Dịch vụ du lịch du thuyền "đau đầu" chuyện bến bãi

02/01/2021 - 16:25

PNO - Khi mà các dự án bất động sản hạng sang nằm ven sông Sài Gòn, những du thuyền trị giá hàng triệu USD cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn, đó dần như môi tiêu chuẩn mới của giới nhà giàu.

Sở hữu, cho thuê du thuyền đều "nóng"

Giới kinh doanh du thuyền đánh giá, trong vòng 3-4 năm nay, thị trường du thuyền tại Việt Nam đã bắt đầu khởi sắc trong khu vực Đông Nam Á. Nếu như trước đây nhiều người chỉ nghe về những du thuyền hạng sang của một nữ diễn viên, một nữ ca sỹ hay của một vài cặp vợ chồng doanh nhân nổi tiếng, thì hiện nay sản phẩm này dần phổ biến hơn. Số người sở hữu du thuyền nhiều hơn nhưng họ thường khá kín tiếng, trong khi các dịch vụ cho thuê dòng sản phẩm này ngày một nhiều hơn, đối tượng tiếp cận du thuyền nhờ vậy cũng đông đảo hơn.

Tính từ năm 2017, chỉ có 3, 4 doanh nghiệp gia nhập thị trường, hiện tại con số đã tăng lên 15 doanh nghiệp trong đó có những đơn vị được ký kết độc quyền với các thương hiệu du thuyền danh tiếng toàn cầu.

Các doanh nghiệp khai thác dịch vụ cho thuê du thuyền chủ yếu nhắm đến nhu cầu thưởng ngoạn, du lịch trên sông của khách du lịch, tiếp khách hay phục vụ các sự kiện.... Mức giá dịch vụ này thường được tính theo giờ thuê, dao động từ 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng cho 2 – 3 tiếng, tùy theo phân khúc (du thuyền hạng sang, tầm trung) hoặc theo thương hiệu.

 

Khách hàng trải nghiệm du thuyền Lagoon trên sông Sài Gòn. Ảnh: Quốc Thái
Khách hàng trải nghiệm du thuyền Lagoon trên sông Sài Gòn. Ảnh: Quốc Thái

Chẳng hạn, mức giá thuê du thuyền tầm trung loại 2 – 3 phòng ngủ của V.Y - một doanh nghiệp nhập khẩu du thuyền đang được niêm yết từ 6,5 – 9 triệu đồng/tiếng. Doanh nghiệp này chưa có dịch vụ cho thuê du thuyền hạng sang vì đánh giá nhu cầu hiện chưa nhiều.

T.S, một đơn vị cho thuê duy thuyền khác thì phân ra nhiều mức giá theo từng dòng sản phẩm và có sự chênh lệch rất lớn. Du thuyền Lagoon được liệt vào dòng siêu sang có giá cao nhất, lên đến hơn 158 triệu đồng/3 tiếng, các dòng có giá thấp hơn như Princess F62 (32,4 triệu/2 tiếng) và Grand Turismo 40 (21,6 triệu/2 tiếng)...

Ông Trần Nhuận Vũ - Giám đốc Kinh doanh – Tiếp thị công ty nhập khẩu du thuyền T.S cho biết, doanh thu từ mảng thuê du thuyền đang tăng mạnh, các loại du thuyền với giá thuê dưới 1000 USD/giờ thường có khách đặt khoảng 3 – 4 chuyến/tuần. Trong khoảng thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát , dịch vụ này phát triển tốt hơn, mang lại doanh thu ổn định.

“Những chiếc du thuyền với sức chứa 10 người, giá tầm 20 triệu/2 tiếng, tương đương mỗi người chi trả có 1 triệu/1 tiếng. Đa số khách thuê du thuyền sẽ có đầu bếp riêng, với những khách có nhu cầu phục vụ món ăn công ty cũng đáp ứng với giá từ 1 – 2 triệu/người/bữa ăn”, ông Vũ nói thêm.

Cũng theo đại diện T.S, tại Việt Nam hiện có khoảng 100 chiếc du thuyền cá nhân trong đó đơn vị của ông đã nhập khẩu 34 chiếc trong vòng 3 năm, cho thấy số lượng người Việt đang có nhu cầu sở hữu du thuyền riêng đang tăng lên.

Một lượt thuê du thuyền có giá vài chục đến hàng trăm triệu đồng cho vài giờ trải nghiệm tại Sài Gòn. Ảnh: Quốc Thái
Một lượt thuê du thuyền có giá vài chục đến hàng trăm triệu đồng trong vài giờ - Ảnh: Quốc Thái

Mặc dù chi phí sở hữu du thuyền rất cao nhưng thực tế nhu cầu sử dụng của chủ nhân không cao, mỗi gia đình thường dùng vài lần trong tuần nhưng chi phí để bảo dưỡng mỗi tháng lên đến hàng chục triệu.

Nhiều nhất là dành cho bến bãi, ví dụ du thuyền 10 mét thì mỗi tháng tốn tầm 10 triệu đồng tiền bến bãi, thêm một nhân viên bảo trì bảo dưỡng du thuyền. Với thuyền lớn hơn, cần từ 3 – 4 người trong đó phải lau chùi thuyền mỗi ngày, bật máy lạnh để bảo dưỡng nội thất, mở cửa thông gió…  ông Vũ nói.

Mức giá thuê bến bãi du thuyền tại nhiều doanh nghiệp khác từ 25 - 35 triệu đồng/chiếc/tháng (tính theo diện tích du thuyền, phổ biến hiện nay là 16 - 18m). Chưa kể chi phí thuê nhân viên bảo dưỡng, bảo trì… rơi vào trên dưới 20 triệu/tháng.

Nhiều người sau khi mua du thuyền đã quyết định “ký gửi” vào các đơn vị cho thuê để đầu tư và khai thác thêm lợi nhuận, bù vào khoảng chi phí bảo trì”, ông Vũ cho hay.

Quản lý du thuyền không dễ như... xe

Theo ông Bùi Hoà An - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, du thuyền đăng ký là phương tiện thuỷ cá nhân không có kinh doanh chỉ thực hiện đăng kiểm như xe ô tô. Trường hợp du thuyền thương mại thì buộc phải đăng ký thêm giấy phép kinh doanh.

Về vấn đề bến bãi du thuyền, ông An cho rằng, hiện nay do chưa có quy định cụ thể về bến bãi du thuyền. Hiện tại chỉ cấp phép với các cảng, cảng thuỷ nội địa, bến khách ngang sông, các cảng container… theo quy hoạch của thành phố. Đối với phương tiện cá nhân thì chưa có quy định nên hiện tại hoạt động bến bãi đối với du thuyền cá nhân trên sông vẫn phụ thuộc chính vào các bến, bãi đã được đăng ký và cấp phép với sở. 

Đồng thời, đại diện Sở GTVT cũng cho hay, hiện Sở đang rà soát lại pháp lý để kiến nghị đến chính phủ về việc cấp bến, bãi đối với du thuyền cá nhân.

Một cảng du thuyền tại quận 2, TPHCM. Ảnh: Quốc Thái
Một cảng du thuyền tại quận 2, TPHCM. Ảnh: Quốc Thái

Trước vấn đề ngày càng nhiều cá nhân sở hữu du thuyền cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trang bị thêm du thuyền để phục vụ phát triển du lịch,  Sở GTVT cũng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý. "Hiện tại quản lý du thuyền giống như đường bộ, đôi khi mất an toàn đường thuỷ. Tuy nhiên luật đường thuỷ chưa chặt chẽ, chỉ nhắc đến loại hình này và chưa có quy định liên quan, cụ thể", ông An nói thêm.

Dịch vụ du thuyền nghỉ dưỡng chưa khai thác đúng tầm

Chia sẻ với phóng viên báo Phụ Nữ TPHCM, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó TGĐ Vietravel cho biết, đơn vị này hiện đang triển khai dịch vụ ăn tối vả ngủ đêm trên du thuyền, tại các địa điểm như sông Sài Gòn, Nha Trang, Hạ Long - Lan Hạ, ĐBSCL… với mức giá tầm trung đến cao cấp. "Đây là một dịch vụ có tiềm năng phát triển rất tốt, nhưng với điều kiện là làm đồng loạt", bà Phương Hoàng cho biết.

Tuy nhiên, đại diện Vietravel cũng cho rằng, điểm khó khăn với dịch vụ du thuyền trên sông là điểm đón khách. Trước đây, đơn vị có thể đón khách ở ngay chỗ bến Nhà Rồng và dọc cung đường Tôn Đức Thắng nhưng giờ phải đón xa hơn như Thanh Đa. Do đó, các đơn vị du lịch gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển du lịch gắn với du thuyền.

Những chiếc du thuyền cá nhân đang được bày triển lãm tại một bến thuyền Q.2, TPHCM. Ảnh: Quốc Thái
Những chiếc du thuyền cá nhân đang được bày triển lãm tại một bến thuyền Q.2, TPHCM. Ảnh: Quốc Thái

Còn theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng truyền thông - Maketing Công ty TST Tourist đánh giá, việc TPHCM hiện tại đã có du thuyền du lịch theo hai mô hình đứng tại chỗ và di chuyển, đây là một thị trường có tiềm năng phát triển mạnh nhưng theo ông, thời điểm hiện tại chưa phải là giai đoạn thích hợp để các doanh nghiệp đầu tư “mạnh tay” vào dịch vụ này.

“Đầu tiên, thời điểm này ngành du lịch đang gặp khó khăn chung vì dịch bệnh, doanh thu sụt giảm mạnh. Thứ 2, các đơn vị du lịch cần nghiên cứu thêm tính an toàn, gia tăng dịch vụ ngủ đêm trên sông, ăn tối trên sông… để tạo nên sản phẩm du lịch đột phá, chất lượng nhằm giữ chân du khách. Năm 2021 là năm phát triển du lịch trong nước nên cần đột phá dịch vụ thì có thể đón đầu lượng khách du lịch”, ông Mẫn nói.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI