Chị Hạnh Dung kính mến,
Em có một con gái 19 tuổi, là con riêng của chồng em, hiện đang sống chung nhà. Vì điều kiện công việc, chồng em thường phải đi công tác, mỗi đợt 5-7 ngày mới về.
Con gái trước nay cũng ngoan hiền và không có mâu thuẫn gì trầm trọng với em. Khoảng hơn tháng trước, con xin tiền đóng học phí, nói là có nợ một số môn phải học lại, nên số tiền có tăng, khoảng gần 10 triệu đồng (con gái học đại học tư).
|
Ảnh minh hoạ |
Lúc đó chồng em đang đi vắng, nên em quyết định đưa tiền cho con nộp cho đúng hạn. Rồi em cũng quên luôn chuyện này. Một thời gian sau, chồng em nói mới cho con gái 7 triệu đồng đóng học phí, em chưng hửng. Em cũng không nói gì với chồng, để đợi hỏi lại con gái coi sao.
Đúng như em dự đoán, con bé lợi dụng chuyện ba hay đi công tác xa nhà, ít biết chuyện gia đình, nên đã hỏi xin tiền hai lần của cả hai người, trong khi chỉ phải đóng tiền có một lần.
Em rất bực, bảo với con bé là em sẽ làm ra lẽ chuyện này. Con bé khóc, xin em đừng nói gì với ba và thú thật với em một chuyện động trời: nó phải xin tiền vì cần tiền để… phá thai.
Hỏi ra mới biết, nó với bạn trai đã dính nhau từ lâu, cũng vì chuyện đó mà bỏ bê học hành, nợ môn, giờ lại còn bỏ con. Em rất sốc, không ngờ con bé hiền lành ngoan ngoãn lại dám làm một điều kinh khủng như vậy.
Em không biết có nên nói chuyện này cho chồng em biết không. Liệu khi em nói ra, anh có cho rằng vì em không quan tâm chăm sóc con nên mới đến nông nỗi này không…
Bình An (TP.HCM)
Em Bình An thân mến,
Chuyện này đối với em chỉ là cú sốc, là sự bất ngờ nhưng có thể đối với chồng em, đó lại là một chuyện đau lòng và ân hận ghê gớm. Đàn ông hay có tâm lý ỷ lại, coi như con mình đã có người chăm sóc, mình đỡ phải lo lắng, chỉ phải lo “chạy vòng ngoài” kiếm tiền nuôi gia đình đầy đủ là được. Vì vậy, đến khi biết chuyện, nỗi thất vọng của họ có thể sẽ lớn hơn nhiều so với mình nghĩ đấy, em ạ.
Em nên nói chuyện thật kỹ với con gái, nói chuyện nhiều lần chứ không chỉ một lần, về mối quan hệ của con, về cách con đã “giải quyết” như thế nào, bây giờ con tiếp tục chuyện đó ra sao; liệu có để lại những hậu quả ghê gớm gì nữa mà con chưa lường hết? Một cô bé 19 tuổi chưa thể có kinh nghiệm trong việc giữ gìn sức khỏe sinh sản.
|
Ảnh minh họa |
Em hãy dằn cơn sốc của mình, đừng chỉ trích cháu, hãy đặt mình vào vị trí người mẹ của con, để hướng dẫn cho con cách nào đúng đắn nhất. Số tiền đó có thể là lớn nhưng bây giờ mình cũng không thể khăng khăng lấy lại cho bằng được.
Hãy đặt mục tiêu xa hơn: giữ gìn cho con. Bây giờ con gái vừa trải qua một chuyện đau đớn, chấn động, hãy thương con dù con có lầm lỡ. Vấp ngã thì cũng đã vấp ngã rồi, không thay đổi được lần thất bại này, chỉ là bài học từ lần thất bại ấy phải được rút ra để không lặp lại.
Mặt khác, con gái đã 19 tuổi, dù còn sống chung với cha mẹ nhưng cũng đã đủ tuổi trưởng thành, có thể chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Em hãy đề nghị con tự nói chuyện của mình với cha, không phải ngay lúc này, mà vào lúc nào con cảm thấy phù hợp.
Khi người cha nghe con gái, mọi chuyện sẽ khác đi. Khi chồng em hỏi ý kiến em, em sẽ có cơ hội để nói chuyện với anh ấy về tình yêu, về chọn lựa của mỗi người, con có thể sai lầm nhưng mình không thể mất con vì sai lầm ấy. Lúc đó, Hạnh Dung nghĩ rằng câu chuyện của vợ chồng em sẽ sâu hơn, trong trách nhiệm với con. Chúc em thành công.
Hạnh Dung
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC Ngọc Tuyền (Q.11, TP.HCM): Đã đến lúc thể hiện mình là một người mẹ đúng nghĩa Hẳn con đã có những khoảng thời gian thật đáng sợ khi tự chống chọi một mình. Giờ là lúc chị ra tay chăm con như một người mẹ. Hãy cho con tin rằng chị thương con. Hãy để con được dựa vào mình. Nếu là tôi, tôi sẽ đưa con đi khám lại xem thử có biến chứng gì không, tôi sẽ gặp bác sĩ để biết cách chăm sóc con như thế nào cho đúng, tôi sẽ nấu nướng cho con ăn và tỉ tê nói chuyện với con. Hãy ôm con khi có thể và đừng nhắc lại những gì đã qua, chị nhé! Không phải mình lờ đi mà đây chưa phải lúc để hỏi con những chuyện này. Sau đó, chị nên đưa con đi gặp chuyên gia tư vấn. Bây giờ, việc cần thiết là giúp con lấy lại tinh thần sau những gì đau đớn này. Con cần người thân bên cạnh, một người thật lòng chứ không vì trách nhiệm. Tôi mong chị làm được. Có thể chị khoan nói chuyện với chồng lúc này vì biết đâu con sợ cha quá lại liều. Cần nhất là theo dõi con, gần gũi con để cùng con vượt qua cú sốc lớn này. Kim Huệ (Thuận An, tỉnh Bình Dương): “Chúng ta cùng làm lại…” Tôi cũng có ba cô con gái và đời tôi cũng từng vướng sai lầm. Năm lớp 12, tôi yêu và lỡ có thai với bạn trai. Hoảng sợ, tôi đi phá thai chui và bị nhiễm trùng. Khi tôi trong cơn thập tử nhất sinh đó, cha tôi cầm tay tôi an ủi: “Cố nha con, về mình làm lại”. Lời nói ấy thức tỉnh tôi, cho tôi sức mạnh để tiếp tục hành trình làm người của mình. May mắn, tôi vẫn còn khả năng làm mẹ, vẫn yêu đời và yêu người để được hạnh phúc như hôm nay. Nói dài dòng để bạn hiểu rằng những lúc thế này, con cần cha cần mẹ biết bao nhiêu. Một cái ôm của cha, một cái nắm tay của mẹ có thể giúp con đi qua những thời khắc khó khăn nhất của đời mình. Hãy thương lấy con, bạn nhé! Giờ không phải là lúc trách cứ bạn thiếu trách nhiệm làm mẹ. Thật lòng tôi rất muốn nói câu đó. Lấy người đàn ông đó làm chồng, mặc nhiên bạn phải nhận cho mình trách nhiệm chăm sóc con cái của người ấy. Hãy bàn với chồng. Hãy chìa tay ra với con. Đừng la mắng. Đừng xỉ vả con. Hãy như cha tôi: “Chúng ta cùng làm lại”. |
Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ Thứ 2 tới Thứ 6, trong giờ hành chánh.