Đứa con trai ích kỷ

03/02/2025 - 19:41

PNO - Chị chỉ có một nguyện cầu, rằng con trai sẽ trưởng thành, biết suy nghĩ, không còn ích kỷ và thương mẹ hơn.

Sau khi ly hôn, chị Thanh ở vậy nuôi con một mình suốt 10 năm. Chị luôn nỗ lực phấn đấu có chỗ đứng trong công việc, được đề bạt ở vị trí quản lý tại một công ty nước ngoài với mức thu nhập lên tới gần trăm triệu đồng/ tháng.

Năm ngoái, con trai duy nhất của chị tốt nghiệp trung học phổ thông và ngỏ ý muốn được mẹ cho du học tại Úc. Thương con, chị cũng ráng sắp xếp. Thông qua một công ty du học, chị ngược xuôi chuẩn bị hồ sơ để chứng minh thu nhập, tìm kiếm trường phù hợp cho con.

Cuối cùng, Sơn - con trai của chị - đã được du học như ý. Còn chị thì từng ngày dõi theo, đặt kỳ vọng mong con ăn học nên người. Lo cho con học hành ở một quốc gia phát triển cũng làm vơi đi mặc cảm của chị đã không giữ cho Sơn được gia đình trọn vẹn.

Chị Thanh mệt mỏi, cô đơn vì con nằng nặc đòi mẹ mua vé máy bay cho mình về hẹn hò Tết cùng bạn gái (ảnh minh hoạ)
Chị mệt mỏi, cô đơn vì con nằng nặc đòi mẹ mua vé máy bay cho mình về hẹn hò tết cùng bạn gái (ảnh minh hoạ)

Ai ngờ, từ khi qua Úc, tháng nào Sơn cũng không kiểm soát được chi tiêu, thường xuyên phát sinh chi phí vào việc đi chơi với bạn bè. Nghĩ con đất khách quê người cô độc. Chị tự nhủ lòng, thôi Sơn kết bạn là tín hiệu tốt, cho thấy con đang hoà nhập rất nhanh với môi trường sống mới. Thế là chị Thanh lại cắn răng chuyển thêm tiền cho con.

Đúng lúc này, con trai bên Úc lại xin tiền để mua vé máy bay về nhà ăn tết. Chị Thanh giải thích với con tài chính gia đình không dư dả, có mình mẹ xoay xở, gồng gánh. Động viên con năm sau hãy về chơi, giờ tập trung lo học hành. Nếu tết ở lại buồn thì con có thể xin việc làm bán thời gian, vừa có thêm tiền chi tiêu, vừa giảm bớt áp lực cho mẹ.

Nghe tới đây, Sơn giãy nảy, bảo rằng phải về Việt Nam ăn tết vì đã hứa với bạn gái như vậy. Và cậu con trai đã tự ý dùng số tiền phòng thân mẹ cho để mua vé máy bay. Chị Thanh ra đón con ở sân bay, thấy Sơn xách nào là túi hiệu, nước hoa, mỹ phẩm. Thế nhưng trong số đó chẳng có món nào là dành cho mẹ cả, tất cả là quà Sơn mua tặng bạn gái.

Chị Thanh toàn tâm toàn ý, chăm chút cho con trai để mong con sau này lớn lên hiếu thảo. Vậy mà cậu con lại quá vô tâm với cảm xúc của mẹ mình (ảnh minh hoạ)
Chị toàn tâm toàn ý chăm chút cho con trai, mong con sau này lớn lên hiếu thảo. Vậy mà khi trưởng thành, con chị lại quá vô tâm với cảm xúc của mẹ. (Ảnh minh hoạ)

Từ hôm về Việt Nam, ngày nào Sơn cũng đi chơi tới 1 - 2 giờ sáng. Đêm giao thừa, cậu đi tới 3 giờ sáng mới về, bỏ mẹ thui thủi bên mâm cơm cuối năm một mình. Sơn tiêu tiền như nước, lấy hết số tiền mẹ cho gửi tiết kiệm để phòng thân khi đi học xa "nướng" vào "tình phí".

Chị đã nhiều lần dặn Sơn đây là tiền cứu mạng, nhỡ xảy ra thiên tai hay bệnh tật, con có tiền trong người để kịp thời ứng biến. Tiền này nhất định không được tiêu xài vào việc khác, chỉ khi thực sự khẩn cấp mới được lấy ra. Vậy mà con chị lại đua đòi bất chấp mẹ ngày đêm vất vả, nai lưng gồng gánh nuôi mình.

Bao lâu nay, chị Thanh sống chỉ biết lao đầu về phía trước, vắt kiệt sức kiếm tiền lo cho Sơn. Chị coi con trai là chỗ dựa tinh thần của mình lúc về già. Thế nhưng, sự thật phũ phàng khiến chị nhận ra rằng, hạnh phúc không phải lúc nào cũng đến từ những điều mình mong đợi.

Tết đến rồi tết đi, để lại nỗi lòng người mẹ nặng trĩu. Chị Thanh chỉ có một nguyện cầu rằng năm mới Sơn sẽ trưởng thành, biết suy nghĩ, không còn ích kỷ và thương mẹ hơn.

Thuý Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI