Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Đừng mải lo bắt cá nhỏ, để lọt cá to

22/11/2017 - 06:55

PNO - Nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước khiến tính khả thi không cao, thậm chí có thể dẫn tới tình trạng chỉ bắt được con cá nhỏ, để lọt con cá to.

Theo ĐB Dương Trung Quốc, phòng chống tham nhũng (PCTN) phải tập trung vào những người sử dụng quyền lực để tư lợi. 

Khó “quản” tham nhũng khu vực tư

Tại cuộc thảo luận về dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) ngày 21/11, nhiều ĐBQH đồng tình với việc mở rộng từng bước phạm vi điều chỉnh của luật sang khu vực ngoài nhà nước. Theo ĐB Đỗ Văn Bình (TP. Hải Phòng), hiện nay, ngày càng có sự gắn kết giữa các cơ quan nhà nước với khu vực tư nhân, nên nếu chỉ tập trung ở một khu vực thì công tác PCTN khó mà đạt hiệu quả cao.

Du thao Luat phong, chong tham nhung (sua doi): Dung mai lo bat ca nho, de lot ca to
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Hoàng Quang Hàm (tỉnh Phú Thọ) cho rằng, việc lợi dụng quyền lực để trục lợi trong khu vực tư về bản chất cũng không khác gì khu vực công, nên phải được coi là hành vi tham nhũng. Tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn cả chính sách, việc đưa hối lộ hoặc thông đồng với khu vực nhà nước để tư lợi gây thất thoát lớn tiền, tài sản nhà nước.

Tuy nhiên, không ít ĐB nghi ngờ về tính khả thi của quy định này. ĐB Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) nêu ý kiến: “Một mặt, các ĐB cho rằng cần phải thu hẹp diện kiểm soát kê khai tài sản, nhưng mặt khác lại muốn mở rộng thêm diện kiểm soát tham nhũng.

Tôi cho rằng như thế là mâu thuẫn, chúng ta không đủ khả năng thực hiện. Tôi thấy tính khả thi không đảm bảo”. Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, cần cắt đường dây kết nối giữa hai khu vực này bằng nhiều quy định khác nhau, trong đó, cần yêu cầu kê khai tài sản từ những người bắt đầu vào ngạch công chức, để kiểm soát tận ngọn. 

Trong khi đó, ĐB Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) nhận định, quy định mở rộng phạm vi, diện điều chỉnh như trong dự thảo giống như đang “pha loãng” quản lý, làm mất đi hiệu lực quản lý. Ông cho rằng, cần phải xác định rõ nội hàm của tham nhũng, đó là tham nhũng phải gắn liền với quyền lực và phương hại đến công quỹ. “Nếu không phải là của công thì không phải tham nhũng, mà là căn bệnh khác. Vì thế, tôi cho là ta cần phải làm rõ điều này”.

ĐB này đề nghị phải có sự thay đổi cơ chế một cách hợp lý hơn: “Nếu chúng ta làm tràn lan như thế này thì cuối cùng toàn bắt con cá nhỏ, để lọt con cá to. PCTN phải tập trung vào những người sử dụng quyền lực để tư lợi cho mình”.

Tịch thu tài sản tham nhũng là vấn đề cốt tử

Một trong những vấn đề được ĐBQH đặc biệt quan tâm là cơ chế xử lý tài sản tham nhũng, được nêu trong dự thảo luật. ĐB Hoàng Thị Thu Trang (tỉnh Nghệ An)  bày tỏ sự thất vọng khi dự thảo chưa có giải pháp bứt phá về vấn đề này, chỉ mới nhắc lại một số quy định của Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Thanh tra… Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, 10 năm qua, Việt Nam chỉ thu hồi được 4.676 tỷ đồng/59.000 tỷ đồng, đạt 8%; 290 ha đất/400 ha, đạt hơn 54%.

“Như vậy, còn khoảng 55.000 tỷ đồng chưa thu hồi được, nếu không muốn nói là không thể thu hồi được. Số tiền này được cử tri so sánh bằng số tiền nộp ngân sách đầu tư xây đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020, hoặc bằng thu ngân sách trong vòng 5 năm của một tỉnh nghèo” - bà Trang bức xúc.

ĐB Nguyễn Bá Sơn (TP. Đà Nẵng) cũng đánh giá, việc trao thẩm quyền cho cơ quan chức năng truy lùng đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản bất minh là vấn đề cốt tử của bộ luật này. Thực tế, việc chuyển dịch quyền sở hữu với những khối tài sản lớn, thậm chí đặc biệt lớn nhưng không vấp phải bất cứ hành động kiểm soát nào từ phía cơ quan nhà nước đã làm cho kẻ tham nhũng dễ dàng cất giấu hoặc tẩu tán tài sản tham nhũng.

Để khắc phục tình trạng yếu kém về thu hồi tài sản, ĐB Hoàng Thị Thu Trang cho rằng, cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung xây dựng thể chế thu hồi tài sản. Dự thảo Luật PCTN cần bổ sung một chương riêng về thu hồi tài sản tham nhũng và quy định trách nhiệm pháp lý của các cơ quan chức năng để xảy ra tình trạng tẩu tán, thất thoát tài sản. Còn theo ĐB Nguyễn Bá Sơn, với các cán bộ công chức không chứng minh được nguồn gốc tài sản của mình là hợp pháp thì Nhà nước có quyền tịch thu. 

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về việc xử lý các tài sản bất minh, ĐB Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, Trung Quốc quy định bất kỳ công chức nào có tài sản hoặc chi tiêu vượt quá thu nhập hợp pháp đều có thể bị yêu cầu giải trình; nếu không giải trình được thì sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu, ngoài ra có thể bị phạt tù đến 5 năm. Singapore không chỉ ban hành luật riêng về chống tham nhũng mà còn có luật riêng về thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó có các quy định rất cụ thể về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu hồi. 

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI