Du xuân ở bảo tàng

23/01/2025 - 08:44

PNO - Đến bảo tàng du xuân ngày tết giờ đã là thói quen của nhiều bạn trẻ. Nhiều năm qua, các bảo tàng tại TPHCM thường tổ chức trưng bày chuyên đề liên quan văn hóa, cổ vật vào dịp tết để phục vụ nhu cầu du xuân của người dân, du khách.

Nghe câu chuyện từ cổ vật

Theo Bảo tàng Lịch sử TPHCM, vào tết Ất Tỵ 2025, khi đến bảo tàng, ngoài các khu vực trưng bày cố định, du khách sẽ được tham quan chuyên đề Hoa nở từ đất - Hoa trong nghệ thuật gốm sứ phương Đông với hơn 150 hiện vật. Các hiện vật phần lớn là gốm sứ Việt Nam, có niên đại trải dài từ đầu thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XX như gốm men ngọc thời Lý, gốm hoa nâu thời Trần, gốm Chu Đậu thời Lê… Trên các sản phẩm gốm sứ này xuất hiện nhiều loài hoa đặc trưng của từng mùa trong năm như hoa mai, hoa đào của mùa xuân; hoa sen của mùa hè; hoa cúc mùa thu và tùng, trúc đại diện cho mùa đông.

Nhà sưu tập Nguyễn Hiếu Tín giới thiệu  về các tượng ông Địa cho khách tham quan
Nhà sưu tập Nguyễn Hiếu Tín giới thiệu về các tượng ông Địa cho khách tham quan

Ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, chuyên đề Cổ vật kể chuyện xuân cũng “chiêu đãi” khách tham quan khoảng 150 cổ vật. Tại đây, cổ vật được trưng bày đa dạng hơn, với khu vực áo dài qua các thời kỳ cùng trang sức của phụ nữ Việt ngày xưa, bàn thờ gia tiên của người Nam Bộ, khu vực gốm sứ… Ở mỗi không gian, các hiện vật được trưng bày có tính toán để sau khi tìm hiểu thông tin, người xem có thể liên kết với các hiện vật khác trong cùng khu vực để thấy được sự tiếp biến về chất liệu, kiểu dáng theo từng niên đại.

Chuyên đề Cổ vật kể chuyện xuân do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ kết hợp với các nhà sưu tập cổ vật thuộc Hội Cổ vật TPHCM thực hiện. Tham gia trưng bày trong dịp này, nhà sưu tập Nguyễn Hiếu Tín mang đến 9 tượng ông Địa có niên đại từ 1920-1980 (1 tượng gỗ, 8 tượng gốm). “Trong văn hóa Nam Bộ, về tín ngưỡng, ông Địa là vị thần đất mang lại sự may mắn, trù phú và an lành cho người dân. Tuy nhiên khác với các vị thần khác, ông rất gần gũi, gần với gia chủ nên nhìn rất thân thương. Trải qua từng thời kỳ, sự biến đổi hình dáng của ông cũng khác, phản ánh sự thay đổi của xã hội từ quá khứ cho đến đương đại. Hy vọng người xem sẽ thấy thích thú với hiện vật mà tôi mang tới” - anh Nguyễn Hiếu Tín cho biết.

Tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Lịch sử…, không khí tết cũng đã ngập tràn với nhiều tiểu cảnh trang trí. Đặc biệt, ở Bảo tàng Áo dài, từ tháng Chạp đến nay, lượng khách mặc áo dài đến chụp ảnh check-in tết mỗi ngày luôn đông nhờ vào cảnh sắc truyền thống, xanh mát.

Tiềm năng khai thác du lịch

Không chỉ du khách nước ngoài thích thú với việc khám phá các bảo tàng tại TPHCM, giới trẻ trong nước cũng dành nhiều sự quan tâm hơn với những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng. Việc đến bảo tàng những ngày đầu năm được xem như một khởi đầu thú vị cho một năm mới ý nghĩa. Chị Nguyễn Nhật Anh (29 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết: dịp tết này, cả gia đình từ quê vào TPHCM đón tết nên chị đang chọn một số điểm du xuân tại thành phố. Trong đó, chị chọn 2 điểm bảo tàng để người lớn và người trẻ trong gia đình có thể cùng nhau tìm hiểu, khám phá. “Ngoài một số địa danh như Bưu điện TPHCM, Đường sách TPHCM hay metro số 1…, tôi tin là ba mẹ và người thân của mình cũng sẽ thích đến bảo tàng để tham quan, tìm hiểu về các cổ vật. Chỉ cần nghe bảo tàng đó trưng bày nhiều cổ vật quốc gia cực kỳ quý giá, độc bản và nhiều hiện vật hơn trăm năm tuổi, cả gia đình đều hào hứng” - chị Nguyễn Nhật Anh chia sẻ.

Các cổ vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM
Các cổ vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM

Theo thống kê, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hiện đang lưu giữ 44.528 hiện vật; Bảo tàng Lịch sử sở hữu hơn 43.000 hiện vật; Bảo tàng Áo dài lưu giữ và trưng bày 1.300 hiện vật… Đây là những con số rất lớn, cho thấy sự đa dạng và tiềm năng tại các bảo tàng. Nếu được khai thác hiệu quả, số hiện vật các bảo tàng đang sở hữu có thể xem là “kho báu” để thu hút du khách.

Bảo tàng Lịch sử TPHCM cho biết, thời gian qua đã đẩy mạnh xây dựng bộ nhận diện thương hiệu để giúp kết nối mạnh hơn với du khách và phù hợp với bối cảnh hiện đại. “Bộ nhận diện mới của Bảo tàng Lịch sử TPHCM đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và sức hấp dẫn của bảo tàng cũng như di sản, thông qua các yếu tố gồm tăng cường khả năng nhận diện, thu hút sự chú ý của công chúng, nâng cao giá trị di sản, hỗ trợ truyền thông và tiếp thị, tạo trải nghiệm khách hàng tốt hơn và tăng cường sự gắn kết cộng đồng” - tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng TPHCM - chia sẻ.

Các bảo tàng khác tại TPHCM cũng đang nỗ lực trong việc định danh thương hiệu thông qua các hoạt động. Trong đó, việc đầu tư vào các trưng bày chuyên đề nói riêng và hoạt động nói chung là một phần quan trọng, tạo cho người dân và du khách những trải nghiệm ý nghĩa, chất lượng.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI