Xa như trăng mà cũng gần như trăng. Vầng trăng viễn xứ ấy vừa khép mắt nghỉ ngơi sau bảy mươi bảy năm thân phận với đời. Nếu ánh trăng được phản chiếu từ mặt trời, thì thơ ca được ngân lên, vọng ra từ va đập của cuộc sống. Khi viết về ông, chẳng hiểu sao tôi liên tưởng đến một cái chuông “cự phách” được đúc từ năm 1942 thế kỷ trước.
Nhớ một lần cà phê vỉa hè Sài Gòn năm 2009, có dịp nghe ông kể chuyện về cái tên của mình.
“Mẹ chú là một người con gái đẹp, đa tình, hát ru rất hay. Bà lấy chồng năm mười sáu tuổi, mười một lần sinh nở... nhưng chỉ nuôi được sáu. Chú là con út. Lần sinh thứ mười một là lần sinh khó nhất của bà. Chú cũng không biết khi sinh ra chú có hình hài thế nào, có gì đặc biệt không ngoài bàn tay sáu ngón... Có lẽ ông cụ hy vọng gia đình sẽ có một tay cự phách lẫy lừng nên đã đặt cho chú cái tên rất oách: Lê Cự Phách. Chính cái tên và bàn tay sáu ngón kỳ dị mà suốt thời thơ ấu, chú bị chúng bạn trêu chọc tới phát khóc.
Chú mang mặc cảm nặng nề ấy lên tới trung học, mới được giải phẫu cắt bỏ ngón thừa. Gia đình chú theo Nho giáo, các cụ cho tới đời ông bà, nhiều người học thuật uyên thâm nhưng không phát về khoa bảng... Khi chú bốn tuổi thì bố mất, bù lại, chú được sống, được nuông chiều trong đầy ắp tình thương của mẹ, chị gái và chị dâu... Có lẽ thế, nên trong văn chương của chú, phần lớn nhân vật chính là phái nữ và ở ngôi thứ nhất số ít...”.
Khi kể câu chuyện này, tự nhiên, tôi mường tượng lại cái dáng ngồi gù gù, giọng ấm, chậm rãi của ông. Giống lúc viết, khi nói, ông cũng nắn nót từng âm tiết. Khoảng nghỉ giữa “chấm, phẩy” trong câu chuyện là ánh nhìn xa xăm và khói thuốc. Mười năm về trước, Du Tử Lê hút thuốc rất nhiều, hầu như điếu này nối điếu khác. Sau này, vì bệnh nặng, bác sĩ bắt ông bỏ thuốc. Trong một video quay lại cảnh tập vẫy tay (dịch cân kinh), ông “hút thuốc trộm, hút thuốc tranh thủ”, hút... rất kinh, cứ mỗi nhịp lên xuống vẫy tay là hít một hơi thuốc, hít vào thở ra... khói thuốc phì phà thơm lừng đều đặn. Nhớ lại hình ảnh ấy, không hiểu vì sao thương và buồn cười đến chảy nước mắt.
Có một lần trò chuyện, tôi thắc mắc: “Chú thành thạo tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ và đang sống ở Mỹ, sao chú không dùng tiếng Anh cho văn chương của mình, như thế sẽ dễ lan tỏa đến người đọc toàn cầu hơn?”. Ông cười to sảng khoái: “Ông cháu” muốn tôi thành ông Cự Phách thế giới thật à? Chú yêu tiếng Việt, càng lớn, càng ngẫm nghĩ, chú càng thấy tiếng Việt mình đáo để lắm Tâm à”.
Và vì thế, Du Tử Lê - chẻ chữ, dán chữ. “Làm thơ là làm chữ” - nhà thơ Lê Đạt từng nói vậy. Du Tử Lê còn hơn thế, ngoài làm chữ, trồng chữ, ông còn chăm bón, tỉa tót, xiêm áo cho chữ. Từ những năm 1980, thi sĩ đã chú trọng chẻ chữ để thêm hoặc cho rõ nghĩa, như: đêm, ngày; chia, ly; chữ, nghĩa; cha, mẹ; buồn, vui; thương, nhớ... và dán chữ (viết liền thành những từ kép) gồm cả danh từ, lẫn tính từ, như: tối sáng = tốisáng; trời đất = trờiđất; xấu tốt = xấutốt; phải trái = phảitrái... Về phương diện ngữ nghĩa, đó là những từ kép mang tính tương phản, nhịp nhàng, đối xứng. Bởi lẽ: “Mất với còn chưa hẳn khác nhau đâu” hoặc: “Đi với về, cũng một nghĩa như nhau”.
Ca khúc Khúc Thuỵ Du - Tuấn Ngọc:
Sẽ chẳng mấy ai phản đối khi nói rằng Du Tử Lê là một nhà thơ hiếm hoi, một cõi thơ riêng, biệt. Viết về cái hay, cái trữ tình, cái xung chấn, cái lay, cái lặng, khi đọc thơ ông, thì đã có hàng trăm bài viết. Khởi thủy của thơ là lời nói, rồi từ vài ngàn năm nay, khi loài người có chữ viết thì thơ là một nghệ thuật dùng chữ. Chữ là một ký hiệu, những gạch chéo, chấm, phẩy, gạch ngang cũng là một ký hiệu... chúng bình đẳng với nhau. Có lẽ thế, trong thơ Du Tử Lê không ngần ngại khai thác, đưa các ký hiệu vào thơ như những ký hiệu, dấu trong toán học. Ông không cố tình làm khó người đọc, hay tạo ra cái khác khi nó vô nghĩa, mà ngược lại, ông muốn người đọc cùng sáng tạo, cùng tan vào văn bản thơ. Mỗi người sẽ có một cách ngắt nhịp, nghỉ/nghĩ khi nhìn vào.
Với Du Tử Lê, thơ cũng thành ngôn ngữ hằng ngày của nhiều người. Thơ ông được yêu mến ở bất kỳ vùng miền, độ tuổi, giới tính, quốc tịch nào. Ông đã nâng tiếng Việt lên, vượt thoát những cách nói, cách viết, cách hiểu thông thường. Đặc biệt, có những câu thơ của ông đã trở thành ngôn ngữ thú vị khi người dùng “nói” nó đúng lúc. Thí dụ: “Anh ở đâu đó? Sao hẹn em mà giờ này chẳng thấy anh đâu? Hay anh đang ở chốn nhân gian không thể hiểu?”. Hoặc: khi nghe chàng tỏ tình xong, nàng sung sướng hỏi: “Vì sao anh yêu em?”. Chàng khóa môi nàng, và nghe mắt mũi chân tay bừng sáng: “Đừng bao giờ em hỏi vì sao ta yêu nhau...”.
Những người sành nhạc, sẽ không lạ gì với: Đêm, nhớ trăng Sài Gòn - Phạm Đình Chương; Ơn em - Từ Công Phụng; Khúc Thụy Du - Anh Bằng; Trong tay thánh nữ có đời tôi, Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời, Khi tưởng tới người vắng mặt - Trần Duy Đức; K. khúc của Lê, Lệ buồn nhớ mi - Đăng Khánh. Không chỉ ghép thơ - nhạc, mà từ một truyện vừa Tôi với người chung một trái tim cũng được nhạc sĩ Đăng Khánh phổ thành bài hát Hạt mưa bay cuối đời. Lạ! Xương sống, hồn thơ Du Tử Lê đã trổ ngàn cánh nhạc, và bay!
Đến thời điểm hiện tại có hơn ba trăm ca khúc được các nhạc sĩ danh tiếng phổ/phỏng thơ Du Tử Lê. Quả là độc nhất vô nhị trong bầu trời thi ca Việt, nếu không muốn nói là thế giới. Bảy mươi bảy năm sống cật lực với đời, thì có hơn sáu mươi năm nghịch chữ. “Chú mơ ước khi mất đi, sẽ để lại số đầu sách bằng số tuổi” - ông từng nói với tôi vậy. Và, trước khi nghỉ chơi, ông đã toại nguyện, bảy mươi bảy đầu sách, như bảy mươi bảy cọc nhọn găm vào tâm thức người trọng chữ, không phải trăm năm, mà là muôn năm sau.
Về thôi chú Du Tử Lê! Bên này đang mùa trăng, về cho đỡ nhớ cái trăng Sài Gòn, đỡ nhớ nghĩa trang bè bạn. Về để khóc òa, khóc thành tiếng, về để không phải cúi đầu giấu nước mắt khi nhắc đến mẹ và quê hương.
Hồ Minh Tâm