Dù vấp phải nhiều trở ngại, làn sóng #Metoo ở Trung Quốc lan rộng trở lại

31/07/2018 - 06:48

PNO - Một loạt tố cáo liên quan đến quấy rối tình dục xuất hiện ở Trung Quốc, cho thấy những bức xúc dồn nén của phụ nữ nước này đang thoát ra, cùng với sự nổi lên của một thế hệ không ngại lên tiếng bảo vệ bản thân.

Các cáo buộc kiểu này ở Trung Quốc lâu nay chủ yếu tập trung ở các trường đại học, nhưng phong trào #MeToo đang mở rộng ra các lĩnh vực khác. Những ngày gần đây, nhiều phụ nữ đã lần lượt đứng lên tận dụng mạng xã hội, dù hầu hết họ vẫn giấu tên, để tố cáo những hành động quấy rối tình dục của nam giới, trong đó có một nhà từ thiện nổi tiếng và một người dẫn chương trình truyền hình quyền lực.

Du vap phai nhieu tro ngai, lan song #Metoo o Trung Quoc lan rong tro lai
Phụ nữ tại nhiều quốc gia đã đứng lên trong làn sóng #Metoo, chống nạn xâm hại, quấy rối tình dục

Làn sóng bắt đầu khoảng một tuần nay khi một phụ nữ lên mạng xã hội cáo buộc Lei Chuang, người đứng đầu một quỹ từ thiện hoạt động liên quan đến bệnh viêm gan B, quấy rối tình dục cô. Cáo buộc đối với những người đàn ông khác theo đó xuất hiện ngày càng nhiều, khiến cộng đồng mạng vừa phẫn nộ vừa đồng cảm.

“Thế hệ chúng ta khá là đặc biệt. Chúng ta là sản phẩm của chính sách một con”, khi nói đến điều này, Xiao Yue, một doanh nhân 28 tuổi cũng lên mạng xã hội để chia sẻ những lần va chạm với ông Lei khiến cô không thoải mái, ngụ ý rằng những người là con một vốn được cha mẹ dạy dỗ tốt hơn nên cũng có ý thức tự bảo vệ mình hơn.

Bản thân ông Lei đã thừa nhận tấn công tình dục người phụ nữ đầu tiên tố cáo ông, đưa ra lời xin lỗi và cho biết sẽ từ chức. Nhưng ông này không phản hồi cáo buộc của cô Xiao. Quỹ từ thiện của ông, trong một tuyên bố, cho biết sẽ nâng cao nhận thức của nhân viên về vấn đề này, cũng như ban hành hướng dẫn đối phó với nạn quấy rối tình dục.

Trong xã hội Trung Quốc hiện nay, phụ nữ vẫn chưa thực sự có tiếng nói trong các lĩnh vực kinh doanh và chính trị: Trung Quốc đứng thứ 100 trong 144 nước trên thế giới về bình đẳng giới, theo số liệu của Diễn đàn kinh tế thế giới.

Những phụ nữ dám lên tiếng tố cáo các hành vi xâm phạm tình dục phải đối mặt với nhiều nguy cơ như bị dư luận dị nghị, áp lực chính trị và sự kiểm soát. Đây cũng là những trở ngại khiến phong trào #MeToo ở Trung Quốc chuyển động chậm hơn so với các nước khác.

Dù Trung Quốc đã có luật bảo vệ nạn nhân bị tấn công tình dục, các luật sư cho biết các nạn nhân vẫn gặp nhiều rào cản như khó khăn trong việc chứng minh tội phạm, trong khi luật pháp cũng chưa định nghĩa rõ ràng về quấy rối tình dục.

Trong các vụ #MeToo ở các trường đại học vừa qua, có một cựu sinh viên kiện một quan chức trong trường tấn công tình dục. Vụ án được thụ lý từ đầu năm nay mà đến nay vẫn chưa xử xong.

Sau khi ông Lei bị nêu tên, các cáo buộc khác cũng theo nhau xuất hiện, trong đó nổi bật là Zhang Wen, một cây bút tạp chí. Một phụ nữ tố trên mạng xã hội là ông này đã cưỡng bức cô khi cô say rượu. Một số phụ nữ khác, trong đó có cả nhà văn Jiang Fangzhou, cũng nói ông Zhang đã quấy rối họ.

Du vap phai nhieu tro ngai, lan song #Metoo o Trung Quoc lan rong tro lai
Các cáo buộc về quấy rối tình dục ở Trung Quốc trước đây chủ yếu tập trung trong trong các trường đại học, đã có một cựu sinh viên kiện một quan chức trường ra toà vì tội tấn công tình dục. Ảnh: WANG ZHAO/AFP

Ông Zhang thì ra tuyên bố nói chuyện xảy ra giữa mình và người phụ nữ cáo buộc cưỡng hiếp là "đồng thuận". Cũng đăng đàn trên mạng xã hội, ông này viết: “Chuyện đàn ông và phụ nữ có tiếp xúc thân thể thân mật như ôm ấp hay hôn hít sau khi uống rượu là bình thường mà”.

Đến tuần này thì xuất hiện những cáo buộc đối với Zhu Jun, người dẫn chương trình danh tiếng của Truyền hình trung ương Trung Quốc, người hàng thập kỷ nay vẫn đều đều chủ xị Gala Chào Xuân hàng năm, được coi là chương trình nhiều người xem nhất cả nước.

Một thực tập sinh từng làm việc trong chương trình này ở Bắc Kinh cho biết trên mạng xã hội rằng cô đã báo cảnh sát sau khi ông này tìm cách sờ soạng cô, nhưng cảnh sát lại gây áp lực để cô rút lại tố cáo, lấy cớ là nhân vật này có “ảnh hưởng tích cực” trong xã hội. Cảnh sát Bắc Kinh lẫn đài CCTV đều từ chối bình luận. Bản thân ông Zhu cũng không phản hồi.

Theo nhà văn Chun Shu, các vụ #MeToo ở Trung Quốc gặp phải rất những rào cản rất đặc thù, trong đó có nhận thức hạn chế của công chúng về quyền phụ nữ. “Có quá nhiều lý do để không nói ra”, cô chỉ ra ra những nguy cơ như tổn thương lòng tự trọng và nỗi sợ bị người đời chê cười. “Không ít bạn bè của tôi nói với tôi là họ bị cưỡng hiếp, nhưng họ không lên tiếng vì cái giá phải trả là quá lớn - họ không muốn bị chà đạp thêm một lần nữa”.

Tuy vậy, nhìn ở khía cạnh tích cực thì phong trào #MeToo cũng đang góp phần nâng cao nhận thức của công chúng, thái độ của họ đối với các nạn nhân cũng đang có chiều hướng thay đổi.

Trong số những người tìm đến mạng xã hội để chia sẻ, một cô gái 17 tuổi đã tố cáo một cựu vận động viên Olympic và một huấn luyện viên cầu lông có những hành vi không đúng đắn về tình dục.

“Tôi mong sẽ có thêm nhiều cô gái bị họ xâm hại phá vỡ sự im lặng”, cô gái viết. “Chúng tôi lắng nghe bạn, cảnh sát lắng nghe bạn. Bạn là nạn nhân, nhất định bạn sẽ được bảo vệ”. Cả hai người đàn ông bị nêu tên trên đều không thể liên lạc được.

Trong lúc đó, ở thành phố Hải Khẩu lại có chuyện hai cảnh sát bị tố là làm sai khi xử lý một cáo buộc hiếp dâm. Người phụ nữ tố cáo, cũng lên mạng xã hội, nói rằng hai cảnh sát này đã giục cô rút tố cáo, và đại diện của cơ quan nơi người đàn ông bị tố cáo công tác, hãng hàng không Hải Nam, cũng bảo cô đừng có đi báo cảnh sát. Người đàn ông họ Bai này cũng không thể liên lạc được.

Chính những dấu hiệu mâu thuẫn trên là lý do khiến nhiều người nghi ngại phong trào #MeToo ở Trung Quốc có thể đi đến đâu, nhất là khi chính quyền vẫn ưu tiên ổn định xã hội hơn cả. Ở Trung Quốc, #MeToo vẫn là một cụm từ nhạy cảm.

Đại An (theo WSJ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI