Đứa con lạc loài

05/07/2019 - 15:00

PNO - Chợt nghe tiếng khóc trong nhà tắm, chị bung mền chạy vào thì thấy con ngồi bệt trên nền gạch, máu nhỏ giọt dưới sàn. Chị ôm lấy nó rồi hét toáng lên.

Nửa đêm rồi mà chị Nhi vẫn không ngủ được. Ngày mai con chị thi lên cấp III. Chị lo lắng, hồi hộp còn hơn thằng bé, thứ tâm trạng chị chưa từng trải qua với anh Hai của nó. Khác với anh trai và cha mẹ, đều là dân giỏi toán - lý - hóa và theo các ngành kỹ thuật, thằng Huy thường bị cả nhà đùa là “sống trên mây” vì nó cứ lơ ngơ, mơ mộng như… nghệ sĩ.

Dua con lac loai
Ảnh minh họa

Chợt nghe tiếng khóc trong nhà tắm, chị nhận ra tiếng thằng Huy, hốt hoảng, chị bung mền chạy vào thì thấy nó ngồi bệt trên nền gạch, máu nhỏ giọt dưới sàn. Chị ôm lấy nó rồi hét toáng lên. Thằng bé khóc nức nở: “Mẹ ơi, con muốn chết. Con học hoài không vào, mai thi mà giờ trong đầu con không có gì hết! Con là đứa ngu dốt. Con sẽ làm ba mẹ thất vọng. Con sợ mai mốt lớn lên con không tự nuôi được mình, không nuôi được mẹ….”.

Những câu nói rời rạc của nó làm chị Nhi ngỡ ngàng. Lần đầu tiên đứa con trai vốn hồn nhiên, biết vâng lời và hay nhõng nhẽo với cha mẹ, nói ra những suy nghĩ, lo lắng của nó khiến chị bất ngờ.

Khác với câu chuyện những đứa trẻ tự tử hay bỏ nhà đi, lý do thường là không được cha mẹ chăm sóc, dạy dỗ, yêu thương, thì bé Huy vốn là con cưng của cha mẹ nó. Chị Nhi là một tiến sĩ hóa học, anh Dũng là tiến sĩ y khoa. Họ đều từng đi du học ở nước ngoài và ít nhiều danh tiếng trong ngành của mình.

Anh chị có hai con trai. Đức là con cả, hiện đang làm luận văn tiến sĩ ngành công nghệ thông tin tại một đại học danh tiếng của Mỹ. Huy ra đời rất muộn, cách anh Hai đến hơn mười tuổi nên được cả nhà yêu thương, chăm sóc rất kỹ lưỡng. Thế nhưng Huy lại chịu một áp lực khác: cậu thích văn chương, nghệ thuật và khá lãng mạn. Cậu cảm thấy điều này thật khác biệt với cả nhà. Cha mẹ cậu lại không mấy quan tâm đến thiên hướng riêng của con trai. Dù biết Huy thích nghệ thuật, anh chị Nhi cũng không coi đó là quan trọng. 

Cả nhà đều là dân khoa học kỹ thuật, họ nghiễm nhiên cho rằng Huy sẽ phải đi theo ngành kỹ thuật. Họ dự tính sẽ cho Huy sang học trường của anh Hai, khi đó anh Hai đã tốt nghiệp và chắc chắn ở lại làm việc, anh sẽ có nghĩa vụ lo cho Huy học đến tiến sĩ. Bằng những câu chuyện về sự nỗ lực phấn đấu của cha mẹ, của anh Hai, họ luôn tin rằng mình đang động viên con và ở bên cạnh con. Họ không biết rằng họ đang đặt áp lực ngày một lớn lên vai thằng bé.

Trước ngày thi chỉ vài tiếng, nhận ra trong đầu mình chẳng có gì, Huy lo lắng, sợ hãi và cảm thấy có lỗi với cả nhà. Ý nghĩ “mình chỉ là gánh nặng, vô tích sự, không có mình, ba mẹ sẽ hoàn toàn hài lòng với anh hai...” đã khiến Huy tìm cách tự tử. Cũng may thằng bé vốn vụng về, chưa từng phải tự cắt cái gì, dù chỉ là trái chanh, nên nó cứa hoài cái cổ tay mà không đứt. 

Suốt đêm đó, chị Nhi ôm thằng bé, an ủi, động viên nó. Nó vừa khóc vừa nói với chị rằng, nó thích làm họa sĩ, thích viết sách cho thiếu nhi, nhưng mẹ nó thường bảo rằng làm nghệ thuật mà không xuất sắc như ông Y, bà Z thì chỉ có chết thôi. Vậy thì nó sống làm sao được? Nó lo lắng, sợ hãi vô cùng. Nó bảo luôn cảm thấy mình là đứa con lạc loài, thừa thãi trong nhà, là đứa sẽ phản bội lại kỳ vọng của cha mẹ. Nhiều lần nó nghĩ có lẽ mình không ra đời sẽ tốt hơn. Chị Nhi gần như chết lặng khi nghe những điều thằng bé nói.

Có nhiều đứa trẻ giống Huy trên đời này không? Những đứa trẻ được yêu thương và có cha mẹ tử tế, thế nhưng chính chúng vẫn không cảm nhận được tình yêu thương đó. Chúng thường có xu hướng đi theo một con đường khác với truyền thống gia đình, để rồi cảm thấy cô đơn, lạc lõng giữa những người thân yêu ruột thịt của mình. 

Dua con lac loai
Ảnh minh họa

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Linh Trang khẳng định rằng, có rất nhiều đứa trẻ như vậy. Và với chị, điều lạ lùng là những bậc cha mẹ thông thái, có hiểu biết cũng không cảm nhận được điều đó, không chia sẻ, không giúp đỡ được con cái trong những vấn đề đó. Họ tìm đến các nhà tâm lý với câu hỏi hết sức… sai lầm: làm sao giúp đứa trẻ thay đổi? Trong khi chính họ mới là đối tượng cần phải thay đổi. 

Chấp nhận một đứa con khác biệt với cả gia đình là điều không hề dễ dàng. Nhưng làm sao giúp con nhận ra và tin tưởng vào khả năng của mình, trở thành chỗ dựa cho con trên hành trình tìm được bản ngã, khi mà chính cha mẹ cũng vô cùng xa lạ với lộ trình ấy. Điều này thật sự khó khăn. Như vậy, chính cha mẹ chứ không phải ai khác, sẽ là người phải học hỏi, tìm tòi, và thay đổi bản thân mình. 

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI