Một số đổi mới trong dự thảo
Danh hiệu NSND, NSƯT được xem như phần thưởng lớn cho những đóng góp của nghệ sĩ vào lĩnh vực văn hoá nghệ thuật nước nhà. Hiện nay việc xét tặng danh hiệu này căn cứ vào Nghị định số 89/2014/NĐ-CP . Tuy nhiên, sau nhiều lần xét tặng danh hiệu, Nghị định 89 cho thấy nhiều bất cập. Quá nhiều rào cản trong quy định hiện hành khiến nghệ sĩ tổn thương, gây bức xúc trong dư luận và những người làm nghề.
Trước những tồn tại của Nghị định 89, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều về việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Dự thảo đang trong thời gian lấy ý kiến trước công chúng.
|
Quy định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT trong những năm qua còn nhiều bất cập khiến không ít nghệ sĩ bị tổn thương. |
Thay đổi đầu tiên trong dự thảo này so với Nghị định 89 là thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân nghệ sĩ được ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, thay vì chỉ tính từ thời điểm tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp.
Dự thảo cũng đề cập đến những trường hợp nghệ sĩ đáp ứng đủ tiêu chí về phẩm chất, năng lực, sự cống hiến nhưng chưa đủ huy chương theo quy định hiện hành sẽ được hội đồng các cấp xem xét, đánh giá là trường hợp đặc biệt, thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tỉ lệ phiếu đồng thuận để hoàn thiện hồ sơ xét danh hiệu là 80%, thay vì 90% như trước đây. Ngoài ra, thành phần, số lượng thành viên của hội đồng xét duyệt cũng có sự thay đổi theo hướng giảm số lượng. Thời gian xử lý kiến nghị cũng được rút ngắn còn 15 ngày, thay cho 20 ngày như thời điểm trước.
Đổi nhưng chưa mới
Nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ để việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT trở thành sự vinh danh đúng nghĩa đối với nghệ sĩ. Trong đó, quy định về việc hợp đồng lao động theo quy định pháp luật tại một đơn vị chuyên nghiệp tiếp tục gây khó cho không ít nghệ sĩ kỳ cựu.
Lý giải điều này, NSND Kim Cương chia sẻ: “Anh chị em nghệ sĩ ngày trước trừ đào chánh, kép chánh là những ngôi sao ở các đoàn lớn mới có hợp đồng lao động, còn lại rất hiếm người được ký. Vì thế, rất khó để họ chứng minh được điều này. Chưa tính đến trường hợp những nghệ sĩ kỳ cựu phát triển nghề theo gia tộc. Họ vào nghề rất sớm nhưng chủ yếu hoạt động theo phương thức gia đình, nên chuyện có hợp đồng lao động lại càng khó”.
Hoặc cũng có trường hợp nghệ sĩ kỳ cựu, có đóng góp lớn nhưng không hoạt động cố định tại một đơn vị trong khoảng thời gian đủ dài theo quy định hiện hành, đặc biệt với nhóm nghệ sĩ cải lương của miền Nam.
Trong khi đó, một số nghệ sĩ trẻ sau này, bước ra từ những sân chơi như Chuông vàng vọng cổ có năng lực, hoạt động nghề tích cực nhưng cũng không gắn bó với một đoàn nghệ thuật nào. "Hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật" vẫn là một rào cản.
|
NSND Kim Cương cho rằng việc quy định phải có hợp đồng lao động có thể gây khó cho không ít nghệ sĩ |
Cơ chế xin - cho vẫn còn, trong khi không ít nghệ sĩ không mặn mà với việc này. “Danh hiệu phải là sự tôn vinh, trao tặng đúng nghĩa. Còn nếu xin - cho, buộc kê khai thành tích như làm lý lịch thì tôi vẫn không "mặn mà" lắm” - NSƯT Thanh Kim Huệ chia sẻ.
Nghệ sĩ Hồng Nga, một trong những tên tuổi gạo cội của nghệ thuật cải lương cũng không hài lòng với cơ chế hiện tại. “Để có danh hiệu mà phải kê khai thành tích, trong khi chúng tôi hoạt động nghệ thuật hơn nửa thế kỷ, chứ không phải không tên tuổi. Tôi chỉ có thể nói thành tích lớn nhất trong sự nghiệp của mình là đến nay khán giả vẫn thương mến nồng nhiệt, vẫn sẵn sàng mua vé nghe tôi hát. Kê khai thành tích rạch ròi thì kê khai sao cho phù hợp?”.
Gọi là "sửa đổi, bổ sung", nhưng dự thảo cho thấy quy định về huy chương, giải thưởng - điều gây bức xúc và bị phản ứng nhiều nhất sau những lần xét tặng danh hiệu, về cơ bản vẫn y như cũ.
NSƯT Kim Tử Long chia sẻ: “Nếu dự thảo bỏ hẳn tiêu chí huy chương mà xem xét thâm niên, sự đóng góp và thẩm định được tài năng của nghệ sĩ thì đó mới là hướng đi mở. Thực tế đã chứng minh huy chương, giải thưởng ở các cuộc liên hoan, thi tài năng nhiều năm gần đây không còn đủ sức chứng minh cho tài năng, thậm chí là sự đóng góp của nghệ sĩ. Huy chương đang được cào bằng ở nhiều liên hoan, hội thi... khiến giá trị giảm sút đi nhiều”.
Ngay tại Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc 2018, sau đêm trao giải, nhiều nghệ sĩ nhận giải nhưng buồn nhiều hơn vui bởi huy chương được rải đều. Trong khi thực tế, không ít trường hợp ca lỗi nhịp, diễn xuất không đạt.
|
Tại Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc 2018, việc cào bằng huy chương khiến không ít nghệ sĩ bức xúc |
Huy chương - điều bắt buộc phải có để xét tặng danh hiệu theo quy định hiện hành và trong cả dự thảo, không khác hai đầu của một dây chuyền sản xuất. Điều đó đồng nghĩa, khi chất lượng đầu vào không tốt, thì sản phẩm đầu ra cũng trở nên tệ hại.
Trong khi đó, có những tên tuổi xứng đáng được trao danh hiệu nhưng vẫn tay trắng hoàn trắng tay, hoặc chưa được tôn vinh đúng vị trí chỉ vì vướng mắc huy chương.
Một thế hệ nghệ sĩ làm nghề trên dưới nửa thế kỷ, nhưng đến khi có các hội diễn, liên hoan toàn quốc thì họ đã quá tuổi để tham gia, hoặc không thể tham gia để nhường sân cho thế hệ trẻ như: Hùng Minh, Thanh Nguyệt, Bảo Quốc, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ… Đến nay, số đông vẫn làm nghề và tiếp tục cống hiến. Nhưng dự thảo lần này vẫn chưa giải quyết rốt ráo tồn tại này.
Trường hợp của NSƯT Út Bạch Lan vẫn được NSND Kim Cương nhắc đến như một minh chứng cho rào cản của quy định hiện hành, dẫu sự đóng góp của cố nghệ sĩ lớn hơn rất nhiều so với cái gọi là huy chương, giải thưởng.
|
Tài năng và tận hiến đến cuối đời vì nghệ thuật cải lương nhưng nghệ sĩ Út Bạch Lan vẫn chưa được vinh danh đúng vị trí vì vướng mắc quy định về huy chương |
Những nghệ sĩ làm công tác giảng dạy cũng chưa được nhắc đến trong dự thảo. Đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ, họ cũng tham gia dàn dựng, biểu diễn… nhưng lại không tham gia các cuộc thi, liên hoan hoặc vì không muốn "giành huy chương" với học trò; hoặc họ thường được mời làm giám khảo các liên hoan, hội thi nên không thể "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Khi chưa có quy định cụ thể, mà chỉ canh vào huy chương như hiện tại, việc bỏ sót người tài vẫn sẽ tái diễn.
Một yếu tố khác, khi các tiêu chuẩn xét tặng được quy định rõ ràng, thì việc thành lập hội đồng xét duyệt có còn cần thiết? Bởi nếu thành viên hội đồng không nắm rõ đặc thù của môn nghệ thuật, điều kiện hoạt động ở từng địa phương, thì chỉ 1-2 cá nhân không đồng thuận sẽ dẫn đến hồ sơ nghệ sĩ bị đánh trượt. Chưa kể, việc chọn lựa, bỏ phiếu không loại trừ yếu tố cảm tính yêu - ghét cá nhân, người chịu thiệt thòi vẫn là các nghệ sĩ. Với nhóm nghệ sĩ ở địa phương, độ phủ sóng không nhiều, thành viên hội đồng xét duyệt không biết đến cũng dễ khiến họ mất cơ hội được tôn vinh.
Do vậy, việc thay đổi quy định số lượng thành viên hội đồng xét duyệt hay phần trăm đồng thuận ở dự thảo cũng không có ý nghĩa. Nên chăng, hội đồng chỉ cần thực hiện quy định này đối với những trường hợp đặc biệt.
Dự thảo đã tính đến những trường hợp không đủ huy chương để xem xét vào diện đặc biệt. Nhưng ở đây cần quy định rõ về tiêu chí để tránh địa phương chọn sai hoặc chọn sót người, hoặc tránh tình trạng cục bộ, cá nhân mà gạt tên những người xứng đáng.
|
Không ít nghệ sĩ có đóng góp cho nghệ thuật truyền thống nhưng hồ sơ bị đánh trượt bởi hội đồng xét duyệt khiến dư luận "dậy sóng". |
Dự thảo có đổi nhưng vẫn chưa mới và chưa sát với tình hình thực tế. Trong giai đoạn hoàn thiện này, cơ quan chức năng vẫn còn có thể bổ sung, cải thiện những bất cập ấy để việc trao tặng danh hiệu cho nghệ sĩ trở thành sự tôn vinh với niềm vui đúng nghĩa, chứ không còn là nơi cho những lùm xùm, tranh cãi khiến ai phải buồn lòng.
Trung Sơn