Đứa con của đất

09/03/2015 - 06:44

PNO - PN - Khu miếu linh thiêng, nằm ngay lối vào làng. Hồi nhỏ, mỗi ngày bao bận đi ngang, nhưng Nguyên không dám nhìn vào, vì sợ. Vậy mà đêm ấy, từ cái cây đa lặng lẽ, sum sê đến ngôi miếu nghi ngút khói - đều gần gũi lạ kỳ. Đó là...

edf40wrjww2tblPage:Content

Dua con cua dat

Toàn cảnh công viên đất nung

“Sống chết chi cũng nhờ vào cục đất”

Nguyên nói: “Làng gốm tồn tại mấy trăm năm, khu đất vẫn được người làng để trống như dành phần cho con cháu, cho đến ngày động thổ xây dựng công viên đất nung”. Cụ thể hơn là 500 năm; từ thế kỷ XV, làng gốm Thanh Hà đã là điểm dừng chân của người mê gốm gia dụng từ thập phương. Cuối thế kỷ XX, hàng nhôm nhựa lan tràn. Để kiếm sống, hầu hết dân làng chuyển sang làm gạch. Mùa nắng, gạch mới ra khuôn phơi khắp lối vào làng. Sự trong lành của cái làng bé xíu bên sông Thu bị đe dọa với hàng chục lò gạch quanh năm tỏa khói, sân phơi trụi cỏ; người dân lại lần lượt đập lò, bỏ nghề gạch. Chỉ còn lại rải rác dăm hộ làm gốm; làng nghề từng nhộn nhịp, đông đúc dần chuyển sang làm du lịch, sản phẩm cũng bán chủ yếu cho du khách. Gia đình Nguyên khi ấy cũng chẳng còn theo nghề gốm: ba làm thợ mộc, mẹ bán chè, năm đứa con lần lượt vào Sài Gòn học đại học. Nghề gia truyền chỉ truyền đến đời ông bà, rồi ngưng.

Thế nhưng, “dân ở đây, sống chết chi cũng nhờ vào cục đất”. Bởi thế mà 20 năm từ ngày rời làng để vào Sài Gòn học kiến trúc, an cư lạc nghiệp, rồi thành đạt với vai trò Giám đốc Công ty Nhà Việt Corp; “cục đất” ở Thanh Hà vẫn ám ảnh người trai làng Nguyễn Văn Nguyên.

Dua con cua dat

Nguyên kể, tuổi thơ của anh là những ngày ù té chạy sang nội sau giờ tan học, chạy biến vào trong trại làm gốm, tha hồ nhào nặn nào thành quách, nào xe cộ. Những sản phẩm tùy hứng của Nguyên được thợ gốm lành nghề là bà nội nâng niu như những tác phẩm, rồi cẩn thận đem nung. Ngồi ngắm bộ sưu tập đồ chơi bằng đất nung, hay đi bộ trên các con đường lát gạch trong làng, lén sờ tay vào mấy mẻ tò he, bùng binh, lò than, siêu thuốc bắc... phơi dọc vệ đường đều là những ký ức sinh động, thanh bình. Vào đại học, Nguyên “hồi hương” bằng những lần tìm tòi vẽ gốm, làm tượng gốm. Anh lần lượt “mang” những thiết kế liên quan tới gốm lên báo, lên truyền hình với những cái tên “Ngôi nhà với vật liệu gốm”, “Ngôi nhà với nhịp điệu của gốm”. Và năm 2011, anh mang nỗi ám ảnh, niềm ưu tư ấy về làng.

Hỏi về những kỳ vọng đối với một dự án tốn hàng năm trời kỳ công, tỉ mỉ, Nguyên chỉ cười: “Gìn giữ những nét đẹp, kích thích hoạt động của làng nghề là giấc mơ chung của những người con Thanh Hà. Công viên đất nung sẽ là nơi chúng tôi thực hiện giấc mơ đó”.

Dua con cua dat

Mỗi chi tiết nhỏ trong công viên đều là một tác phẩm

“Có hàng trăm lý do để bỏ làng”

Hôm con trai về nhà “thuyết minh” với riêng mình về dự án này, chính là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm cha của ông Nguyễn Văn Vân. Nghĩ tới cái nghề thợ mộc và gánh chè con con mà vợ chồng mình miệt mài cả đời để kiếm sống, so với hàng chục tỷ đồng mà con trai sắp đầu tư vào “đứa con tinh thần của làng”, ông cũng... giật mình. Nhưng, “tiền của nào có thể khiến mình có thể ngẩng đầu trước gia tiên?”. Trong đại hội của Hội Khuyến học phường Thanh Hà, người cha này đã tự hào phát biểu: “Ai cũng có một ngôi làng của riêng mình, và hàng trăm lý do để rời bỏ, ra đi. Những đứa con của gia đình đã ra đi nhưng nhất định không quên cội nguồn. Rồi sẽ trở về gìn giữ hồn cha ông…”.

Nhưng, diện tích 5.537m2, gồm khu bảo tàng, khu trưng bày ngoài trời, khu làng nghề Nam Diêu và khu trại sáng tác cùng viễn cảnh của một không gian văn hóa đất nung; nơi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, sinh hoạt làng nghề - giấc mơ đã lặng lẽ tượng hình trong Nguyên 20 năm trời vẫn còn xa vời, “không tưởng” trong lòng nhiều người.

Dua con cua dat

Năm 2011, mang dự án đã được thiết kế chi tiết về Hội An để xin giấy phép, Nguyên gặp nhiều ý kiến phản đối. Dự án quá lớn so với làng nghề, tiềm năng của dự án quá thấp so với sự đầu tư cùng các nguy cơ phá vỡ cảnh quan, nét thanh bình được gìn giữ ở Thanh Hà là lý do của những “phiếu chống”. Nhưng, điều khiến Nguyên trăn trở hơn cả, là sự bất an của những người thợ gốm. Họ sợ rằng một công viên bề thế được xây lên sẽ “hút” hết khách của các hộ dân.

“Đứng giữa những nghi hoặc của người làng, anh có nản lòng không?”, Nguyên lắc đầu: “Nhiệm vụ của mình lúc ấy là phải làm sao cho dân làng tin”.

Hôm trình thông qua dự án lần cuối, Nguyên đã cạn lòng về những hoài bão, kỳ vọng ấp ủ bao nhiêu năm. Lời vừa dứt, cả hội đồng xôn xao. Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy TP. Hội An xúc động: “Không cần định nghĩa là công viên hay bảo tàng, nhưng công trình này phải lưu giữ truyền thống và tiếp nhận những nền văn hóa đất nung ở các vùng miền, là điểm kết nối du lịch, là nơi cho trẻ em nuôi dưỡng đam mê với nghề gốm. Chúng ta phải cùng quyết tâm làm, làm cho bằng được!”.

Dua con cua dat

Nghệ nhân Lê Quốc Hưng đang sáng tác

Của con, của làng, của người yêu đất nung

Ông Đông, người từng tỏ ra nghi ngại về tính khả thi của dự án, trở thành người nhiệt tình, hăng hái nhất trong mọi sự kiện của công trình. Ngày động thổ, ông cùng các già làng tề tựu đông đủ, cùng trưởng xóm đến khấn xin ở đình thờ tổ nghề Thanh Chiếm, rồi rước nhang về miếu Nam Diêu, hoàn tất các nghi thức tâm linh để Nguyên thay mặt cả làng vỡ đất, dựng công viên. Ngày khánh thành, các già làng lại lần nữa náo nức đến góp mặt cùng cháu con, ấn vân tay vào logo của công viên làm kỷ niệm.

Trong tất cả những sự kiện ấy, có vị nhân chứng trải nghề, ngày nào cũng chống gậy ra xem, rồi móm mém cười, gật gù vì đứa cháu nội biết cội biết nguồn. Và, có người đốc công già tận tụy, lặng lẽ lo liệu từng việc nhỏ nhặt, rồi bất ngờ rớt nước mắt khi được con trai mời lên cắt băng khánh thành công viên đất nung. Suốt gần bốn năm xây dựng, ngày nào ông Vân cũng có mặt ở công trình. Ngày ngồi cùng các nghệ sĩ điêu khắc Hội Mỹ thuật TP.HCM về tham dự triển lãm “Giai điệu gốm Thanh Hà”, ông cụ đưa mắt nhìn khắp “giang sơn” vừa cất xong, cười sảng khoái: “Ngày nào tôi cũng ra, cũng chăm; mà tới lúc hoàn thành rồi cũng "hết hồn" vì vẻ đẹp của nó”.

Dua con cua dat

Anh Nguyên (áo đen) trong hội thảo “Cuộc sống như một tác phẩm nghệ thuật” (Life as a artwork) do Công viên đất nung Thanh Hà phối hợp với các chuyên gia Hà Lan tổ chức

Dắt tôi đi qua từng khoảng không gian rộng lớn mà tỉ mỉ của công trình đang dần hoàn thiện, nghệ nhân Lê Quốc Hưng - một người con của Thanh Hà tâm sự: “Mọi thiết kế của công viên đều mang dáng dấp, màu sắc của làng gốm Thanh Hà”. Công viên lấy hình ảnh bàn chuốc (hình tròn xoay) làm biểu tượng trung tâm, hai khối chính của công trình (bảo tàng và nhà trưng bày) được cách điệu từ hình ảnh của lò úp và lò ngửa, biểu tượng cho âm dương trong văn hóa phương Đông. Những năm ấp ủ dự án, Nguyên đã đi hơn 20 nước, đến các bảo tàng để nghiên cứu, rồi bắt tay thiết kế từng chi tiết cho công trình riêng của Thanh Hà.

Dự kiến tháng 4/2015 sẽ mở cửa đón khách tham quan, thành công của Công viên văn hóa đất nung Thanh Hà vẫn là câu chuyện của ngày mai, nhưng chỉ một buổi chiều trầm ngâm đứng trước từng tác phẩm của nơi này, với những tỉ mẩn đắp xây, giũa gọt, sắp xếp; tôi thấy mình có quyền tin rằng, "trai làng" Nguyễn Văn Nguyên đã chạm đến giấc mộng - với rất nhiều đắm say.

 MINH TRÂM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI