Đưa cháu đi học

30/08/2024 - 10:32

PNO - Nắm tay 2 thằng cháu dẫn vào lớp học, trong ông lại ngân vang những câu văn đã nằm lòng: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh..."

Sáng nay, ông dậy sớm hơn ngày thường. Nấu một ấm nước nóng rồi châm bình trà, ông bồi hồi nhấp ngụm trà trong sương sớm. Căn nhà nhỏ có cái ban công nhìn ra sân trường tiểu học. Sáng nào ông cũng ngồi đây, phóng tầm mắt về nơi bọn trẻ rộn ràng tiếng nói cười.

Từ ngày về hưu, ông nhớ trò, nhớ lớp, nhớ những bài giảng mà ông từng tâm huyết, say sưa. “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”. Từng dòng viết của nhà văn Thanh Tịnh bỗng đâu ùa về trong tâm trí. Trường ông dạy là ngôi trường tiểu học nghèo ở tỉnh lẻ, đương nhiên không thuộc tốp đầu những trường quy tụ trò ngoan, giỏi, mà chỉ tập trung đa số là học trò nghèo, ba mẹ vất vả kiếm ăn nên không có thì giờ quan tâm chuyện học của con.

Học trò của ông là những đứa trẻ tay chân đen nhẻm, mái đầu khét nắng, chửi thề nói tục như hát; sách thì thiếu thốn, tập vở quăn queo, học thì lười, chỉ tụ tập đánh nhau là giỏi. Ngày ông mới về trường, tụi nhỏ còn dám trét trái mắt mèo lên bàn giáo viên để… bẫy thầy giáo trẻ.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ngoài giờ lên lớp, ngày đó ông còn dành hết thời gian rảnh rỗi để đến từng nhà, gặp ba mẹ tụi nhỏ tìm hiểu hoàn cảnh, gom những đứa học quá yếu về khu tập thể để dạy kèm, nhín từng đồng lương giáo viên ít ỏi để mua thêm tập vở, dụng cụ học tập cho học trò nghèo. Những đứa nhỏ tưởng tương lai bỏ đi, nhờ sự gắng công của ông, đã tìm thấy đường sáng. Nhiều em phấn đấu học hết cấp III, học lên cao đẳng rồi ra trường, nối nghiệp làm thầy.

Những năm gần đây, ông nghỉ hưu rồi về thành phố ở với vợ chồng con gái. Sức khỏe xuống dốc khiến ông không còn tha thiết chuyện dạy dỗ 3 đứa cháu ngoại mà chỉ chuyên tâm vào Phật pháp. Con gái, con rể thì tất bật làm ăn; cũng không có thời gian quan tâm con mình. Ông nhớ lại, hình như thằng Tí mấy bữa nay học ở đâu mấy tiếng chửi thề, thằng Tèo thì suốt ngày ôm iPad, nói gì cũng không nghe, còn con bé út Nhi mới tí tuổi đầu đã biết nói dối.

Sáng nay nhớ chuyện ngày xưa, ông chợt giật mình, thấy thương mấy đứa cháu. Nếu ba mẹ, rồi đến cả ông bà cũng ít quan tâm, biết đâu có ngày chúng cũng sinh hư, chán học, khó dạy. Ngay như hôm nay là ngày tập trung vào trường, chuẩn bị đi học lại mà chẳng thấy đứa nào háo hức hay chuẩn bị gì cả.

Bỏ dở tách trà đang uống, ông bước vô kêu thằng Tí, thằng Tèo dậy đánh răng để ông ngoại dắt đi ăn sáng rồi đưa qua trường. 2 đứa nhỏ tròn mắt ngạc nhiên. Chúng líu ríu thay đồ, nắm tay ông. Đứa con gái cũng bất ngờ hỏi: “Bữa nay ba hết mệt rồi heng ba?”. Ông cười: “Bây quên ba cũng từng là thầy giáo sao?”.

Nắm tay 2 thằng cháu dẫn vào lớp học, trong ông lại ngân vang những câu văn đã nằm lòng: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”. Ông lẩm nhẩm rồi cười một mình.

Rồi đây, trong ký ức của cháu ông, không phải mẹ mà ông ngoại mới là người âu yếm dẫn chúng đi học mỗi ngày. Ngày khai trường năm nay, không chỉ mấy cô cậu học trò mà chính trong lòng ông cũng đang có sự thay đổi lớn. Đúng rồi, từ hôm nay, ông sẽ sống một cuộc đời ý nghĩa, sẽ phụ các con dạy dỗ cháu để chúng trở thành người có ích.

Khánh Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI