Dư vị của trái nhãn lồng

16/09/2023 - 07:12

PNO - Nhãn Huế vốn đã ngon, thêm được lồng trong những chiếc bao chẹ, những bẹ mo cau càng khiến trái nhãn có hương vị đậm đà rất riêng.

 

Năm Minh Mạng thứ 11, người dân Hưng Yên đã chọn giống nhãn lồng của họ đem vào kinh đô để tiến vua nên nhãn lồng còn có tên gọi là nhãn tiến vua. Năm Minh Mạng thứ 17, long nhãn còn được khắc hình vào Tuyên đỉnh.

Theo năm tháng, giống nhãn tiến vua dần được nhân rộng và có lẽ theo thổ nhưỡng của mảnh đất nắng thì nắng nẻ đầu còn mưa thì thối đất thối cát nên hương vị của trái nhãn lồng Huế khá đặc biệt.

Nhãn Huế có khắp nơi, nhưng nhiều nhất phải kể đến là vùng Kim Long và trong Đại Nội. Vào mùa, nhãn nở hoa từng chùm trắng ngà, la đà níu chân du khách ghé thăm Kinh thành Huế. Nhãn Huế vốn đã ngon, thêm được lồng trong những chiếc bao chẹ, những bẹ mo cau càng khiến trái nhãn có hương vị đậm đà rất riêng.

Gần nhà tôi có ngôi chùa Thiên Hòa, trước sân chùa có 4 cây nhãn rất to, cành lá sum suê. Mặt trời bao lần lặn rồi mọc, những trái nhãn đã bắt đầu có vị ngọt và đêm đêm lũ dơi bắt đầu kéo về xào xạc trong đám lá, sáng thức dậy thấy chúng xả hạt đầy sân. Đó cũng là lúc chú Tuấn chuẩn bị những chiếc bao chẹ, mo cau cho việc lồng nhãn và đó cũng là những ngày vui của lũ trẻ xóm Giếng Chùa chúng tôi.

Chú là người thợ lồng nhãn có tiếng thành thục trong vùng, nhưng để lồng cho hết mấy cây nhãn ở đây cũng phải mất 4-5 ngày mới xong.

Giếng Chùa mùa này thường cạn nước. Chúng tôi vừa đi hứng nước vừa tranh thủ quẩn quanh dưới gốc để chờ lượm những trái nhãn rơi rớt xuống. Chú Tuấn thoăn thoắt lồng nhãn tuốt trên ngọn cây, ở dưới chúng tôi ngước nhìn muốn gãy cổ.

Thi thoảng vài trái nhãn rơi xuống (cũng có khi chú giả vờ vô tình thả xuống), lũ chúng tôi lại hò reo tranh giành nhau lượm, tiếng nói cười rộn rã một góc sân chùa.

Một cây nhãn từ nhỏ đến lúc cho trái phải mất chừng 10 năm. Thấm thoắt mà cây nhãn nhà tôi đã ra trái được 2 mùa. Nhãn không ra trái hằng năm như những cây khác, mà kể từ năm bẻ nhãn, phải đợi 2 năm sau nhãn mới ra trái lại. Đó là vì khi bẻ nhãn, cây cần có thời gian để phục hồi, ví như người mẹ sau khi sinh nở cần có thời gian để máu huyết phục hồi vậy. Tôi vẫn thầm liên tưởng như thế mỗi lần thấy cây nhãn khi bẻ cành rồi trông xơ xác, tiều tụy. 

Theo năm tháng, đã không còn nhiều cây nhãn to lớn sum suê do phong trào đô thị hóa. Những ngôi nhà mới mọc lên, những cây nhãn dần thưa thớt. Những người thợ lồng nhãn thuở ấy cũng đã luống tuổi, không còn đủ tinh anh và sức khỏe để leo trèo và lớp trẻ ngày nay không phải ai cũng thích leo cây lồng nhãn nên nhãn lồng Huế không còn nhiều như xưa.

Ảnh mang tính minh họa - Tiến Thành
Ảnh mang tính minh họa - Tiến Thành

Chỉ những ai đã từng có một tuổi thơ lớn lên bên vườn tược, những trưa hè đi tìm những chú ve khô lột xác còn bám lại trên thân cây, ngước mắt dõi theo những cây nhãn từ lúc trĩu bông đến khi dần lớn như con cun cút, như hạt đậu rồi no tròn vị ngon ngọt thanh tao ẩn trong lớp vỏ mềm mại mới nhớ nhung về dư vị của trái nhãn lồng.

Họ ăn không chỉ để thưởng thức, để "ngậm mà nghe", mà đó còn là dịp để hồi tưởng một tuổi thơ êm đềm, những ngày cả gia đình vui vầy dưới gốc nhãn rộn vang tiếng cười, những trưa hè ngồi hóng mát, trải chiếu ăn cơm dưới gốc cây...

Khi đàn dơi bắt đầu trở về xạc xào trên những tàng cây, đứa em trai qua chợ Đông Ba mua bao chẹ về chuẩn bị lồng nhãn. Chị em tôi đếm đủ ngày đủ tháng là cùng rủ nhau đi hái nhãn. Cánh đàn ông trẻ thì trèo hái, phụ nữ ngồi lặt lá dưới gốc cây. Ba tôi luôn chu đáo khuấy một ca nước chanh lớn để chúng tôi giải khát trong lúc bẻ nhãn.

Lũ trẻ con lại chạy chơi dưới gốc cây, vừa ăn vừa hò reo mỗi khi có vài trái nhãn rơi xuống. Không khí sum họp gia đình mới thật sự là vị ngọt mà chúng tôi nhớ mãi. 

Trang Thùy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI