Đưa biển Đông lên bàn nghị sự G7: Trung Quốc giật mình...

10/04/2016 - 07:42

PNO - Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định vấn đề Biển Đông rất quan trọng, vì vậy cần được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật

Dua bien Dong len ban nghi su G7: Trung Quoc giat minh...
Tàu khu trục USS Sampson và USS Pinkney của hải quân Mỹ trên biển Đông

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Mark C. Toner cho rằng, diễn biến trên Biển Đông rất quan trọng đối với an ninh và sự ổn định tại khu vực châu Á. Vì vậy, ông Toner cho rằng Mỹ cùng các đối tác cần thảo luận vấn đề Biển Đông cũng như nhiều vấn đề an ninh chủ chốt khác tại Hội nghị thượng đỉnh G7.

"Chính sách của chúng tôi rất rõ ràng", ông Toner nói và khẳng định rằng Mỹ không muốn nhìn thấy bất cứ hành động nào làm gia tăng hoặc leo thang căng thẳng Biển Đông.

Tuyên bố này được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng về chương trình nghị sự của hội nghị G7. Mặc dù Trung Quốc không phải là thành viên G7, nhưng ông Vương phản đối việc các nước trong nhóm G7 đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận.

Cũng bằng cách né tránh như vậy, Bắc Kinh kiên quyết không đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G20.

Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ quy tụ lãnh đạo của 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật và Canada. Năm nay, G7 sẽ nhóm họp tại Nhật Bản vào tháng 5. Trước đó, các ngoại trưởng của nhóm này sẽ gặp nhau vào tháng 4.

Ngày 7.4, tờ Japan Times dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố sẽ đưa vấn đề an ninh hàng hải ra bàn thảo trong hội nghị các ngoại trưởng G7. Đồng thời nhận định đây là phản ứng của G7 đối với hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay.

Việc Trung Quốc kiên quyết phản đối việc đưa vấn đề biển Đông ra thảo luận tại các hội nghị cấp cao trên thế giới, bởi lẽ Bắc Kinh hiểu rõ, hành động bành trướng tại biển Đông là vi phạm luật pháp Quốc tế.

Cộng với việc phương Tây cho rằng Trung Quốc đang có ý định Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, Trung Quốc lo ngại rằng sẽ gặp bất lợi nếu vấn đề biển Đông được thảo luận theo nguyên tắc đa phương. Đối với các vấn đề trên biển, Trung Quốc luôn muốn xử lý theo nguyên tắc song phương.

Trước đó, khi mà Philippines đệ đơn kiện lên PCA Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về việc Trung Quốc phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), Trung Quốc đã kiên quyết từ chối tham gia vụ kiện. Đồng thời, Bắc Kinh tuyên bố sẽ phủ nhận kết quả giải quyết từ bên thứ ba, và chỉ giải quyết vấn đề bằng biện pháp song phương.

Vào khoảng tháng 5, Tòa án Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) sẽ đưa ra phán quyết đối với vụ việc Philippines kiện Trung Quốc vi phạm chủ quyền ở biển Đông, mà theo các chuyên gia dự đoán kết quả cuối cùng sẽ có lợi đối với Philippines.

Những hành động bành trướng của Trung Quốc tại biển Đông đã khiến cho vùng biển này nóng hơn bao giờ hết.

Ngày 5/4 Indonesia cho biết, sẽ triển khai hệ thống phòng không tối tân nhất của Indonesia đến vùng đảo Natuna để sẵn sàng đối phó với Trung Quốc.

Ngày 4/4/2016, Mỹ và Philippines tiến hành cuộc tập trận "Vai kề Vai" năm 2016 với sự tham gia của hàng ngàn binh lính Mỹ và Philippines cùng 70 máy bay và nhiều phương tiện kĩ thuật hiện đại. Ngoài ra, 1 chiếc tàu ngầm và 2 hộ tống hạm của Nhật và 3 tàu chiến của Úc cũng "âm thầm" đến Philippines trong dịp này.

Khánh Ly (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI