Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia: Càng chỉnh sửa, càng… yếu ớt

24/05/2019 - 07:37

PNO - Sau mỗi lần đưa ra chỉnh sửa, bàn bạc, nhiều điều khoản của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia lại bị lược bớt, giảm nhẹ khiến những biện pháp mang tính chất phòng ngừa, răn đe càng trở nên yếu ớt.

Lo khó thực thi nếu luật quá nghiêm

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, sáng 23/5, buổi thảo luận hội trường, một số đại biểu bày tỏ sự bất ngờ khi nhiều điều khoản trước đây đã bị đẩy ra khỏi dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Điển hình như, dự luật không còn cấm bán bia, rượu từ 15 độ cồn trở lên trên internet mà thay bằng chế định bán rượu bia theo hình thức thương mại điện tử, quy định các biện pháp kiểm soát độ tuổi tiếp cận, truy cập và tìm kiếm mua rượu, bia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải, không giữ lại quy định cũ vì… không khả thi và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) cho rằng, internet ngày càng phổ biến và độ tuổi tiếp cận ngày càng trẻ hóa, nên việc bỏ chế định trên là “vẽ đường cho hươu chạy”: “Báo cáo giải trình chỉ cân nhắc quy định cấm này vì không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp mà quên cân nhắc những nguy cơ gây hại của rượu, bia với trẻ em, một đối tượng yếu thế của xã hội”. 

Du thao Luat Phong, chong tac hai ruou, bia: Cang chinh sua, cang… yeu ot

Trình bày bản dự thảo luật sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm bán rượu từ 15 độ trở lên sau 22g đến 8g sáng hôm sau hay cấm bán rượu, bia trong một số ngày lễ. Dù đánh giá đây là những giải pháp “hết sức mạnh mẽ và sẽ rất hiệu quả trong phòng, chống tác hại của rượu, bia” nhưng trong điều kiện hiện nay, quy định này dự báo sẽ chưa có tính khả thi cao nên không đưa vào dự thảo.

Chia sẻ bên lề kỳ họp, bà Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cũng cho rằng, Việt Nam đã có quá nhiều luật, quy định rất chặt chẽ nhưng khi thực hiện thì hiệu quả không như kỳ vọng. Do đó, nếu nói dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia hiện còn yếu thì thực hiện được những quy định này cũng đã là... tốt rồi. Thậm chí, thảo luận ở hội trường Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc còn bức xúc vì rượu, bia là “văn hóa của cả nhân loại” nên tại sao lại đưa lên “đoạn đầu đài” với hàng loạt quy định phòng, cấm như vậy. 

Phục vụ sức khỏe nhân dân hay nhóm lợi ích?

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (tỉnh Phú Yên) cho biết, trước kỳ họp, bà có làm một khảo sát nhỏ với trẻ từ 12-16 tuổi với kết quả: có tới 83% số trẻ cho biết có sử dụng các loại thức uống có cồn, 87,6% nói không biết gì về nồng độ cồn trong sản phẩm vì chỉ nghe quảng cáo là nước trái cây lên men. Đại biểu này mong có những quy định cứng rắn hơn trong dự luật lần này. Bà cho rằng, pháp luật là để điều chỉnh hành vi của người dân vào khuôn khổ; nếu thấy khó quá, làm chừng mực thôi thì cần gì phải bỏ nhiều tiền và công sức để xây dựng pháp luật. “Tôi rất ngạc nhiên về tính dự báo của dự thảo luật so với xu thế chung, nó dường như đi ngược lại với tính chất nguy hiểm với đời sống con người, vô tình xem nhẹ sức khỏe con người, nhưng có vẻ bắt kịp rất nhanh, mạnh sự phát triển của nền công nghiệp rượu, bia” - đại biểu Hiền thẳng thắn.

Du thao Luat Phong, chong tac hai ruou, bia: Cang chinh sua, cang… yeu ot
Rất nhiều tai nạn xảy ra do rượu bia

Đại biểu này dẫn chứng, đối với quy định độ tuổi mua rượu, bia, các nước phát triển hiện còn lúng túng, nhưng họ vẫn làm vì họ dự báo được tình hình. Việt Nam có thể áp dụng tương tự, ban hành các quy định và thực hiện theo lộ trình để dần thay đổi nhận thức của người dân trong quá trình sử dụng rượu, bia. Với việc xảy ra hàng loạt vụ việc do sử dụng rượu, bia gây ra như xâm hại tình dục, tai nạn giao thông… đại biểu Hiền cho rằng, không thể mong chờ việc tuyên truyền làm thay đổi hành vi văn hóa của con người. Thay vào đó, cần có những quy định nghiêm, có tính răn đe, phòng chống được tác hại do thứ đồ uống này gây ra. 

Đại biểu Phạm Trọng Nhân cũng đề nghị Quốc hội đưa trở lại dự luật các chế định nghiêm khắc trước đây, đồng thời rà soát, điều chỉnh lại độ cồn ở ngưỡng 4-5 độ trong tất cả quy định, thay vì 5,5 độ như trong dự thảo luật. Đại biểu Nhân nêu quan điểm, dự luật phải đứng về phía nhân dân chứ không phải bất kỳ cá nhân hay nhóm lợi ích nào: “Dự luật lần này có thể hoàn chỉnh về kỹ thuật lập pháp nhưng chưa hoàn chỉnh về tư duy và trách nhiệm trong sứ mệnh chăm lo sức khỏe nhân dân. Chi phí cho ra đời một dự luật không hề nhỏ, đến từ nguồn thuế của nhân dân nên luật phải phục vụ đúng lợi ích của nhân dân. 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI