Đứa con của khu phố

30/10/2017 - 09:20

PNO - Hồi chị mới về khu phố 3, phường 11, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh nhận công tác, biết cảnh sát khu vực là nữ và còn quá trẻ, nhiều đối tượng hình sự tỏ thái độ 'bơ' ngay

Dua con  cua  khu pho
Thân thiện, hòa đồng, nhiệt huyết, Thu Hồng luôn được bà con trong khu phố tin yêu

Mấy lần gọi điện thoại cho trung úy Nguyễn Thị Thu Hồng (sinh năm 1990), tôi đều nghe tiếng cười nói rôm rả ở đầu dây bên kia, rồi nghe chị bảo đang ngồi với “bố”, hoặc đang đứng trong hẻm “soi” camera an ninh cùng người dân. 

“Bố” mà chị thường cùng ngồi uống cà phê, ăn sáng là ông Q. - người từng bị kết án hai năm tù treo, một năm thử thách vì tội đánh bạc. Hồi đầu, lần nào Thu Hồng gửi giấy mời lên công an  phường làm việc, ông Q. cũng “bơ”.

Bữa ấy, chị chạy xuống nhà tìm, vợ ông chỉ “con ra quán cà phê đó, coi có ổng không”. Vừa thấy nữ cảnh sát khu vực (CSKV), ông Q. nói như phân bua: “Tao mới cãi nhau với bả. Ăn sáng với bố không con?”. Chị gật đầu. Bên bàn ăn, người đàn ông tóc hoa râm bắt đầu chia sẻ với Thu Hồng cái sự “rảnh quá hóa ngứa tay chân” của mình.

Qua nhiều cuộc chuyện trò như vậy, chị nhận ra rằng, do tuổi đã cao, không phải bận lòng về kinh tế nên ông Q. đâm ra bài bạc, chứ ông vốn không ham trò đỏ đen.

Vậy là, Thu Hồng thủ thỉ như đứa con gái nói với cha: “Bố thử đi tập thể dục, đưa đón cháu đến lớp, gặp gỡ bạn bè, sẽ thấy cuộc sống khác hẳn”. Từ đó, sáng sáng, người dân khu phố 3 lại thấy ông Q. tập dưỡng sinh, chở các cháu đi học. Vợ chồng ông cũng không còn gây gổ nhau như xưa, ngược lại, luôn cười nói vui vẻ với nhau và với xóm làng. 

Thu Hồng có dáng người mảnh khảnh, cao ráo, nói năng nhỏ nhẹ nhưng “câu nào chắc câu đó”. Ông Nguyễn Văn Ngân - Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc khu phố 3, P.11, Q.Gò Vấp - quả quyết vậy.

Cách đây sáu năm, vừa tốt nghiệp Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân II (nay là Trường cao đẳng Cảnh sát nhân dân II), Thu Hồng được phân công làm CSKV P.11, Q.Gò Vấp phụ trách khu phố 3. Một số đối tượng mới thụ án về địa phương được chị mời làm việc hoặc tới nhà thăm hỏi là tỏ ngay thái độ không hợp tác vì “nó nhỏ hơn mình mà ngán gì”. Hỏi, lúc đó chị xử trí sao, Thu Hồng cười hiền: “Cũng không có bí quyết gì to tát đâu, mình chỉ tự nhủ phải nghiêm túc lắng nghe, đặt quyền lợi, ý kiến của dân lên trên hết”. 

Cùng với chính quyền địa phương, Thu Hồng đã đứng ra làm cầu nối hoặc bảo lãnh, giới thiệu cho chín đối tượng hình sự có công việc với thu nhập khá ổn định. Như trường hợp anh A., có hai tiền án về tội cướp giật, mẹ anh không biết nên làm gì, dù rất lo A. sẽ tụ tập cùng bạn bè xấu. Thu Hồng thì rất “lì”, hôm nay A. không chịu mở lòng tâm sự, hôm sau chị lại tới. Cuối cùng, A. cũng bộc bạch chuyện mình. Cha mẹ ly hôn, bản thân sống với mẹ nhưng vì bà mải lo làm ăn, không quan tâm đến con nên A. mới nổi loạn bằng cách… đi cướp.

Chấp hành án xong, về nhà, không có việc làm, A. thấy buồn chán. Lắng nghe và quan sát, Thu Hồng cảm nhận ở người thanh niên này cái “máu” kinh doanh. Chị đã gặp riêng mẹ A. để chia sẻ những điều mình nghĩ, khuyến khích bà hỗ trợ con trai làm ăn. Được lời như cởi tấm lòng, lại sẵn có điều kiện, mẹ A. đầu tư cho con trai bán hàng xách tay. Nhờ đó, tình cảm mẹ con được cải thiện, A. cũng hòa đồng, thân thiện hẳn. 

Năm 2014, Thu Hồng đề xuất lắp camera quan sát trong khu phố nhằm đảm bảo an ninh trật tự. Cư dân trong khu phố đa phần là công chức, viên chức, người buôn bán nhỏ nên phải 18 - 19g hoặc sau 22g, chị mới đến từng nhà vận động kinh phí được.

Tính đến nay, các tuyến đường, tuyến hẻm trong khu phố đã có tổng cộng 14 camera an ninh. Thu Hồng cũng nhờ kỹ thuật viên hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm xem clip từ camera qua điện thoại di động để khi đi du lịch, đi công tác xa, vẫn quan sát được hình ảnh quanh nhà mình. Thu Hồng cho biết, cuối tháng 10 này, chị sẽ tổ chức một buổi gặp mặt, tiếp tục vận động người dân  đóng gióp kinh phí lắp thêm camera ở hai tuyến hẻm. 

Hôm tôi ghé nhà trung úy Hồng, đồng hồ đã chỉ hơn 20g. Chị xoay như chong chóng bên hai con nhỏ, bé lớn ba tuổi, bé sau một tuổi. Hai vợ chồng đều làm CSKV; nhiều đêm chị xuống nhà dân, anh đi họp, bà nội phải tới chăm cháu giúp. Cường độ làm việc khá “căng”, nhưng Thu Hồng hay cười và rất điềm tĩnh. 

Ngoài vận động lắp camera, chị còn tham gia tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm lòng lề đường. Thông qua hình thức vận động “giao nộp vũ khí, nhận quà”, chỉ trong hai năm 2016 - 2017, chị vận động được gần 15 lượt người giao nộp đạn, mã tấu, dao găm... 

Từ chỗ tặc lưỡi “liệu có làm nên cơm cháo gì không đây”, giờ người dân khu phố 3 đã yêu quý và xem Thu Hồng như đứa con của khu phố. Bà Hoàng Thị Thanh Hương, ngụ tại tổ dân phố 16, khu phố 3, phấn khởi: “Tôi thích phong cách làm việc thân thiện, hòa đồng và nhiệt huyết của Thu Hồng. Cô ấy đã tạo được niềm tin và sự gắn kết giữa CSKV với dân, giữa người dân với nhau”. 

Sáu năm qua, khu phố 3 luôn được công nhận “Khu phố văn hóa”, “Khu phố không có tội phạm ẩn náu”, cũng không xảy ra phạm pháp hình sự hay trộm cắp. Trung úy Hồng đóng góp rất nhiều vào thành quả này. Cô ấy trẻ, xông xáo, đầy trách nhiệm, nói câu nào chắc câu đó, nói được làm được. Chúng tôi rất tin tưởng và quý mến nữ CSKV của mình. 

Ông - Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc khu phố 3, P.11, Q.Gò Vấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI