Nước mắt hối hận của người con bất hiếu
Tội đồ
Tháng Ba, trời dịu, nhưng không gian phòng xử án Tòa phúc thẩm tối cao hôm ấy mỗi lúc một ngột ngạt. Nước mắt nối đuôi nhau chảy trên gương mặt của hai bị cáo, một người tên Nguyễn Thị Kim Ngân (SN 1995), người còn lại là Đặng Văn Út (SN 1982, tỉnh Vĩnh Long). Từ chỗ đứng của mình, nhiều lần họ cố quay mặt về sau, nước mắt thay lời hối lỗi với gia đình. Bên dưới, thân nhân của họ, đáp trả bằng ánh nhìn đau đáu, mắt ai cũng đỏ hoe...
Ngân sinh ra trong gia đình nghèo ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Cha đi biển, mẹ làm nông. Khổ thế nào cha mẹ cũng ráng nuôi Ngân ăn học, nhưng xong lớp 6, cô bỏ học, tập tành theo đám bạn ăn chơi. 15 tuổi, Ngân bỏ nhà lên TP.HCM tìm việc. Cô nhanh chóng nảy sinh tình cảm với Út. Họ dọn về chung sống như vợ chồng. Đều không nghề nghiệp ổn định, Út lại nghiện ngập nên khi biết mình có thai, Ngân rủ Út về quê xin mẹ tá túc.
Thương con, mẹ Ngân khuyên Út nên đi tìm việc làm. Thế nhưng, không muốn rời xa nhau, nhân lúc cha đi biển, để ý thấy mẹ có đeo sợi dây chuyền, đôi tình nhân nảy lòng tham, tìm cách chiếm đoạt để cùng bỏ đi. Nghĩ vậy, Ngân đọc cho Út viết lá thư, nói, vì khổ quá, mượn tạm mẹ số vàng xoay xở, khi nào ổn sẽ gửi trả sau. Chiều 14/8/2012, con gái nghiền thuốc ngủ bỏ vào tô lá sâm cho mẹ đi làm đồng về uống. Tối, nghĩ bà đã ngấm thuốc ngủ quên, cả hai đến tháo sợi dây chuyền, bất ngờ mẹ Ngân tỉnh dậy. Sợ lộ, Út bóp cổ, nhét giẻ vào miệng và đánh nạn nhân đến ngất xỉu. Phần Ngân, cô lấy quần áo chuẩn bị trước đó trói mẹ lại. Họ khiêng bà xuống đất rồi cột chân vào giường để không thể chống cự. Tháo cướp tài sản xong, cả hai bỏ trốn, sáng hôm sau, khi mọi người phát hiện thì người mẹ đã tử vong.
TAND tỉnh Bến Tre tuyên phạt Út mức án tử hình, Ngân tổng cộng 18 năm tù giam - hình phạt cao nhất dành cho người chưa thành niên (trong đó 18 năm tội giết người, 5 năm tội cướp tài sản). Cả hai kháng án, đại diện của nạn nhân cũng viết đơn xin giảm nhẹ cho các con.
Bị cáo Ngân (đứng) và Út tại phòng xử phúc thẩm
Nước mắt
“Con không cố ý giết mẹ, không muốn mẹ chết” - hai bị cáo đồng thanh trả lời khi tòa hỏi vì sao lại nhẫn tâm giết chết người đã sinh ra mình, lo lắng, dưỡng nuôi. “Bị cáo phận làm con, đã làm gì hiếu thảo với cha mẹ chưa? Không muốn mẹ chết, tại sao không gọi người thân đến cứu giúp?” - tòa chất vấn. Út cúi đầu nức nở, Ngân nhắm chặt mắt, tràn những dòng lệ ăn năn. Phòng xử thinh lặng trước câu hỏi của chủ tọa. Khuya ấy, sau khi tháo cướp sợi dây chuyền của mẹ, để mặc nạn nhân trong tình trạng tay chân bị trói, miệng nhét đầy vải, Út và Ngân vội vã bỏ trốn. Lúc thuê đò sang sông, do không có tiền, Ngân đã gán chiếc điện thoại cho người lái đò và hẹn sáng mai mẹ mình đến chuộc lại. Ngân tin bà còn sống.
Từ hàng ghế dự khán, trên băng ghế đầu, ba người đàn ông mặt sạm đen, vẻ khắc khổ ngồi sát bên nhau, nín lặng, buồn rầu dõi theo phiên xử. Hai trong số họ là cha và ông nội của Ngân. Người còn lại là cha của Út. Cha Ngân, đại diện của nạn nhân - vợ mình, đứng lên xin tòa giảm án cho con, cho cả Út: “Tuổi trẻ, cạn nghĩ, dại dột, xin tòa thương tình mà giảm án. Tụi nó còn con nhỏ. Chuyện cũng đã rồi…”. Út quay nhìn về phía ông, bất ngờ khoanh vòng tay trước ngực, nghẹn giọng: “Cho con được xin lỗi gia đình. Con rất ân hận vì đã gây ra cái chết của mẹ. Nếu có cơ hội trở về, con xin hứa sẽ cố gắng sống tốt để nuôi dạy con con nên người”. Ngân òa khóc sau câu nói của người tình. Nhưng giờ đây, nước mắt nào gỡ được tội lỗi họ đã gây ra? Bị bắt khi kỳ thai đã ở tháng thứ bảy, đứa trẻ, con Ngân phải ra đời giữa hoàn cảnh lao tù. Bị cáo đã mang nặng đẻ đau, đã trở thành một người mẹ, phần nào đã thấu hiểu tình mẫu tử thiêng liêng…
Hội đồng xét xử tuyên bác kháng cáo của Út, giữ nguyên mức án cao nhất. Phần Ngân được tòa chấp nhận giảm một năm tù giam tội giết người, nhưng tổng hợp với mức án 5 năm tội cướp tài sản, hình phạt chung vẫn là 18 năm tù giam. Nghe tuyên án, đôi phạm nhân òa khóc, chân đứng không vững phải nhờ đến sự dìu đỡ của cảnh vệ. Ba người đàn ông nơi băng ghế đầu cũng nước mắt lăn dài, một người bưng mặt khóc. Không còn nữa dáng vẻ lo lắng, đôi chân bồn chồn nhưng cũng đầy hy vọng bước trên những bậc tam cấp dẫn lên phòng xử án khi đến với phiên tòa, giờ đây, bàn chân họ như có nỗi đau trì kéo, bỗng nặng hơn. Họ thẫn thờ, liêu xiêu lê bước, một trong ba người chợt mấp môi: “Liệu thằng Út xin Chủ tịch nước cho giảm án, có được không?”. Tháng Ba, nắng dịu, nhưng lòng người se sắt…
Tuyết Dân
Con giết mẹ, bản án nào cho vừa? Tính chất vụ án này thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi phạm tội của các bị cáo rơi vào khoản 1, điều 93 Bộ luật Hình sự, quy định mức phạt từ 12 đến 20 năm tù giam, tù chung thân hoặc tử hình. Đối với bị cáo Đặng Văn Út, tội danh được chiếu theo điểm g: “giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác” - ở đây là tội cướp tài sản với tình tiết định khung “sử dụng thủ đoạn nguy hiểm”. Hành vi của bị cáo quá tàn độc, nhẫn tâm, không còn có thể cải tạo nên hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt mức án cao nhất: tử hình. Riêng bị cáo Nguyễn Thị Kim Ngân, tội danh được chiếu vào điểm đ với tình tiết định khung: giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng… Tuy nhiên, về nguyên tắc xử lý, đối với người chưa thành niên, theo khoản 5 điều 69 Bộ luật Hình sự sẽ “không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên (người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) phạm tội”. Bị cáo Nguyễn Thị Kim Ngân chưa đủ 18 tuổi nên dù đã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng vẫn chỉ nhận mức phạt có thời hạn, mức cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù giam. Hai bị cáo đều nhận lãnh mức phạt cao nhất của pháp luật, song, tôi nghĩ rằng đối với họ, phận làm con, không có bản án nào khắc nghiệt hơn bản án của lương tâm khi ra tay tước đoạt sinh mạng của người sinh thành, dưỡng dục và cưu mang mình, bất chấp mọi lý do. Trong các đạo làm người, hiếu hạnh được xã hội coi trọng và tôn vinh nhất. Điều đó giải thích vì sao tội bất hiếu bị lên án, dèm pha nhiều nhất. Những năm trở lại đây, các vụ án gia đình ngày càng gia tăng, cho thấy giá trị đạo đức, mối quan hệ tình thâm trở nên mong manh. Gia đình là cái nôi của tình thương, sự hy sinh, gắn bó đang mất dần tính bền vững, một phần do lớp trẻ khó làm chủ bản thân trước xu thế phát triển của xã hội với sức cám dỗ mãnh liệt của các giá trị vật chất, lười lao động nhưng lại muốn có tiền. Song phần lớn, lầm lỗi của con có gốc rễ từ sự buông thả trong cách dạy dỗ con của phụ huynh. Bị cáo Ngân “vượt thoát” khỏi cánh cửa gia đình quá sớm, thiếu hẳn sự quan tâm, định hướng của người lớn dẫn đến chưa trang bị đủ đầy kiến thức, bản lĩnh để có những quyết định đúng đắn cho cuộc đời. Mong rằng vụ việc sẽ là bài học giúp các bậc phụ huynh ý thức hơn để răn dạy con cái nên người. Luật sư Nguyễn Văn Hưng (Văn phòng Luật sư Hưng Tú) |