Đưa bé du lịch bụi: Ngon, bổ, rẻ, vui!

17/07/2015 - 11:29

PNO - PN - Đang có xu hướng cha mẹ dắt con đi du lịch “bụi” (còn gọi là du lịch ba lô). So với hình thức đi tour, du khách được phục vụ từ A đến Z nhưng bị bó buộc, giới hạn về không gian và lịch trình thì du lịch bụi phù hợp cho việc khám phá thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống thường ngày của dân địa phương. Nhiều phụ huynh ví du lịch bụi như chiếc cần cẩu nhấc con lên để mở mang tầm mắt, thưởng lãm vẻ đẹp của sông núi quê hương và cũng là cơ hội rèn dạy cho con khôn lớn, cứng cáp, vững vàng.

Dua be du lich bui: Ngon, bo, re, vui!

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phụ huynh có thể bắt đầu cho bé đi du lịch bụi từ lứa tuổi lên 10, khi bé đã có thể chạy nhảy, trèo leo, bơi lội, qua cầu “khỉ”… và có chút khả năng ứng biến trong cuộc sống. Trước khoảng thời gian định sẵn để thực hiện chuyến đi, bố mẹ cần làm “công tác tư tưởng” với bé để tạo cảm hứng, bàn bạc chọn địa điểm, chọn người đồng hành, thảo kế hoạch. Khuyến khích bé lên mạng tìm hiểu những nét đặc trưng cơ bản về thời tiết, thổ nhưỡng, con người, văn hóa, đặc sản của những nơi muốn đến.

Ở những chuyến đi đầu, bố mẹ nên chọn những nơi mình đã biết để nâng cao độ an toàn cho trẻ. Chỉ đưa ra các phương án nằm trong tầm kiểm soát của mình và để tránh tâm lý bị người lớn áp đặt, bố mẹ hãy trao quyền chọn lựa, quyết định cho bé. Với những phương án ngô nghê do bé đề xuất, bố mẹ đừng gạt ngay mà thử đưa ra những câu hỏi chất vấn, bé sẽ tự rút lại ý kiến khi nhận thấy thiếu khả thi.

Tùy độ tuổi của bé và số lần đi du lịch bụi mà lựa chọn những địa điểm với mức độ xa và khó khác nhau. Dần dần, chúng ta sẽ mở ra những chân trời mới lạ hơn và đến một lúc nào đó vai trò của bố mẹ chỉ còn là bạn đồng hành thì coi như đã thành công.

Thực ra, đưa bé đi cùng, chúng ta không thể thực hiện đúng chất du lịch bụi - vốn là tự khám phá những vùng đất chưa từng đặt chân đến, song hành là những rủi ro tiềm ẩn rất cao, độ an toàn cho trẻ không được kiểm soát. Ở đây chỉ là du lịch “bán - bụi”.

Từ bàn bạc, phác thảo chuyến đi, bố mẹ hướng dẫn bé soạn đồ đạc cá nhân mang theo. Tốt nhất là giao hẳn cho bé một vali riêng, chỉ bé cách chọn quần áo phù hợp cho chuyến đi, tự xếp đồ đạc. Bước cuối, thử so sánh vali của bố/ mẹ và bé để kiểm tra xem bên nào thiếu cái gì, tập cho bé tính cẩn thận, tỉ mỉ và quan tâm đến “đồng đội”. Bố mẹ luôn phải thủ phương án dự phòng để bảo vệ bé ở tình huống cấp bách. Chuẩn bị thuốc, bông băng, mì gói, quần áo dài tay, áo mưa, chai nước riêng cho từng người…

Dua be du lich bui: Ngon, bo, re, vui!

Hành trang đầu tiên của bé là kiến thức du lịch an toàn. Bố mẹ hướng dẫn bé cách tự bảo vệ bản thân bằng định vị, lưu giữ địa chỉ nơi mình lưu trú và chụp hình lại. Khi đặt chân đến nơi, cả nhà bắt đầu thảo luận sẽ lần lượt tham quan những địa điểm nào và nhờ bé mô tả. Đây cũng là cách giúp bé khắc sâu hơn các kiến thức đã tìm kiếm trên internet. Khi đêm xuống, bố mẹ chỉ bé cách nhìn hướng đi bằng sao trên trời để phòng tránh việc đi loanh quanh khi bị lạc.

Đến một địa phương hẻo lánh nào đó thì nơi lưu trú qua đêm tốt nhất là các bệnh viện, trạm xá, các trạm gác phường, xã. Bố mẹ thường xuyên đặt ra những tình huống để bé tìm phương án ứng phó nếu xảy ra thiên tai, chấn thương, ngộ độc thức ăn, đi lạc, điện thoại hết pin, mất sóng… Hãy luôn tận dụng cơ hội để trang bị kiến thức thực tế cho con.

Để lịch trình của chuyến đi được phát huy tốt nhất thì bố mẹ cần khéo léo thỏa thuận với bạn đồng hành của mình, tránh trường hợp bé lười, bất hợp tác làm gãy kế hoạch chung. Có thể vận dụng những “tiểu xảo” kiểu như để bé có thể thức dậy sớm, cùng ngắm mặt trời ửng hồng nhô lên trên mặt biển thì đêm trước nhất thiết phải đi ngủ sớm. Tôn trọng kế hoạch nhưng có thể linh hoạt thay đổi trên cơ sở kết hợp ý kiến tập thể.

Nếu nhận thấy giao tiếp xã hội của trẻ thiếu văn hóa, bố mẹ cần chọn thời điểm, hoàn cảnh thích hợp để uốn nắn, điều chỉnh. “Ghi điểm”, ngợi khen khi trẻ lễ phép, nhún nhường, khôn khéo trong ứng xử với người lạ, cũng như có cử chỉ quan tâm, chăm sóc, san sẻ với các thành viên cùng đoàn.

Để mỗi chuyến đi trở thành trang đời không thể phai mờ, làm giàu tâm hồn trẻ thơ, phụ huynh nên khuyến khích bé ghi lại những cảm xúc, trải nghiệm của mình và dán hình vào sổ nhật ký. Không những lưu lại những kỷ vật của vùng đất mới đến mà trao tặng quà cho người ở địa phương đó cũng tạo kỷ niệm đẹp.

Nên cân nhắc việc bé chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội vì bé cần dốc toàn tâm toàn ý vào địa điểm tham quan, chú trọng khám phá, học hỏi và để tránh những rủi ro không mong muốn. Khi hoàn tất chuyến đi, việc chia sẻ quyển nhật ký lên mạng xã hội là một điều rất tốt, để truyền đi nguồn cảm hứng, lan tỏa vẻ đẹp các danh lam thắng cảnh của đất nước.

Du lịch bụi “ngon, bổ, rẻ, vui” mang đến bao điều tuyệt vời, cho trẻ mở mang tầm nhìn, trí óc, rèn luyện tính tự lập, kiên nhẫn, chan hòa, đoàn kết; rèn giũa được nhiều kỹ năng quý giá. Đó là môi trường tuyệt vời để hòa mình vào thiên nhiên, dễ kết bạn, giúp trẻ thích nghi với môi trường xung quanh, hoàn cảnh mới.

Từ đó, bố mẹ yên tâm cho cuộc sống của con sau này, dù chuyện gì xảy ra cũng có thể vượt qua dễ dàng hơn vì có thể ứng biến… Đặc biệt, quan hệ bố mẹ - con cái, anh chị - em càng thắt chặt nhờ tương tác cùng nhau trong tâm thế thân tình, cởi mở, dân chủ. Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần lưu ý tác dụng ngược của việc đưa con tham gia du lịch bụi là cuộc sống của con có thể sớm tách khỏi bố mẹ hơn vì trẻ sẽ chủ quan, cho rằng mình đã đủ kỹ năng sinh tồn.

TĂNG ÁI LINH

(Giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch dịch vụ Rồng Thế Kỷ, Q.10, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI