Lời cảm ơn của người mẹ già cả đời đau đáu vì con
Đó là lá thư của bà Phạm Thị Nghĩa, 71 tuổi ở Phả Lại, Quảng Ninh. Bà là mẹ của phạm nhân Nguyễn Hoàng Hải, hiện đang cải tạo ở đội 12, phân trại số 1, trại giam Thanh Phong.
Trong lá thư gửi về trại giam Thanh Phong, bà đã bày tỏ lòng cảm ơn đối với cán bộ trại giam bởi cho rằng, chính những người thầy mặc quân phục trong môi trường trại giam này đã dạy cho con bà biết nhớ về cội nguồn. Trong thư, bà Nghĩa trải lòng về hoàn cảnh của mình với những đớn đau, dằn vặt của một người mẹ, vì nghĩ đến tương lai của con đã hy sinh hạnh phúc của chính bản thân mình để cả đời ở vậy, nuôi con khôn lớn.
|
Lá thư của mẹ phạm nhân Hải |
“Kính gửi Ban giám thị trại giam Thanh Phong
Tôi xin tự giới thiệu tên tôi là Phạm Thị Nghĩa, 71 tuổi, là mẹ của phạm nhân Nguyễn Hoàng Hải, hiện đang cải tạo ở đội 12, phân trại số 1, trại giam Thanh Phong.
Thưa các cán bộ! Hôm nay tôi nhận được thư của con tôi gửi về. Đọc xong lá thư, tôi bỗng khóc òa lên như một đứa trẻ bởi lẽ tôi nuôi con tôi trong cảnh góa bụa 39 năm trời, 3 lần cháu đi tù và 14 năm chìm trong nghiện ngập nhưng dù đã gây ra biết bao tội lỗi song chưa một lần cháu cất lời xin lỗi. Mọi ngả đường đến các trại tạm giam và trại giam, không nơi nào là tôi không đặt chân đến. Gần thì đi thăm nhiều, xa thì đi thăm ít và tùy vào điều kiện kinh tế. Như lần này, cháu thụ án mãi trong Thanh Hóa, đường xá xa xôi mà tôi thì mỗi ngày một già yếu nhưng cháu vào đây thì tôi cũng cố gắng vào động viên cháu. Khi nghe cán bộ hỏi tôi: “Bà đi với ai?”, tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong mà nghẹn ngào: “Tôi chỉ có một mình”.
Bà Nghĩa viết tiếp: “Dù đã gây ra biết bao đau khổ cho tôi song chưa một lần con tôi nói một lời xin mẹ tha thứ. Đó là điều mà tôi đau buồn nhất. Cả họ hàng nhà tôi ai cũng nói: “Bà cứ thăm nom nó làm gì. Để cho nó chết đi. Nó còn sống, bà còn khổ”. Tôi cũng biết vậy nhưng chẳng lẽ tôi thua cả một con gà hay sao.
|
Nhận được thư con, bà Nghĩa rưng rưng xúc động (Ảnh minh họa) |
Thưa cán bộ.
Tôi vô cùng cảm kích, tôi vô cùng xúc động về những việc làm và những lời nói của cán bộ đã cảm hóa được con tôi. Trong thư nó viết, con tôi đã nói hết ra những suy nghĩ của mình. Nó bảo từ khi được cán bộ phân tích, giảng giải, nó đã có từng đêm thổn thức không ngủ. Nó nhớ nhà, nhớ về những kỷ niệm về một thời đã qua và nghĩ về người mẹ già khốn khổ của nó…
Thưa cán bộ.
Tôi không có lương hưu, không có bất kỳ một nguồn tài trợ nào ngoài sự lao động bằng chính đôi bàn tay của mình. Nhưng dù thế nào thì tôi cũng vẫn cố gắng để hàng tháng có một chút quà gửi vào cho con, dù không nhiều và sang trọng nhưng với quỹ thời gian còn rất ngắn của mình, tôi vẫn muốn con tôi hiểu rằng cho đến phút cuối của cuộc đời, tôi vẫn cố gắng chăm chút cho con như ngày xưa cháu còn thơ dại.
Thưa cán bộ. Tôi xin cảm ơn chương trình gửi lời xin lỗi vì từ chương trình này mà tôi nhận được lời xin lỗi đã mong đợi rất lâu rồi từ đứa con ngỗ nghịch của mình. Mong sao sẽ có nhiều những mảnh đời lầm lạc nhìn nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống mà thay đổi tư duy để sống cho có ích cho gia đình và xã hội. Và với con tôi, tôi muốn nói với cháu rằng cả đời này tôi luôn yêu thương nó và vẫn hy vọng rằng con mình thay đổi. Mong con cố gắng cải tạo cho tốt để sớm trở về bên mẹ”.
Và hành trình thức tỉnh của đứa con trai ngỗ nghịch
Trung tá Nguyễn Văn Nhung, đội trưởng đội giáo dục trại giam Thanh Phong cho biết cũng rất bất ngờ khi nhận được lá thư đó.
“Tôi gọi Hải lên gặp gỡ, qua trò chuyện mới biết gia cảnh của phạm nhân này rất đáng thương. Anh ta có bố nhưng từ bé đã không được bố chăm sóc, quan tâm. Sống với mẹ, được mẹ nuông chiều quá thành ra đua đòi, hư hỏng”, anh Nhung kể.
Anh Nhung đã tâm sự, gần gũi khiến Hải nói nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn về những suy nghĩ của mình. Điều khiến anh Nhung bất ngờ nhất là khi cuộc phát động gửi lời xin lỗi vừa được triển khai thì chính Hải đã xin gặp anh, đề nghị được viết thư xin lỗi mẹ.
“Hải là một trong số những phạm nhân đầu tiên xin được viết thư gửi lời xin lỗi tới người mà mình cảm thấy có lỗi nhất. Tôi hỏi Hải định viết thư cho ai thì anh ta đáp luôn là viết thư cho mẹ”, anh Nhung kể.
“Hôm đưa thư cho tôi, Hải tỏ ra ngập ngừng, có lẽ vì ngại và xấu hổ. Tôi bảo biết nhận ra sai lầm và chịu sửa chữa là rất đáng hoan nghênh. Tôi sẽ gửi thư ngay để mẹ Hải mừng. Tôi vừa nói xong thì anh ta đã ôm chầm lấy tôi, nói lời cảm ơn”, người đội trưởng giáo dục nhớ lại.
Mai Hạ