Dự thảo về trường THPT chuyên: Chưa đảm bảo sứ mệnh trường chuyên

12/11/2022 - 06:29

PNO - Dự thảo thông tư mới về trường THPT chuyên đang tước đi quyền thực hiện sứ mệnh trường chuyên, chưa đảm bảo quyền lợi của học sinh trường chyên.

Chưa đảm bảo quyền lợi cho học sinh, nhà trường

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động các trường THPT chuyên. Trong đó, có nhiều điểm mới so với Thông tư 06/2012 đã được Bộ ban hành trước đây.

Cụ thể, dự thảo thông tư mới chỉ còn 22 điều so với 32 điều trước đây. Nhiều điều đã được lược bớt, hoặc là thay đổi: bỏ đi quy định lớp thường trong trường chuyên; bỏ quy định học sinh chuyển khỏi lớp chuyên; giới hạn quy định chuyển trường của học sinh trường chuyên; bãi bỏ bộ phận nghiên cứu khoa học trong trường chuyên; bỏ yêu cầu trình độ của quản lý trường chuyên...

Đánh giá về dự thảo thông tư mới, Hiệu trưởng một trường THPT chuyên tại TPHCM nhìn nhận, dự thảo trường chuyên mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến nếu được áp dụng "có thể tạo bước lùi trong đào tạo giáo dục mũi nhọn". Dự thảo thông tư mới đã rút từ 32 điều xuống còn 22 điều. Dù vậy, các điều viết ra trong dự thảo thông tư chưa bám sát thực tế hoạt động của trường chuyên...

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong một hoạt động
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) trong một hoạt động

Hiệu trưởng này phân tích, nguyên tắc của một thông tư mới khi ra đời, điều chỉnh từ thông tư cũ phải hướng đến 3 nền tảng: hướng đến quyền lợi người học; tạo điều kiện cho giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện các nhiệm vụ tại trường chuyên; phục vụ nguyên tắc quản lý. Dù vậy, hiện nay với dự thảo thông tư mới này thì dường như mới chú trọng đến việc phục vụ nguyên tắc quản lý mà chưa thực sự chú trọng đến quyền lợi của học sinh.

"Với quy định chuyển học sinh chuyên sang trường chuyên khác, thông tư mới và thông tư cũ đều đặt ra cùng một kỳ khảo sát, như vậy hàm ý là học sinh trường chuyên ở tỉnh thành nào chỉ được chuyển trường trên địa bàn tỉnh thành đó. Như vậy, quyền lợi cho học sinh trường chuyên chưa được đảm bảo, bị ràng buộc, trong khi học sinh trường thường thì lại được chuyển nhiều nơi, từ cùng địa bàn cho đến chuyển giữa các tỉnh thành khác nhau với cơ chế rõ ràng.

Do vậy, Bộ cần quan tâm hơn đến yếu tố này để làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của học sinh trường chuyên. Ngoài ra, ở dự thảo thông tư mới cũng không còn đề cập việc chuyển học sinh ra khỏi lớp chuyên, vậy học sinh không đáp ứng được yêu cầu theo học trường chuyên thì nhà trường phải xử lý thế nào, Bộ GD-ĐT cần có hướng tháo gỡ". 

Đặc biệt, hiệu trưởng này băn khoăn, có 2 sứ mệnh quan trọng của trường chuyên là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, tuy nhiên đã bị "tước đi" công cụ, cơ chế thực hiện trong dự thảo thông tư mới.

"Thông tư 06 trước đây có đề cập đến việc thành lập bộ phận quản lý nghiên cứu khoa học. Nhưng vấn đề này trong dự thảo thông tư mới lại đã bị bãi bỏ. Ngoài ra cũng không đề cập đến bộ phận thực hiện quan hệ quốc tế. Như vậy, giao nhiệm vụ, sứ mệnh để trường chuyên thực hiện song không giao cho trường cơ chế, công cụ để thực hiện thì trường lấy đội ngũ ở đâu, kinh phí ở đâu mà thực hiện. Hô hào nghiên cứu khoa học nhưng dự thảo thông tư lại không đề cập đến vấn đề này".

Bỏ lớp thường trong trường chuyên là phù hợp

Đối với quy định bỏ lớp thường trong trường chuyên được dự thảo thông tư đề cập, hiệu trưởng một trường THPT thường tại TPHCM lại tỏ ra "hoan nghênh" nội dung này, và gọi đây là điều đáng mừng nếu được thực hiện. Theo ông, lớp thường trong trường chuyên tồn tại bao nhiêu năm qua đang gây tốn kém nguồn ngân sách. Vì giáo viên giảng dạy lớp thường nhưng lại được hưởng cơ chế của trường chuyên, gây bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục.

Ngoài ra, quy định lớp thường trong trường chuyên cũng gây thiệt thòi cho học sinh lớp thường trong trường thường trong việc được hưởng các chính sách ưu tiên trong xét tuyển đại học, trong quá trình học tập...

"Đã là trường chuyên thì phải... ra chuyên, không nên có sự nhập nhằng, lẫn lộn cả chuyên cả thường. Trường chuyên chỉ nên tập trung đào tạo giáo dục mũi nhọn theo hướng chuyên sâu, mở rộng và đi sâu vào các lớp chuyên, nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh giáo dục hợp tác quốc tế chứ không nên tạo thêm cơ chế lớp thường trong trường chuyên"- ông đề xuất. 

Dự thảo thông tư mới rút từ 32 điều còn 22 điều song chưa bám sát thực tế trường chuyên
Dự thảo thông tư mới rút từ 32 điều còn 22 điều song chưa bám sát thực tế trường chuyên

Tại TPHCM, ngoài mô hình trường chuyên còn đang song song tồn tại mô hình lớp chuyên trong trường thường. Với mô hình này TPHCM lý giải là do địa bàn thành phố rộng, việc xây dựng, tổ chức mô hình lớp chuyên trong trường thường sẽ tựa như các mô hình lớp chuyên vệ tinh, tạo điều kiện cho học sinh ở các khu vực xa không phải di chuyển nhưng vẫn có thể theo học chuyên sâu. Do đó, học sinh có năng lực vẫn có thể lựa chọn theo học tại các lớp chuyên trong trường thường để phát triển chuyên sâu... 

Một cán bộ quản lý giáo dục tại TPHCM lại chú ý đến quy định bãi bỏ yêu cầu về trình độ của cán bộ quản lý trường chuyên. Cụ thể, thông tư cũ yêu cầu trình độ cán bộ quản lý trường chuyên phải từ thạc sĩ trở lên, còn dự thảo thông tư mới không còn yêu cầu này mà chỉ cần đáp ứng yêu cầu về chuẩn tin học, ngoại ngữ theo thông tư 14, 20.

"Rõ ràng, điều này vừa tạo điều kiện cho người trẻ phát triển nhưng lại vô tình gây lãng phí nguồn lực, nguồn cán bộ giỏi. Bởi lẽ, mô hình trường chuyên là mô hình giáo dục đặc thù, phát triển giáo dục mũi nhọn của mỗi tỉnh thành và cả nước, do vậy các yêu cầu về đội ngũ giáo viên, đội ngũ quản lý bắt buộc phải mang tính đặc thù..."- hiệu trưởng này băn khoăn.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI