Dự trù phát sinh khi cho phép các luật về bất động sản có hiệu lực sớm

21/06/2024 - 16:03

PNO - Đồng tình đưa các luật về bất động sản có hiệu lực sớm, song ĐBQH lưu ý phải dự trù và có giải pháp ứng phó với các vấn đề phát sinh.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng
ĐBQH Hà Sỹ Đồng cho rằng, một số cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm cũng vì những bất cập trong luật về bất động sản

Chiều 21/6, Quốc hội thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Từ thực tiễn điều hành ở địa phương, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho biết rất mong muốn các luật này sớm đi vào cuộc sống. Bởi, các luật hiện hành có sự chồng chéo, mâu thuẫn, cách hiểu, cách thực hiện còn quá nhiều bất cập.

Ông cũng nêu quan điểm, nhiều cán bộ nhà nước vi phạm pháp luật, vướng vòng lao lý cũng một phần vì sự bất cập đó. Nhiều cán bộ “né tránh”, “đùn đẩy” sợ trách nhiệm cũng có lý do từ bất cập đó, nên các luật có hiệu lực sớm ngày nào thì tình trạng trên sẽ được cải thiện sớm ngày đó.

Dù vậy, ĐBQH Hà Sỹ Đồng lưu ý, những vấn đề được Ủy ban Kinh tế chỉ ra cũng cần được quan tâm đầy đủ, nhất là phải nhận diện, đánh giá sự ảnh hưởng, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là phản ứng, tâm lý của xã hội.

Về điều kiện đảm bảo, Chính phủ khẳng định có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật được ban hành đảm bảo tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành khi có hiệu lực từ ngày 1/8.

“Tất nhiên, đây được coi là điểm tựa để các đại biểu thông qua việc có hiệu lực sớm. Điều tôi băn khoăn là tiến độ ban hành các văn bản đó phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị của các bộ, ngành” - ông nói.

Ông cho rằng, Chính phủ đề xuất và phải chịu trách nhiệm là đúng, nhưng mỗi ĐBQH khi đã “bấm nút” cũng phải có trách nhiệm với quyết định của mình. Bởi vậy, trước khi thông qua luật, cơ quan soạn thảo nên gửi tới Quốc hội những vấn đề có thể phát sinh khi các luật trên có hiệu lực sớm, nếu có thì giải quyết thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân đề xuất có dự trù rủi ro và các phương án
ĐBQH Nguyễn Quang Huân đề xuất có dự trù rủi ro và các phương án xử lý vướng mắc khi luật đưa vào sớm hơn 5 tháng

Đồng quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) chỉ ra, Tờ trình của Chính phủ đã nghiên cứu rõ những tác động của việc ban hành sớm 4 luật. Hiện, các doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn, nếu có thể khơi thông sẽ tác động tốt đến nền kinh tế, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm. Có những doanh nghiệp FDI muốn mở rộng sản xuất nhưng hiện phải dừng lại vì vướng luật. Các doanh nghiệp FDI có kế hoạch bố trí vốn, chỉ cần chậm trễ có thể dẫn tới tái cơ cấu, hoặc chuyển đổi khu vực đầu tư.

“Bởi vậy, ban hành luật càng sớm càng tốt” - ông Nguyễn Quang Huân khẳng định.

Tuy nhiên, ĐBQH cũng dẫn báo cáo thẩm tra đã nêu ra chi tiết, trong đó có vấn đề ban hành các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn luật. Trong thảo luận tổ, nhiều địa phương nêu khó khăn: “Nếu Trung ương chưa hướng dẫn thì địa phương lấy đâu căn cứ để thực hiện?”. Đây là vấn đề ĐBQH lưu ý.

ĐBQH đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành các nghị định để các địa phương yên tâm. Đồng thời, tổ chức tập huấn đồng loạt để hoàn thành hướng dẫn ở địa phương mình. Với một số địa phương đặc thù như vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số... có thể xem xét cơ chế miễn trừ, cho làm sau khi chưa sẵn sàng.

Chính phủ cũng nên dự trù các rủi ro nảy sinh, cách ứng phó. Ông cho rằng, không thể nói chung chung rằng Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm. Khi thực hiện có thể có những cái vướng, phải ứng phó rủi ro. Cả Quốc hội, Chính phủ, địa phương cần chung tay giải quyết.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) chia sẻ, người dân đang mong đợi điều chỉnh luật sớm: “Nửa năm là thời gian quý giá cho sự phát triển. Ở đó có cơ hội giải tỏa vướng mắc, khơi thông cho luật đất đai và các nguồn lực cộng sinh khác để phát triển”.

Ông đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc bứt phá về thể chế. Trong bối cảnh có tâm lý sợ sai, Chính phủ đã dũng cảm vượt lên nỗi lo ngại này.

Quốc hội đã trình dự án “1 luật sửa 4 luật” với quyết tâm thực thi sớm, nhận trách nhiệm về mình nếu có các vấn đề khó khăn, vướng mắc. Tinh thần đó, theo ông rất cần được cổ vũ. Sự chuẩn bị của Chính phủ, theo ĐBQH đánh giá cũng đã rất chu đáo, lâu dài. Đây không phải vấn đề “ngày một ngày hai” mà có quá trình nghiên cứu rà soát. Phần lớn các vấn đề trong luật có thể áp dụng ngay, chỉ một số ít vấn đề cần hướng dẫn của Chính phủ và địa phương.

“Đưa các vấn đề đã rõ, đã chín vào cuộc sống là thành công rồi” - ông nói.

Một trong những cách làm tốt nhất hiện nay, theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc, là các địa phương không cần đợi Chính phủ có hướng dẫn mà chuẩn bị ngay văn bản hướng dẫn thuộc trách nhiệm của mình. Trong quá trình này Chính phủ có thể gửi các dự thảo cho địa phương, trong đó nên có các điểm đã đạt được đồng thuận cao để địa phương chủ động xây dựng.

Với quyết tâm của Chính phủ và các địa phương, ĐBQH tin tưởng sẽ đưa các dự án luật có hiệu lực sớm hơn 5 tháng một cách thành công.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI