Đưa cổ tích vào nghệ thuật dễ mà khó!

24/11/2016 - 09:35

PNO - Khi kịch bản hay khan hiếm, truyện cổ tích là một nguồn tốt để các biên kịch khai thác. Nhưng thực tế, việc đào xới trên vỉa quặng này vẫn chưa đem lại nhiều thành công.

Trước đây, các tác phẩm nghệ thuật được thực hiện dựa theo các câu chuyện cổ tích thường nhắm đến đối tượng khán giả thiếu nhi. Nhưng giờ đây, xuất hiện nhiều tác phẩm dựa trên nền cổ tích dành cho khán giả người lớn.

Chỉ riêng truyện Tấm Cám thì ngoài phim Tấm Cám: chuyện chưa kể, có ba vở kịch dựa theo gồm: Tấm Cám của sân khấu IDECAF, nhạc kịch Tấm Cám của đoàn kịch Buff alo, Tấm và hoàng hậu của sân khấu Hồng Hạc. Chưa kể phiên bản nhạc kịch dựa theo truyện cổ này trong chương trình của nhạc sĩ Lê Minh Sơn tối 18/11.

Khi kịch bản hay khan hiếm, truyện cổ tích là một nguồn tốt để các biên kịch khai thác. Nhưng thực tế, việc đào xới trên vỉa quặng này vẫn chưa đem lại nhiều thành công. Ngoài ấn tượng về doanh thu của phiên bản Tấm Cám ở sân khấu IDECAF và bộ phim Tấm Cám: chuyện chưa kể, thì những câu chuyện cổ tích được kể lại đều chưa để lại nhiều ấn tượng cho người xem.

Dua co tich vao nghe thuat de ma kho!
Các phiên bản phim ảnh và sân khấu của câu chuyện Tấm Cám

Sức hút của Tấm Cám ở IDECAF hoàn toàn phụ thuộc vào lối diễn xuất đầy ngẫu hứng và sự phối hợp ăn ý của bộ đôi NSƯT Thành Lộc - NSƯT Hữu Châu trong vai mẹ con nhà Cám. Rất nhiều khán giả xem vở này đến năm-sáu lần với cùng lý do: đến xem mẹ con Cám.

Đạt doanh thu ngoài mong đợi, nhưng phim Tấm Cám: chuyện chưa kể gây tranh cãi về chuyện “chế biến” cổ tích. Nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương dựa theo truyện cổ tích Từ Thức gặp tiên, được xem như một chương trình ghép nối các ca khúc hơn là một vở nhạc kịch theo phong cách Broadway như giới thiệu. Phim Cuộc chiến với chằn tinh, nhạc kịch Tấm Cám của Buffalo, vở Tấm và hoàng hậu của Hồng Hạc không thành công do cách kể của đạo diễn và diễn xuất của diễn viên…

Biên kịch Vương Huyền Cơ cho rằng: “Điều quan trọng nhất là mục đích, thông điệp muốn gửi gắm khi kể lại câu chuyện cổ tích quen thuộc. Làm mới chuyện cổ tích hoàn toàn được ủng hộ, nhưng phải làm sao cho đẹp hơn, lãng mạn, bay bổng hơn, nhân văn hơn, hoặc đặt được một góc nhìn mới lạ cho một câu chuyện, sự kiện đã cũ. Thay đổi một góc nhìn, cách nghĩ, kết luận của một thời đã qua để tìm được điều mới lạ là điều luôn được khuyến khích trong sáng tạo nghệ thuật”.

Nhưng theo nhà biên kịch này, dù đặt góc nhìn nào, vẫn phải chuyển tải được linh hồn của câu chuyện nguyên bản, không làm méo mó hình tượng gốc: “Trong vài trường hợp, có thể thay đổi tính cách, hình tượng nguyên bản, nhưng để làm được điều này, tác giả cần có bút lực đủ mạnh để thuyết phục khán giả chấp nhận và tin vào sự thay đổi. Đây là điều không đơn giản”.

Đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng: “Một số tác giả, đạo diễn có thể đã nhìn câu chuyện cổ tích bằng góc nhìn mới, nhưng có vẻ vẫn chưa đủ sức thuyết phục công chúng. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta có đủ sức để đầu tư quy mô hơn, nhưng đây lại không phải là yếu tố quyết định thành công của tác phẩm nghệ thuật. Một tác phẩm không thể hấp dẫn chỉ bằng tư duy và góc nhìn mới của tác giả. Khán giả luôn đòi hỏi sự hấp dẫn ở tổng thể tác phẩm.

Ở các nước, có nhiều tác phẩm nghệ thuật không thay đổi so với câu chuyện gốc, nhưng họ vẫn có những cách kể thú vị, hấp dẫn, chinh phục người xem. Dù có điều kiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại đến đâu, khả năng tài chính mạnh cỡ nào thì tài năng và “tầm” của ê kíp sáng tạo vẫn là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành công hay thất bại của tác phẩm”.

Thảo Vân - Hạnh Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI