Mới đây, bé Bông nhà tôi và bạn hàng xóm bám cổng rào mỗi nhà để “tám” chuyện với nhau, bé nào cũng khẩu trang kín mít. Cu Dừa còn cẩn thận, thêm tấm kính chắn giọt bắn. Bé Sơ Ri ở xa nhất nên phải gào lên các bạn mới nghe rõ.
Tôi nghe bé Nhím than: "Mẹ mình đặt bánh Trung thu mà không được. Giờ mình thèm bánh quá". Tiếng bé Sơ Ri: "Lồng đèn tui cũng không có". Cu Dừa thì nói: "Lồng đèn tui còn nghen, chỉ sứt một bên hà. Ba tui nói sẽ dán lại, nhưng không có ai chơi cùng nên không vui"...
Thấy tụi nhỏ hào hứng vì được "gặp" nhau, tôi không đành lòng bắt con vào nhà.
|
Bé Bông (bìa trái) năm trước cùng bạn bè rộn ràng chuẩn bị tiết mục múa tết Trung thu
|
Trung thu năm ngoái, giờ này các con đã xúm xít váy áo, tập múa để diễn văn nghệ. Trường tổ chức đêm hội Trăng rằm, các con được chơi rước đèn, xem diễn văn nghệ, kịch chú Cuội - chị Hằng, múa lân... Cuối buổi còn được phá cỗ Trung thu, được một phần bánh mang về.
Năm nay, tết Trung thu vẫn đến, nhưng tụi nhỏ không có bánh ăn, không được chơi rước đèn cùng nhau, nhà nào đóng cửa nhà nấy để phòng dịch.
Mấy hôm nay, trên mạng có một clip ấm áp ghi lại cảnh phát quà Trung thu ở một xóm nhỏ. Mùa dịch, thiếu thốn đủ thứ, các tình nguyện viên cố gắng hết sức để trẻ em có một cái tết đủ đầy. Các chị cải tiến xe đẩy thành xe quà, trang trí đèn màu, đèn ngôi sao, bong bóng xanh đỏ... phát nhạc Trung thu rộn ràng.
Mỗi phần quà gồm bánh Trung thu, sữa tươi, sữa chua, bánh ngọt... Bọn trẻ trong khu phố hớn hở ào ra nhận quà. Không khí tĩnh lặng mùa dịch được khoấy động rộn ràng. Những đứa trẻ đã được an ủi trong mùa Trung thu kỳ lạ nhất.
|
Tiếng nhạc và bong bóng, đèn ông sao làm rộn ràng xóm nhỏ - Nguồn: Facebook |
Người lớn nhìn cảnh các con chộn rộn bên xe quà, hẳn ai cũng xúc động. Trông lại bọn trẻ xóm mình, tôi thương quá mà chưa nghĩ ra cách nào.
Chồng tôi gợi ý: "Anh thấy nhà có bột mì, hạt điều, lạp xưởng... vợ chồng mình ra tay là tụi nhỏ có bánh ăn".
"Nhưng không có trứng muối", tôi chợt nhớ. Chồng nói: "Dễ ợt, chỉ cần tách lấy lòng đỏ trứng, ủ vào muối, hôm sau là thành trứng muối". Thì ra chồng tôi đã âm thầm nghiên cứu cách làm bánh Trung thu.
|
Bánh nhà làm, dù thiếu nguyên liệu vẫn ngon |
Vỏ bánh chỉ cần nhồi bột mì với nước đường thắng kẹo, ngũ vị hương, bơ đậu phộng... Nhân bánh thì có hạt bí, hạnh nhân, lạp xưởng, chà bông. Lá chanh không có thì xin hàng xóm ít lá tắc...
Bé Bông háo hức giành phần mài vỏ chanh, giã hạt hạnh nhân. Cả nhà xúm xít nhào nhào nặn nặn. Nhìn thành quả y hệt... bánh bán ngoài tiệm, bé Bông sung sướng: "Thơm quá mẹ ơi. Vậy là nhà mình có bánh ăn rồi".
Chồng tôi nháy mắt: "Anh sẽ cho một con bất ngờ khác".
Anh lôi ra lon sữa cũ, dùng kềm cắt dọc cắt xuôi, xoay tới xoay lui một hồi thành chiếc đèn cho con. Tôi nhìn chiếc đèn đơn sơ, bao ký ức ùa về: tuổi thơ tôi ở đó, quê nhà tôi ở đó.
Ngày xưa, tôi và các bạn ở quê được cha mẹ làm cho lồng đèn trung thu từ lon sữa bò như vậy. Đêm rằm, trăng chưa lên, chúng tôi đã hớn hở rủ nhau rước đèn quanh xóm. Dùng nắp nồi, thùng thiếc thay trống múa lân. Cả bọn tụ tập ở đầu xóm coi đèn ai đẹp nhất, to nhất. Bánh Trung thu thời đó chỉ là bánh con heo làm bằng bột mì, vậy thôi mà vui khôn tả.
|
Đèn lon tự chế gợi nhớ tuổi thơ bao người |
Bé Bông nhìn chiếc đèn thích quá, xin ba làm thêm vài chiếc để tặng bạn Sơ Ri, bạn Nhím...
Lồng đèn đã có, tôi cũng dành sẵn vài chiếc bánh tặng bọn trẻ. Dù các con chỉ đứng ở cổng rào nhà mình, ăn bánh và chơi rước đèn cùng nhau cách một khoảnh sân, nhưng được vậy cũng đủ vui, đủ xua tan không khí mùa dịch.
Thời xưa gian khó mà ông bà, ba mẹ luôn biết cách mang lại cho con cái nhiều niềm vui. Giờ cuộc sống đủ đầy, dịch bệnh dẫu có khiến bếp nhà thiếu thứ này thứ kia, nhưng cũng đâu làm khó được những ông bố bà mẹ.
|
Bánh trung thu sáng tạo của bạn tôi |
Trung thu này, bạn tôi nghĩ ra món bánh có một không hai. Bạn nấu xôi, dùng một nửa trộn với thanh long làm vỏ bánh, một nửa còn lại làm nhân bánh với trứng muối. Bánh của bạn nhìn màu sắc, ngon lành không kém bánh mochi của Nhật, khiến bạn bè thán phục. Bọn trẻ nhà bạn thì vui khỏi nói, chúng năn nỉ: "Mai làm bánh như vầy nữa nha mẹ".
Chưa hết dịch, tạm vậy các con nhé. Dịch rồi sẽ qua, các con rồi sẽ được đến trường, được tung tăng chơi đùa cùng nhau.
Thanh Mỹ