Đưa cải lương đến với sinh viên

16/09/2022 - 08:33

PNO - Ngày 15/9, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã đưa vở cải lương "Thành phố buổi bình minh" (tác giả: Xuân Đức, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Phan Quốc Kiệt) đến với cán bộ, sinh viên Trường đại học Sư phạm TPHCM (quận 5).

Vở cải lương Thành phố buổi bình minh kể về
Vở cải lương Thành phố buổi bình minh kể về những năm tháng gian khó tái thiết thành phố sau ngày đất nước thống nhất

Thành phố buổi bình minh khai thác đề tài rất khó là công cuộc kiến thiết lại TP sau ngày đất nước thống nhất, những người cách mạng bước vào cuộc chiến mới với bao bỡ ngỡ. Một cuộc chiến không bom đạn nhưng không vô cùng gian khó khi phải kết nối, gầy dựng lòng tin từ mọi tầng lớp nhân dân - vốn chịu tổn thương sâu sắc khi đất nước chia cắt.

NS ƯT Lê Tứ
NSƯT Lê Tứ gặp nhiều áp lực khi thể hiện hình tượng chú Sáu Dân - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người có nhiều đóng góp cho sự đổi mới và phát triển của TPHCM

Những chính sách duy ý chí từ bên trên không phù hợp tình hình thực tiễn thành phố làm tình thế khó càng thêm khó. Từ bao ngổn ngang chồng chất đã nổi lên những quyết sách đúng đắn của những người lãnh đạo cao nhất, kịp thời “xé rào” đưa thành phố vượt qua khủng hoảng, mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trên cương vị Chủ tịch UBND rồi Bí thư Thành ủy TPHCM - hình tượng trung tâm của vở diễn Thành phố buổi bình minh - là đại diện tiêu biểu.

Sau một khoảng ngắn có phần lơ đễnh, các sinh viên dần bị cuốn hút bởi
Sau một khoảng ngắn có phần lơ đễnh, các sinh viên dần bị cuốn hút bởi câu chuyện trên sân khấu

Một vở cải lương đề tài chính trị tưởng như khô khan, nặng nề đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo khán giả sinh viên. Lần đầu trực tiếp xem một vở cải lương trên sân khấu, Nguyễn Nam Phương, sinh viên ngành Sư phạm hóa (Đại học Sư phạm TPHCM) chia sẻ: “Các nghệ sĩ ca diễn dứt khoát, cảm giác cũng rất gần gũi, khắc hẳn với ấn tượng về những vở cải lương dài dòng, buồn chán mà em từng biết trên tivi”. Nam Phương cũng cho rằng việc truyền tải những kiến thức về lịch sử, xã hội qua các hình thức nghệ thuật, trong đó có cải lương, là phương thức phù hợp để học sinh, sinh viên tiếp thu kiến thức.

Út Lan (Mỹ Linh) và Hai Đảm (Minh Trường) đại diện cho thế hệ thanh niên của một giai
Út Lan (Mỹ Linh) và Hai Đảm (Minh Trường) đại diện cho thế hệ thanh niên của một giai đoạn lịch sử nhiều hoài bão mà cũng đầy trăn trở
Những lời chú Sáu Dân dặn dò thế hệ thanh niên vẫn đúng đến hôm nay

Cũng lần đầu thưởng thức cải lương, Cao Thị Quế Anh, sinh viên ngành Quản trị khách sạn (Đại học Tài chính - Marketing) cảm thấy thích thú khi hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử có thật của thành phố với bao khó khăn không thể hình dung được.

“Em không hoàn toàn hiểu hết những câu chuyện được kể, những định kiến giữa các thành phần hay tại sao hàng hóa không thể lưu thông, nhưng em cảm nhận được không khí bức bách của những ngày đó, cũng như khát khao thay đổi của các nhân vật. Trong đó, chú Sáu Dân là người lắng nghe và giúp tháo gỡ mọi vấn đề…”. Quế Anh cũng cảm nhận sự da diết, sâu lắng của cải lương phù hợp thể hiện một đề tài có chiều sâu như thế.

Trân trọng và phát huy giới trí thức là bài học sâu sắc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại.
Trân trọng và phát huy vai trò của giới trí thức là một trong những bài học sâu sắc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại

Đinh Thanh Phong, sinh viên ngành Hóa học (Đại học Sư phạm TPHCM) cho biết mình là một khán giả cải lương và khẳng định đây là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc cần giữ gìn và phát huy. “Vở diễn này giúp những người trẻ như chúng em biết về những diễn biến chi tiết tại thành phố những ngày đầu đất nước thống nhất và các thế hệ cha anh đã làm thế nào để vượt qua khó khăn, thách thức. Đây là câu chuyện đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân thành phố để có những thành tựu như hôm nay” - Thanh Phong nêu cảm nhận.

Tuy là một vở diễn đề tài chính trị nhưng
Vở diễn Thành phố buổi bình minh nhận được sự hưởng ứng của sinh viên TPHCM

Chương trình biểu diễn do Đảng ủy Khối Đại học - Cao đẳng TPHCM phối hợp Đảng ủy Đại học Sư phạm TPHCM và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức nhằm hưởng ứng các hoạt động chào mừng 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022). Vở diễn cũng nằm trong chương trình quảng bá tác phẩm đoạt giải cao tại cuộc thi Sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Ê-kíp vở diễn chụp ảnh lưu niệm
Ê-kíp vở diễn chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Đảng ủy Khối Đại học - Cao đẳng TPHCM, lãnh đạo Đại học Sư phạm TPHCM sau buổi diễn

Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang Phan Quốc Kiệt cho biết, thời gian tới, nhà hát sẽ tiếp tục đưa vở cải lương Thành phố buổi bình minh (với sự góp mặt của: NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lam Tuyền, các nghệ sĩ Thy Phương, Minh Trường, Hà Như, Thanh Toàn, Mỹ Linh, Tô Tấn Loan, Hoàng Minh Vương, Tiến Dũng, Văn Hợp...) đến với sinh viên Đại học Giao thông - Vận tải TPHCM, Học viện Chính trị khu vực 2 (TP. Thủ Đức), Đại học Văn hóa TPHCM…

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI