Nhiều ý kiến cho rằng, việc dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) - do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo - giới hạn giờ làm thêm của sinh viên chưa hợp lý ở thời điểm hiện tại. Thay vào đó, cần khuyến khích, hỗ trợ để sinh viên vừa làm thêm an toàn, vừa hoàn thành tốt việc học.
Tránh trường hợp trói nhau giữa các luật
Là sinh viên năm cuối Trường đại học (ĐH) Lao động - Xã hội, Bảo Duy cho rằng: “Nên để sinh viên tự do sắp xếp, cân bằng việc học và việc làm phù hợp với khả năng và thời gian cá nhân.
Việc tăng kỹ năng quản lý thời gian, tự chủ trong công việc cũng là một điều tốt để sinh viên hòa nhập vào đời sống sau khi ra trường. Việc học tập vốn đã nặng nề, nếu còn đối mặt với nỗi lo thiếu hụt chi tiêu hằng tháng thì sẽ càng chán nản, dẫn đến sa sút trong học tập.
Suốt 4 năm ĐH, tôi vẫn làm nhiều việc khác nhau, tự lo cho cuộc sống của mình và hoàn thành tốt chương trình học trên lớp”.
Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - nhận định: Sinh viên đều trên 18 tuổi, là công dân trưởng thành và có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật. Cơ chế đào tạo theo tín chỉ cũng cho phép sinh viên linh hoạt trong việc lựa chọn số lượng tín chỉ trong một học kỳ, có học kỳ học ít, có học kỳ học nhiều. Nếu học ít thì có thể đi làm nhiều giờ hơn và ngược lại.
Hiện nay, các cơ sở đào tạo ĐH đã có quy chế sinh viên không được nghỉ quá 20% số tiết học để giám sát việc học và đánh giá sinh viên đủ điều kiện học tiếp hay không. Do đó, các cơ quan cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng vì dự thảo này còn liên quan đến Bộ luật Lao động 2019, Luật Giáo dục.
Hay nói cách khác là phải tránh trường hợp trói nhau giữa các luật. Mặt khác, mức giờ làm thêm cụ thể cần được tính toán theo điều kiện kinh tế - xã hội từng địa phương, lĩnh vực làm thêm của sinh viên như có gần gũi với ngành học, là lao động chân tay hay trí óc…
Ông Châu Lê - nhà sáng lập F&B Insider Hub - thông tin: Khoảng 80% sinh viên tại các thành phố lớn không đặt nặng vấn đề về lương mà coi đây là cơ hội để phát triển bản thân, 20% còn lại coi tiền lương là thu nhập buộc phải có để trang trải cuộc sống hằng ngày.
Nói tóm lại, sinh viên vẫn có nhu cầu đi làm thêm vì những mục tiêu cá nhân. “Do đó, tôi nghĩ dự thảo nên cân nhắc kỹ có phải thực sự dành cho sinh viên và đang mang lại lợi ích cho sinh viên hay không.
Mặt khác, lao động của hầu hết các chuỗi doanh nghiệp F&B (food and beverage service, tức nhà hàng, quán nước...) đều là sinh viên nên góc độ nào đó, dự thảo đi vào thực thi sẽ gây ảnh hưởng đến các đơn vị. Đặc biệt là trong bối cảnh mà tỉ lệ đào thải nhân sự của ngành F&B tương đối cao, dự thảo ban hành sẽ gây thêm trở ngại cho doanh nghiệp” - ông nói.
|
Một sinh viên làm công việc vệ sinh nệm, thảm đang chở dụng cụ làm việc đến nhà khách hàng |
Trước mắt nên khuyến khích sinh viên
Thạc sĩ Trần Nam - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM - chia sẻ: dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có cách tiếp cận tích cực khi đưa ra giới hạn thời gian làm thêm, giúp sinh viên bảo đảm sức khỏe, thời gian cho việc học.
Bởi lẽ, có một thực tế là nhiều sinh viên khi đi làm thêm kiếm được nhiều tiền thì chểnh mảng việc học. Một số người khi ổn định quay trở lại học nhưng không kịp vì đã hết thời hạn quy định.
Cũng có trường hợp không quay lại vì tin rằng không học cũng có thể tìm được công việc thu nhập cao. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, dự thảo nếu được thông qua thành quy định chính thức rất khó áp dụng vì chưa cung cấp được công cụ quản lý.
Sinh viên đi làm nhiều hơn luật quy định thì cũng không khai ra. Luật là tương lai của 15-20 năm nữa nên cần nghiên cứu thật kỹ, tìm cách hệ thống quản lý việc làm đi vào quy củ, hoặc phải có lộ trình để thực thi. Nếu đưa ra mà không làm được ngay thì sẽ tạo ra tâm lý lờn luật.
Tán đồng ý kiến sinh viên làm thêm quá nhiều có thể ảnh hưởng đến việc học, nhưng tiến sĩ Bùi Hồng Quân - giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM - băn khoăn: “Xét về hướng ngược lại, dự thảo có thể gây khó khăn cho nhiều phía như: tước đi cơ hội tìm thu nhập của những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; giảm số người làm thêm là sinh viên của các doanh nghiệp, cửa hàng; trở ngại quản lý cho cơ sở giáo dục.
Vì về nguyên tắc, trường học chỉ quản lý sinh viên về các hoạt động học tập trong thời gian có mặt tại trường. Nhà trường không đủ nhân lực và cũng rất khó để quản lý việc làm thêm của sinh viên nếu không có sự kết nối đồng bộ giữa sinh viên - nhà trường - người sử dụng lao động là sinh viên.
Theo tôi, tự ý thức trong học tập là điều quan trọng nhất đối với sinh viên. Khi có được điều này, sinh viên sẽ dành thời gian và nỗ lực để đạt kết quả tốt nhất”.
Cho rằng việc quy định giới hạn giờ làm thêm của sinh viên ở thời điểm này còn khá sớm, ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TPHCM - phân tích: “Các trường ĐH gần như chưa có cơ sở, công nghệ để phục vụ công tác kiểm soát việc này một cách chi tiết. Sinh viên không khai báo thì không thể phạt, mà nhà trường cũng không có cơ chế để phạt.
Thời điểm này, nên khuyến khích để sinh viên biết trách nhiệm của mình là học tập và nghiên cứu chứ không phải làm thêm. Đoàn trường và phòng công tác sinh viên sẽ cổ động cho làm thêm đúng 20 giờ/tuần và tiếp tục ủng hộ cho quy định trên khoảng vài năm, sau đó mới dần dần bắt buộc. Không nên quy định cứng nhắc về thời gian như dự thảo đã đưa ra”.
|
L.T. - sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - trong giờ làm công việc phục vụ quán ăn |
Trường sẽ thương lượng về lương với nhà tuyển dụng
Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Đình Vũ - Giám đốc Trung tâm Kết nối doanh nghiệp và Giới thiệu việc làm, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM - cho hay: sinh viên thường làm thêm với mức thù lao rất thấp so với thời gian và công sức bỏ ra. Do đó, trường luôn tìm hiểu rất kỹ về đối tác trước khi giới thiệu việc làm thêm cho sinh viên.
Thông thường, trường sẽ thương lượng trước với đơn vị tuyển dụng, đạt mức lương cao hơn so với thị trường thì mới giới thiệu đến sinh viên. Ví dụ, nhân viên phục vụ quán cà phê bên ngoài được trả khoảng 22.000-25.000 đồng/giờ thì trường sẽ yêu cầu các đối tác mức lương khoảng 25.000-27.000 đồng/giờ, thậm chí 30.000 đồng/giờ.
Tiến sĩ Quách Thanh Hải - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - chia sẻ: sinh viên thường thiếu định hướng cá nhân và thiếu thông tin về thị trường lao động, chưa chủ động và chịu khó tìm hiểu đủ về thị trường lao động. Do đó, trước khi giới thiệu việc làm cho các em, nhà trường sẽ kiểm tra, xác minh kỹ thông tin của các công ty, đơn vị, cá nhân nhờ giới thiệu.
Bên cạnh đó, trường cũng tổ chức các chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp với nhiều quy mô khác nhau. Mời cựu sinh viên tham gia chia sẻ, thảo luận cùng sinh viên. Các em được lắng nghe để hiểu rõ hơn về thực tế nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu của nhà tuyển dụng, những câu chuyện nghề và những mô hình phát triển nghề nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trường cũng tổ chức các hội thảo tư vấn định hướng nghề nghiệp với quy mô lớn, từ vài trăm đến cả ngàn sinh viên.
Trang Thư