Dự thảo nghị định mới về thi người đẹp: Cẩn trọng để tránh "hỗn loạn"

15/07/2020 - 15:05

PNO - Một số nội dung trong dự thảo thể hiện sự cấp tiến của cơ quan quản lý nhà nước nhưng còn bất cập, chưa toàn diện.

Sáng 14/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị định Quy định về Hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Trong đó, có một số nội dung thay đổi liên quan đến việc thi người đẹp, người mẫu so với quy định hiện hành của Nghị định 79/2012 và Nghị định số 15/2016. Trước khi đưa ra dự thảo lần này, cơ quan chức năng đã có những buổi lấy ý kiến các đơn vị tổ chức trong nước.

Dự thảo nghị định sẽ bỏ điều kiện thí sinh dự thi người đẹp là nữ, có vẻ đẹp tự nhiên chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ. Đây được xem là một sự thay đổi lớn khi nhiều cuộc thi nhan sắc của các quốc gia trên thế giới đã chấp nhận thí sinh qua chỉnh sửa nhan sắc hoặc chuyển đổi giới tính.

Trước nay, tại Việt Nam, nếu muốn dự thi người đẹp trong nước, thí sinh buộc phải có vẻ đẹp tự nhiên. Quy định này bộc lộ một số hạn chế trong trường hợp thí sinh làm răng sứ, hoặc sử dụng các biện pháp thẩm mỹ không xâm lấn khiến xảy ra tình trạng lẫn lộn, đánh tráo khái niệm phẫu thuật y khoa và phẫu thuật thẩm mỹ.

Quy định này cũng khiến thí sinh có tiềm năng đánh mất cơ hội tham gia sân chơi nhan sắc. Một đơn vị cho biết trong quá trình tuyển thí sinh, có người đẹp 12 năm liền là học sinh giỏi, khả năng ngoại ngữ, hình thể, kỹ năng trình diễn tốt, nhận học bổng quốc tế, có khả năng âm nhạc, võ thuật, đánh giá sơ bộ có thể tiến vào top cao nhưng đành ngậm ngùi ra về vì bị tố nhấn mí - một phẫu thuật khá nhỏ. Ban tổ chức (BTC) lấy làm tiếc nhưng không thể làm trái quy định.

Nhưng việc nới lỏng quy định này cũng không hoàn toàn tích cực. Đặc biệt khi tại Việt Nam, các cuộc thi nhan sắc vẫn được xem là một giá trị văn hoá, có sức ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng, đặc biệt giới trẻ.

Nguyễn Thị Thành từng bị tước danh hiệu Á khôi 1 tại cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 vì làm răng sứ
Nguyễn Thị Thành từng bị tước danh hiệu Á khôi 1 tại cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 vì làm răng sứ

Bà Nguyễn Thị Thuý Nga - Giám đốc Công ty Elite Việt Nam đặt vấn đề: “Việc bỏ quy định này có thể thấy sự nới lỏng của cơ quan quản lý, nhưng ủng hộ hay không ủng hộ đều khó. Phẫu thuật thẩm mỹ luôn đòi hỏi kinh phí lớn và có thể tạo ra những cuộc lột xác ngoạn mục. Điều này có công bằng với những cô gái có nét đẹp tự nhiên chưa hoàn hảo, nhưng không có kinh phí để chỉnh sửa hay không?”.

Ông Trần Việt Bảo Hoàng - Giám đốc Công ty Unicorp, đơn vị tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, nắm bản quyền đưa thí sinh dự thi Hoa hậu Hoàn vũ - cho rằng: “Hiện tại, việc chọn ra hoa hậu ở một cuộc thi uy tín không chỉ dựa vào việc chấm điểm gương mặt, vóc dáng. Có nhiều yếu tố khác để quyết định kết quả cuối cùng như tri thức, khả năng truyền cảm hứng… Việc bỏ quy định về vẻ đẹp tự nhiên, nhìn ở mặt tích cực giúp nâng cao các giá trị khác hơn, phù hợp với xu thế hiện tại. Tìm hoa hậu không phải tìm người có vẻ đẹp tự nhiên hoàn hảo”.

Bà Thúy Nga cho biết qua quá trình trao đổi, làm việc với nhiều BTC hoa hậu trên thế giới, trong đó có cả Venezuela (quốc gia nổi tiếng trong lĩnh vực đào tạo sắc đẹp, chấp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ), đã rút ra một cơ chế hoạt động khá hiệu quả.

“Ở các cuộc thi hoa hậu quốc tế, ban giám khảo (BGK), BTC không đưa ra quy định cụ thể cấm hay khuyến khích thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, có một luật ngầm trong BGK đối với những thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ quá nhiều, làm thay đổi nhiều phần trên mặt, cơ thể... thì hầu như không thể vào top cao, ngoại trừ thí sinh quá xuất sắc trong các kỹ năng khác. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi BGK phải có kinh nghiệm và công bằng, chung tiêu chí chấm giải” - bà Thúy Nga nói.

Nhiều cuộc thi nhan sắc trên thế giới không cấm nhưng cũng không khuyến khích thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ
Nhiều cuộc thi nhan sắc trên thế giới không cấm nhưng cũng không khuyến khích thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ

Theo quy định hiện hành, thí sinh muốn thi người đẹp, người mẫu quốc tế phải có danh hiệu chính ở các cuộc thi trong nước. Điều này khiến phát sinh thực trạng thi “chui” trong nhiều năm qua. Trong khi đó, việc xử phạt hiện hành vẫn còn nhẹ khiến tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Trong dự thảo nghị định mới sẽ không quy định phải đạt danh hiệu chính mới được dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế. Nội dung này cũng sẽ do đơn vị tổ chức quy định trong điều lệ, quy chế và chịu trách nhiệm kiểm soát, xử lý.

Quy định mới này giúp các đơn vị nắm bản quyền đưa thí sinh thi quốc tế giản lược thủ tục, nhưng cũng có khả năng gây ra việc loạn thi quốc tế. Trong khi đó, những năm qua, không ít trường hợp cố tình thi chui để lấy danh hiệu, sau đó thực hiện các hoạt động bất chính như bán dâm, dắt mối bán dâm…

Nhiều năm qua, việc thi chui của các người đẹp trở nên phổ biến nhưng chế tài hiện hành còn nhẹ nên không thể xử lý dứt điểm
Nhiều năm qua, việc thi "chui" của các người đẹp trở nên phổ biến nhưng chế tài hiện hành còn nhẹ nên không thể xử lý dứt điểm

Thực tế, các đơn vị tổ chức lớn trên thế giới như Miss World, Miss Universe, Miss International, Miss Grand International… đều yêu cầu thí sinh có danh hiệu cao trong nước. Cụ thể, Miss WorldMiss Universe đều yêu cầu đơn vị nắm bản quyền tổ chức cuộc thi quy mô quốc gia, sau đó đưa hoa hậu/người chiến thắng tham dự. Trong trường hợp cử á hậu hoặc nhân tố được bổ nhiệm phải giải thích rõ lý do. 

Bà Thuý Nga chia sẻ: “Tôi nghĩ không nên bỏ quy định trên mà thay đổi cho phù hợp với thực tế hơn. Cơ quan quản lý sẽ cấp phép cho thí sinh nhận được giấy mời từ BTC cuộc thi. Khi có thư mời, nghĩa rằng họ đã chấp nhận thí sinh này đủ điều kiện theo yêu cầu. Một số cuộc thi nhỏ hơn sẽ cần thí sinh có danh hiệu nhỏ hơn, hoặc không cần phải đương nhiệm trong năm đó. Còn với những cuộc thi không cần danh hiệu của thí sinh, đa phần đều có quy mô nhỏ, ít uy tín. Với nhóm này, có thể xem đây là phong trào, thị trường sẽ tự có cơ chế đào thải”.

Hiện tại, quy trình cấp phép cho người đẹp thi quốc tế không quá phức tạp. Chỉ cần có đủ hồ sơ theo yêu cầu, chỉ trong 3-5 ngày, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ có kết quả phản hồi. Hơn nữa, việc cơ quan nhà nước vẫn giữ vai trò cấp phép giúp đơn vị nắm bản quyền an tâm hơn bởi khi đó nhân thân của thí sinh sẽ được đảm bảo.

Nhìn ở mặt tích cực, ông Bảo Hoàng cho rằng: “Mỗi cuộc thi có tiêu chí riêng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không thể nào đi rà soát từng cuộc thi, từng hồ sơ để biết rằng thí sinh hợp hay không hợp. Điều này, BTC quốc tế và đơn vị giữ bản quyền, tổ chức cuộc thi ở quốc gia sẽ nắm rõ hơn”.                                  

Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng cần phân định rõ khái niệm “đại diện Việt Nam” dành cho các người đẹp đăng quang cuộc thi chính thống trong nước, được cấp phép để dự thi quốc tế với khái niệm “thí sinh đến từ Việt Nam”, dành cho những người đẹp không có danh hiệu nhưng được BTC quốc tế chấp thuận dự thi.

Việc cấp phép cho người đẹp thi quốc tế có thể thay đổi trong thời gian tới
Việc cấp phép cho người đẹp thi quốc tế có thể thay đổi trong thời gian tới

Trong buổi lấy ý kiến, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình 2 phương án để quản lý các cuộc thi hiện tại. Theo đó có 20/23 thành viên đồng ý phương án giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định điều kiện để UBND cấp tỉnh quản lý cuộc thi người đẹp, người mẫu theo địa bàn, nhằm cắt giảm thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, để tránh việc cấp phép vô tội vạ dẫn tới hỗn loạn thi nhan sắc, cơ quan chức năng cần xem xét kỹ mục tiêu, sự cần thiết của cuộc thi, đồng thời phải thẩm tra năng lực của đơn vị tổ chức. Đã từng có những cuộc thi chỉ diễn ra một lần, kéo theo không ít lùm xùm về khâu tổ chức, mua bán giải, vi phạm quy định… Vì thế, giao quyền cho địa phương nhưng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn phải giữ vai trò giám sát, điều tiết để xử lý kịp thời thông qua những quy định chặt chẽ.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI