm vất vả, chân lấm tay bùn. Sau này, ruộng vườn thất bát, dì chuyển việc, xin vào làm công nhân cho một nhà máy gạch trong vùng. Công việc bốc gạch mỗi ngày rất nặng nhọc. Đến giai đoạn sức khỏe đi xuống, dì rời nhà máy, tìm nhà hàng, quán ăn để đi phụ bếp, rồi dì bán bún, bán xôi,…

Mấy chục năm vất vả, cực nhọc, nhưng dì Lành chưa lúc nào để các con phải thiếu thốn, thua bạn kém bè. Riêng với Lâm, dì luôn dốc sức dốc lòng, dì không cần cậu phụ giúp bất cứ việc gì, chỉ luôn tâm niệm chỉ cần cậu học hành thật giỏi. Thế nhưng, trái với ước muốn của dì, của các chị, Lâm đến nay đã gần 30 tuổi vẫn lêu lổng lông bông.

Lâm không nghề nghiệp, suốt ngày tụ tập ăn nhậu cùng đám thanh niên hư hỏng trong làng. Trong gia đình, cậu không biết chia sẻ, sống vô trách nhiệm với tất cả mọi người. Cậu luôn đòi hỏi, đổ lỗi, xem mình là trung tâm cần được thấu hiểu và giúp đỡ.

Chị của Lâm có lần kể với tôi, thật ra, để tạo công ăn việc làm cho Lâm, gia đình đã đồng hành, cố gắng rất nhiều. Lâm không học tốt văn hóa thì tạo điều kiện cho học nghề, em thích nghề gì sẽ đăng ký cho học nghề đó. Rồi khi không học nữa, đến tuổi đi làm, em muốn làm gần, làm xa, nếu có thể, mọi người cũng cố gắng liên hệ, kết nối xin việc cho Lâm. Tuy nhiên, do quen được nuông chiều, sung sướng, nên Lâm rất ỷ lại, lười biếng. Lâm không chịu khó, chịu khổ, cuối cùng chẳng thể trụ được ở đâu lâu dài.

Đợt gần đây nhất, dì Lành nghe Lâm nói thích nghề lái xe, hứa hẹn sẽ chuyên tâm hơn những lần trước, dì đã rút khoản tiền tiết kiệm cuối cùng để lo chi phí cho Lâm học, thế nhưng cậu không học mà dùng số tiền đó để ăn chơi, cá cược bóng đá.

Sau khi biết số tiền chắt chiu của mình đã bị con trai tiêu xài phung phí, dì Lành suy sụp, trở bệnh nặng, nằm suy kiệt suốt mấy ngày. Dì không còn muốn gặp mặt Lâm. Dì phần nào nhận ra sai lầm của mình khi suốt quãng đời rất dài đã trao đi tình yêu thương không đúng cách, vô điều kiện. Giá như, dì sáng suốt, tỉnh táo hơn trong cách giáo dục, giá như dì nghiêm khắc, biết buông tay Lâm đúng lúc, thì có thể bây giờ, ở tuổi xế chiều dì không phải xót xa vì đứa con vô ơn, bạc bẽo.

Thu Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI