Đưa chất độc vào thực phẩm là giết người hàng loạt

25/10/2017 - 08:19

PNO - Có nên xem hành vi chích thuốc an thần cho heo, đưa chất tạo nạc, chất tăng trọng, hóa chất công nghiệp vào thực phẩm là “giết người”?

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, tất cả những hành vi nhằm thu lợi nhuận bất chấp tác hại đến sức khỏe của người tiêu dùng phải bị coi là tội ác, cụ thể là tội “cố ý gây thương tích” hoặc “giết người hàng loạt”.

Dua chat doc vao thuc pham là giét nguòi hàng loạt
Nhiều loại thực phẩm dùng cho bữa ăn hằng ngày của người dân đã và đang bị “đầu độc” - lò heo Xuyên Á. Ảnh: Hoàng Triều

Khi món ngon chứa đầy chất độc

Nhiều năm theo sát các vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP) tại TP.HCM, chúng tôi không ít lần rùng mình khi chứng kiến cảnh chế biến thực phẩm của các cơ sở mà các bài báo hay thước phim chỉ phản ánh được một phần. Đáng tiếc, đó hầu hết là những sản phẩm phục vụ số đông người tiêu dùng. 

Tại một cơ sở sản xuất bì heo để cung cấp cho các quán cơm tấm tại H.Bình Chánh, TP.HCM, phương tiện sản xuất là vài chục thùng phuy nhựa, chiếc máy thái sợi, bên trong thùng là những miếng bì heo cong queo, nhợt nhạt ngâm trong thứ nước trắng đục. Ông chủ cơ sở tìm cách chối biến: “Cái này là tôi làm cho thú ăn”. Thế nhưng, theo tiết lộ của một số cán bộ thú y H.Bình Chánh, cơ sở chế biến bì heo này đã bị bắt quả tang hành vi ngâm thực phẩm trong hóa chất ít nhất hai lần. Bị bắt ở ấp này, ông ta lại thuê địa điểm khác để tiếp tục tái phạm.

Để “lãi to, lời nhanh”, rất nhiều cơ sở chế biến, cung cấp bò viên, giò chả tại TP.HCM đã nghĩ ra hình thức gian lận đáng sợ: dùng nguồn thịt gà đông lạnh nhập khẩu đã hết hạn sử dụng. Nhiều thùng hàng nguyên liệu, khi cơ quan chức năng bắt giữ đã bốc mùi, chuyển sang màu xanh thẫm, chảy nước, thậm chí khi khui thùng ra, có cả giòi, bọ. 

Nhưng tất cả vẫn được lọc bỏ xương, bỏ vào máy xay xay nhuyễn, tẩy màu, tẩy mùi bằng các loại hóa chất chống thối, chống mốc, kèm theo hương liệu cho giống sản phẩm tươi. Muốn làm bò viên thì có hương liệu bò, muốn làm chả lụa thì đưa mùi thịt heo vào. Ngay cả hương liệu lá chuối để cho chả lụa có mùi lá chuối cũng có sẵn…

Dua chat doc vao thuc pham là giét nguòi hàng loạt
Thịt heo tại Chợ Bình Điền. Ảnh: Hoàng Triều

Rau muống bào, bắp chuối nhúng hóa chất tạo màu, giữ tươi; cà phê làm từ đậu nành rang cháy trộn hóa chất tạo mùi… và biết bao thực phẩm khác đã và đang được chế biến bằng “công nghệ” độc hại.

Làm cho người, phạt theo luật… thú y

Những vụ bê bối thực phẩm tại TP.HCM đều do cơ quan thú y phát hiện, song do những hạn chế về quyền hạn nên cách thức xử lý được ghi trong các biên bản xử phạt thường là “hàng hóa không có giấy kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, buộc phải tiêu hủy”. Chủ cơ sở cũng không mấy lo lắng, vì mức phạt cao lắm cũng chỉ vài chục triệu đồng, chẳng đáng là bao so với trị giá những lô hàng mà họ đã tiêu thụ được.

Mỗi ngày, cơ thể phải nhận bao nhiêu chất độc từ thực phẩm? 

Tại diễn đàn Quốc hội, không ít lần các đại biểu kêu than, thực phẩm nhiễm độc khiến con đường đến nghĩa địa bị rút ngắn khủng khiếp. Vì sự tồn vong của giống nòi, tiếng kêu chua chát ấy đã cất lên từ lâu, giờ vẫn còn nguyên nỗi tha thiết, nhưng chưa thực sự có  lời hồi đáp. 

Bao nhiêu cái chết tức tưởi, âm thầm, bất ngờ là hệ lụy của chất tạo nạc, thuốc an thần cùng biết bao hóa chất khác. Kẻ thủ ác vẫn liên tục “diễn trò”, nhưng chẳng bị đền tội, bởi việc đầu độc người tiêu dùng không dễ tìm tang chứng. 

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức thuộc Công ty TNHH MTV Kinh Luân, sự chồng chéo trong quản lý khiến việc xử phạt những vi phạm này chưa nghiêm. Thú y chỉ nên giám sát vật nuôi khi còn ở trang trại, còn khi vào cơ sở giết mổ, lúc vật nuôi đã  trở thành nguyên liệu sơ chế thực phẩm, phải do cơ quan phụ trách ATTP quản lý và xử phạt nếu phát hiện vi phạm. Việc xử lý phải theo Luật ATTP chứ không phải theo quy định của thú y. Luật sư Đức cho rằng, việc quản lý quy về một mối (Ban ATTP) của TP.HCM là hướng đi đúng.

Trong vụ hơn 4.000 con heo bị chích thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á vừa qua, nếu áp dụng việc xử phạt như những vụ việc vi phạm trước đó, lượng heo này sẽ được lưu giữ trong 24 giờ, sau đó cán bộ thú y lấy mẫu nước tiểu, nếu không còn phát hiện chất an thần tồn dư, chủ những lô heo đó sau khi nộp phạt sẽ được giết mổ heo đem bán.

Những lô heo trước đây từng bị phát hiện sử dụng chất tạo nạc, chất tăng trọng cũng có chung cách xử lý: đợi heo đào thải hết chất cấm qua nước tiểu, sẽ được đem đi giết mổ. Chỉ sau khi bị áp lực từ dư luận, ngành thú y TP.HCM kiến nghị tiêu hủy động vật nếu phát hiện tồn dư chất cấm trong nước tiểu, nhờ đó mới hạn chế được vi phạm.

Tại sao những vụ việc như trên lại tập trung chủ yếu tại TP.HCM?  Liệu các địa phương khác có không? Ông Huỳnh Tấn Phát - Chi cục phó Chi cục Thú y TP.HCM - cho biết, ông không có ý kiến về các địa phương, nhưng khẳng định, chỉ có TP.HCM mạnh tay phanh phui những vụ vi phạm này. Chẳng hạn, riêng chuyện heo bị chích an thần, trong vòng khoảng một năm nay, TP.HCM đã phanh phui ít nhất khoảng sáu, bảy vụ. 

Nhiều lò mổ tại TP.HCM không hề có tường che chắn, người ngoài dễ dàng quan sát bên trong. Vậy mà, hơn 4.000 con heo còn bị chích thuốc an thần. Trinh sát phải mất tới hơn một tháng mới phanh phui được. Thử hỏi, những lò giết mổ ở nơi thưa người hơn, như Long An, Đồng Nai có hệ thống tường rào cao 3 - 4m, bảo vệ tiếp khách lạ qua ô cửa rộng bằng bàn tay thì thương lái làm gì bên trong, ai biết được?

Điểm lại, hầu hết những thực phẩm “bẩn” lại thường được phục vụ cho số đông người tiêu dùng. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, tất cả những hành vi nhằm thu lợi nhuận bất chấp tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng phải bị coi là tội ác, cụ thể là tội “cố ý gây thương tích” hoặc “giết người hàng loạt”. Bà Lan nói: “Nếu không kiên quyết ngăn chặn và nghiêm trị, sẽ còn phát sinh nhiều kiểu làm ăn dối trá, gây hại sức khỏe con người với thủ đoạn ngày càng tinh vi và nguy hiểm hơn”.

Xử lý hình sự, được không?

Chúng tôi đặt câu hỏi như vậy với bà Phạm Khánh Phong Lan, bà cho hay, đã là tội ác gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng thì đương nhiên phải bị xử lý hình sự. Trong Bộ luật Hình sự có quy định mức độ vi phạm thế nào sẽ khởi tố hình sự, với khung hình phạt cao nhất là chung thân (vẫn thấp hơn tội sản xuất thuốc giả, mức án cao nhất là tử hình). 

Dua chat doc vao thuc pham là giét nguòi hàng loạt
 

Tuy nhiên, rất khó khởi tố hình sự các vụ việc liên quan đến thực phẩm vì cần chứng minh tác hại trên người dùng. Ban quản lý ATTP TP.HCM - cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm về ATTP của TP.HCM - sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trong việc phát hiện và xử lý vi phạm, chuyển sang khởi tố hình sự những vụ việc nổi cộm. Thực tế, những kẻ vi phạm thì bất chấp, còn cơ quan quản lý thì phải tuân thủ và chỉ được xử lý theo luật. Khi thống nhất quản lý ATTP về một đầu mối, sẽ thuận lợi hơn trước kia trong xử lý. 

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định, có thể xử lý hình sự đối với những vi phạm về ATTP, nhưng điều kiện để xử lý lại hết sức phi thực tế. Chẳng hạn, rất khó để chứng minh thiệt hại mà sự mất ATTP gây ra cho người tiêu dùng, bởi các độc chất tồn dư trong thực phẩm rất hiếm khi gây ngộ độc cấp tính. Hầu hết các nhà khoa học đều cảnh báo về hậu quả lâu dài sau khi ăn phải chất độc tồn dư.

Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) quy định chi tiết hơn: xử lý hình sự đối với hành vi gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Nhưng, cũng theo luật sư Đức, “thu lời bất chính từ 50 triệu đồng” là ngưỡng quá cao và dễ để lọt hành vi phạm tội. Chẳng hạn, một người bán hủ tíu, bún, phở, muốn thu lời cao nên đã sử dụng phụ gia, phẩm màu công nghiệp không nằm trong danh mục cho phép, bán cho hàng trăm người ăn nhưng doanh thu chỉ vài triệu đồng/ngày, sẽ rất khó để xử phạt. Thực tế, rất khó thống kê số lượng nạn nhân và cũng khó thống kê được con số thu lời chính xác từ những người bán như vậy. 

Luật sư Đức cho rằng, rất nhiều loại chất vốn sử dụng trong điều trị bệnh cho người và vật nuôi, thậm chí là dùng trong công nghiệp (chẳng hạn chất vàng O) nhưng bị mang ra dùng trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm nhằm mục đích trục lợi. Cần có một nghiên cứu đánh giá khách quan tỷ lệ những căn bệnh liên quan đến các loại thực phẩm có vi phạm về an toàn để hỗ trợ việc hoàn thiện các điều luật. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng Bộ Y tế cần có kiến nghị, nếu sử dụng chất cấm sai mục đích mà tỷ lệ tồn dư trong sản phẩm bán ra thị trường từ 5-10% là có thể xử lý hình sự. 

Phải tính tới việc xử lý hình sự

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành thuộc Thanh tra Bộ NN-PTNT - cho biết, sắp tới, các đối tượng vi phạm có thể bị phạt tới 100 triệu đồng đối với hành vi tiêm thuốc an thần cho heo. 

Bên cạnh đó, chỉ cần xác nhận sự có mặt của acepromazine trong nước tiểu hoặc thịt heo, lực lượng chức năng sẽ tiêu hủy ngay, không cần xác định tồn dư hay chờ chất này đào thải hết rồi đưa trở lại lưu thông. Người vi phạm cũng phải chi trả tiền tiêu hủy heo bằng phương pháp dùng nhiệt điện với chi phí từ 15.000-17.000 đồng/kg. 

Theo ông Phạm Tiến Dũng, tăng mức xử phạt như trên là biện pháp hành chính mạnh, đánh vào kinh tế của các đối tượng sử dụng thuốc trái quy định của pháp luật. Nếu những biện pháp trên không phát huy được hiệu quả, chắc chắn phải tính tới việc xử lý hình sự đối với hành vi tiêm thuốc an thần. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI