Đưa con đi lội nước

28/10/2022 - 08:53

PNO - Ngoài công viên, rất nhiều em bé đang lội nước, chơi đùa. Tiếng cười giòn tan của các bé như chiếc thuyền, chở tôi cập bến tuổi thơ.

Tôi sinh ra ở làng, còn chồng tôi là người thành phố. Từ việc ăn uống, nết chơi, tới cách sinh hoạt của con, nếu tôi bên Đông, chồng sẽ bên Tây. Chuyện đưa con đi lội nước ngày lụt cũng vậy, anh phản đối, vạch ra đủ hoạt cảnh: Lỡ con bị sẩy chân, lỡ con dầm nước sẽ bị bệnh, con nghịch ngợm vấy bẩn áo quần…

Cách đây một tuần, sau hai ngày mưa tối trời ở Huế, nước sông dâng lên gây ngập các bờ bãi, làng mạc ven đô, trung tâm thành phố… Nhà tôi, nhờ sống ở khu đất trên một ngọn đồi nên chẳng phải bận tâm chuyện nước ngập vào mùa mưa gió. Chúng tôi đóng cửa, tự cung tự cấp với cơm nóng và những món bánh trái nhà làm. Khi mưa tạnh cũng là lúc nước bắt đầu rút, tôi mặc thêm áo khoác rồi chất hai con lên xe. Sau lưng tôi, tất nhiên là đôi mắt hầm hè của ông xã. 

Hai con tác giả rất thích nghịch nước ở công viên gần nhà
Hai con tác giả rất thích nghịch nước ở công viên gần nhà

 

Theo kinh nghiệm, những đường lớn của thành phố bao giờ cũng cao ráo nhất, tôi chở con chạy một vòng theo trục đường ấy để quan sát tình hình, sau đó mới chạy vào những tuyến hẻm hẹp. Đúng như dự đoán, những con hẻm sâu hun hút, nước chưa thể rút hết. Người ở nhà đầu hẻm ra ngõ ngó nghiêng, chỉ trỏ những nhà cuối hẻm. Người ở dãy nhà cuối muốn ra đường lớn mua mắm muối, rau gạo thì phải xắn quần thật cao mà lội, hoặc nhờ những chiếc ghe nhỏ trung chuyển. 

Được chứng kiến tận mắt làn nước đục ngầu, nghe những âm thanh í ới đầy sống động của cuộc sống bên ngoài, các con tôi liên tục hỏi han.

Cu nhỏ (bốn tuổi): “Mẹ ơi, sao nước ở đây luôn nổi lên những vòng tròn vậy mẹ?”.

Bé lớn (bảy tuổi): “Mẹ ơi, con tưởng chỉ ở quê bà ngoại mới có ghe thôi chứ?”.

Tôi trả lời rồi tiếp tục quay xe chở con ra công viên sát bờ sông. Cảnh tượng trước mắt đông vui không ngờ. Nắng lên nhè nhẹ, dần hong khô những bậc tam cấp dẫn xuống bục xi măng hình bán nguyệt phía dưới. Ở chỗ này, nước vẫn đọng cao hơn gối nhưng rất trong, ánh mặt trời rọi được xuống tận đáy.

Rất nhiều em bé đang lội nước, chơi đùa. Tiếng cười giòn tan của các bé như chiếc thuyền, chở tôi cập bến tuổi thơ.

Sinh ra ở một ngôi làng trung du ngay mé sông, nhà lại đông anh chị em, nên ký ức về mùa lụt trong tôi lúc nào cũng sinh động. Mỗi năm, dễ chừng có đến năm, sáu trận lụt. Bắt đầu tính từ tháng Chín âm lịch, năm nào muộn thì tháng Mười. Người dân quê tôi sống chung với lụt, đến hẹn nước chưa về còn trông ngóng.

Nước lên, chị em chúng tôi sẽ phụ ba mẹ sắp xếp, kê đồ, đưa trâu bò đi gửi chỗ cao. Khi nước rút, không ai bảo ai, mấy đứa lẵng nhẵng bám đuôi nhau, ù té chạy ngay ra con đê hoặc cánh đồng trước nhà để tụ họp với tụi trẻ trong làng. Chúng tôi, đứa áo xanh, áo đỏ bắt đầu bì bõm lội nước. Đứa chơi, đứa tìm chỗ chài cá, đặt lưới, đặt lờ. 

“Cá tôm mùa lụt nhiều “cơ” vì chúng phải bơi nhiều” - tiếng ai đó nói vống lên rồi cả bọn cười ríu ran.

Quả thật như vậy, trong cơn lũ nước xiết, hầu hết tôm cá đã trôi về phía hạ nguồn. Làng tôi ở trung du, đoạn giữa, nên những con nào trụ lại được đều đã phải nỗ lực ngược dòng để tìm nơi cầm cự, ẩn nấp. Ngoài tôm cá, ếch, nhái mùa này sau khi bắt về, mẹ dù rim đường, xào mặn hay kho sả đều rất dai thịt, thơm ngon.

Tôi nhớ kinh nghiệm anh Hai đã bày. Đó là những bí quyết nhà nghề mà anh học được từ ông nội, các bác, hoặc ba tôi. Cánh đồng lúc ấy mênh mông màu nước bạc, anh chỉ cho tôi chỗ bờ mà những “nàng” cá diếc, cá rô hay ngược dòng, ngậm cành cỏ may bơi lên đẻ trứng. Anh chỉ vào luồng nước xoáy theo hình trôn ốc cuồn cuộn rồi bảo tuyệt đối không được bén mảng đến chỗ này. Đó là những “lỗ đen” nước ngập sâu, đáy hun hút nên sẽ cuốn hết mọi thứ lọt vào.

Một mùa mưa gió nữa lại về, những đứa trẻ lội lụt ngày xưa đều đã thành người lớn. Miền Trung bây giờ nông thôn cũng như thành thị, chỉ cần vài trận mưa lớn là phố thành sông. Tôi dẫn các con đi lội lụt một phần cũng để các con nhìn thấy, cảm nhận để hiểu thêm những hình thái thời tiết.

Tôi cùng con ngắm mây trời, sông nước, giải thích cho con nghe về sự vất vả của người dân mỗi tiết nước lên mỗi mùa nước xuống. Tôi nói với con: “Chúng ta cần yêu quý, trân trọng, sống hòa hợp với thiên nhiên đúng cách”.

Nếu một ngày ngọn đồi chỗ nhà tôi cũng lụt, con tôi phải có đủ kỹ năng để phán đoán ra đâu là luồng nước lành, đâu là luồng nước dữ… 

Diệu Thông

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI